Sự ra đời của Quy hoạch Vùng

Chủ nhật, 05 Tháng 12 2010 17:45 dungdothi.wordpress.com
In

Quy hoạch vùng bắt đầu với một học giả mà tư tưởng bao trùm nhiều lĩnh vực: Patrick Geddes (1854-1932) của xứ Scotland, miền Bắc nước Anh. Trong tư duy của ông, một giáo sư sinh học, con người và các đô thị là một phần của hệ sinh thái, tác động vào môi trường sống đồng thời chịu tác động từ môi trường sống đó. Geddes cổ vũ ý tưởng rằng sự phát triển của các thành phố và làng mạc cần được xây dựng trên sự am hiểu về thiên nhiên và điều kiện hiện hữu. Ông đề xuất rằng quy hoạch phải bắt đầu bằng việc khảo sát hiện trạng, một bước tiến cách mạng của lĩnh vực quy hoạch lúc bấy giờ.

Một trong những nền tảng triết học khác định hướng cho Geddes là ý niệm về sự hợp tác giữa con người với con người và với thiên nhiên. Từ đó, Geddes đi đến ý tưởng về sự phát triển đô thị thành những thị trấn có quy mô dân số vừa phải, thân thiện với con người và phân tán trong một vùng đô thị thay vì tập trung vào những thành phố khổng lồ và cho phép thiên nhiên xen vào giữa những thành phố đó như những vành đai xanh.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, những ý tưởng vĩ đại nhưng trừu tượng của Geddes trở thành niềm cảm hứng cho Lewis Mumford, Clarence Stein (kiến trúc sư thiết kế các ‘đơn vị láng giềng’ đầu tiên) cùng với nhà lâm học Benton Mackaye thành lập Hiệp hội Quy hoạch Vùng Hoa kỳ (RPAA) vào năm 1923. Quy hoạch vùng, theo quan điểm của nhóm, không đặt câu hỏi một diện tích lớn chừng nào thì cần được đặt trong một cơ chế quản lý vùng, nhưng tìm giải pháp cho việc phân bổ dân cư và tiện ích công cộng nhằm thúc đẩy chất lượng sống của người dân xuyên suốt toàn vùng – một vùng ở bất cứ quy mô địa lý nào chia sẻ cùng một sự thống nhất về khí hậu, đất đai, cây cỏ, sản xuất và văn hóa. Thay vì nỗ lực một cách tuyệt vọng bằng chế tài này hay thể chế kia để làm cuộc sống trong các trung tâm đô thị trở nên dễ chịu hơn, quy hoạch vùng xác định những tiện ích nào là cần thiết trong các trung tâm mới.

Chính cái ý cuối cùng này gắn những ý tưởng của Geddes và RPAA với mô hình Thành phố Vườn của Ebenezer Howard. Nếu như quy hoạch vùng là tạo ra một khung cho bức tranh phát triển, mô hình thành phố vườn tạo nên những họa tiết là những thị trấn nhỏ nằm xung quanh các thành phố lớn, trên nền xanh của đất nông nghiệp và khu bảo tồn.


Giới hạn phát triển và vành đai xanh do Abercrombie đề xuất tiếp tục được kế thừa trong các quy hoạch vùng tiếp theo của London. Nguồn: Hall, Peter (1992)

Bản quy hoạch vùng đầu tiên trong lịch sử dành cho New York, tuy nhiên, lại không được giao cho RPAA mà rơi vào tay Thomas Adams, một nhà quy hoạch lão luyện và am hiểu giới bất động sản đến từ Anh Quốc. Dự án vùng New York của Adams bao trùm một diện tích rộng 13.000 km2 với tâm là tòa thị chính thành phố và gần 9 triệu cư dân – một quy mô chưa từng có trước đó. Khác với nhóm RPAA, Adams tin rằng định dạng của một vùng là ổn định và những thay đổi chỉ có thể là cải tạo và nâng cấp. Do đó, bản quy hoạch vùng New York không đề xuất sự phát triển các trung tâm mới mà thay vào đó là tái phân phối sự tập trung các hoạt động kinh tế từ lõi ra các trung tâm thứ cấp hiện hữu.


Quy hoạch nội đô London theo mô hình hữu cơ do Abercrombie chủ trì dựa theo những ý tưởng của Geddes. Nguồn: www.probertencyclopaedia.com

Trong khi Adams nhận được hợp đồng để đời tại New York, những ý tưởng của nhóm RPAA lại có ảnh hưởng lớn với quy hoạch vùng London mở rộng năm 1944 dưới sự chủ trì của Patrick Abercrombia. Đồ án là sự kết tinh của những ý tưởng về quy hoạch vùng dựa trên tư duy sinh thái bắt đầu từ Geddes với hệ thống đô thị vệ tinh và vành đai xanh của Howard và ‘đơn vị láng giềng’ của Perry.

Quy hoạch vùng ra đời bằng chiêm nghiệm của Geddes về mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên và những thách thức mà nhân loại đang đối mặt trong thế kỷ 21 không gì khác hơn là sự đổ vỡ của mối quan hệ này. Lý thuyết mà ông xây dựng giúp chúng ta “thấy rõ qua khói bụi và sự ồn ã của nền văn minh chính mảnh đất đã đảm bảo sự tồn tại và, thay cho sự vụng về của nhân loại, nuôi dưỡng nền văn minh ấy”. Quy hoạch vùng của thế kỷ 21 có lẽ là cơ hội để nền văn minh vụng về của chúng ta nuôi dưỡng chính mảnh đất mình sinh sống.

Tham khảo:

Nguyễn Đỗ Dũng (Tạp chí Xây dựng


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: