Các thành phố lớn: Căng mình với đô thị hóa

Thứ bảy, 19 Tháng 3 2011 09:23 Lao Động
In
Năm 1990, khi Việt Nam bắt đầu đô thị hoá, cả nước có khoảng 500 đô thị, với tỉ lệ đô thị hoá khoảng từ 17% - 18%. Đến năm 2010, cả nước có hơn 700 đô thị, tỉ lệ đô thị hoá tăng lên khoảng 23%. Đáng lẽ số lượng đô thị tăng lên thì mở ra không gian sống rộng rãi, thoáng đãng hơn trước; thế nhưng…

Đô thị căng cũ căng mình

Số lượng đô thị tăng, nhưng tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng... không gian sống nhìn chung vẫn chật chội vì dân số gia tăng, trong đó phần lớn là dân nhập cư từ các tỉnh đổ về kiếm kế sinh nhai.

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, đến năm 2020 tỉ lệ đô thị hóa tại VN đạt khoảng 40%, tương đương với số dân sinh sống hơn 45 triệu người. Theo mục tiêu, diện tích bình quân/đầu người tại khu vực đô thị là 100m2/người, tương đương nhu cầu 450.000 ha đất đô thị.

Thế nhưng nguồn cung hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/4, tương đương với hơn 105.000 ha đất đô thị. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu nhất khiến các đô thị phải căng ra để tăng sức chứa.  

Như TPHCM, quy hoạch trước năm 1975 chỉ đáp ứng cho khoảng 3 triệu dân sinh sống và làm việc, nay dân số tăng lên trên 7 triệu người, đó là chưa kể một lượng lớn dân nhập cư và khách vãng lai. Vì thế, dù TPHCM có diện tích quy hoạch xây dựng đô thị lên tới 2.000km2, nhưng do sự phân bổ dân cư không đồng đều đã gây ra quá tải đối với hệ thống hạ tầng và dịch vụ.

Hệ lụy là quy hoạch cũ bị phá vỡ, các khối công trình, kiến trúc bị cơi nới, thay đổi kết cấu tạo nên bộ mặt nham nhở. Hạ tầng quá tải, lại  thêm cư dân kém ý thức về văn minh đô thị, khiến cho phố xá càng nhanh xuống cấp. Nội thị chật chội vì diện tích đất/người mới đạt khoảng 1/4 mục tiêu, vì thế không thể đáp ứng không gian sống tiêu chuẩn.

Không gian xanh của thành phố đã giảm đến 50%-xuống còn 535 ha - trong thời gian từ năm 1998-2010. Mục tiêu thành phố đến năm 2010 sẽ có từ 6-7m2 mảng xanh/người thì đến nay chỉ mới đạt được chưa đầy 1m2/người.

Lối thoát nào?

Trước thực trạng này, giải pháp lâu dài là xây dựng các khu dân cư, khu đô thị vệ tinh với quy hoạch hợp lý để dãn dân. Một minh chứng cho hướng giải quyết này là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, trong vòng khoảng 15 năm đã góp phần kéo dãn được hàng chục ngàn cư dân từ trung tâm thành phố ra quận 7, thiết lập nên một tiêu chuẩn sống cao kiểu mẫu.

Sự trông đợi lâu nay đang đổ về Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm được kỳ vọng sẽ trở thành “phố Đông” của TPHCM. Dự án này đang chậm tiến độ nhiều năm nhưng đến nay cũng đã hoàn tất 95% mặt bằng. Theo Ban quản lý đầu tư xây dựng KĐT này thì hiện có khoảng 200 NĐT trong và ngoài nước đang tỏ ý muốn được giao “đất sạch” để đầu tư vào đây.

Theo ông Lâm Văn Chúc - Tổng GĐ Cty BĐS Phúc Đức: Quận 2 và quận 9 đang giúp cho thị trường địa ốc sôi động hơn. Đặc biệt là quận 2, với ưu thế về quy hoạch và hạ tầng, giá đất luôn cao hơn các khu vực khác, và lượng giao dịch theo sàn giao dịch địa ốc Đất Ngọc hiện tăng tới 200% so với quý IV/2010.

Tuy nhiên, giới trung lưu trở lên tìm mua nhà đất ở quận này vì không phải chờ đợi mỏi mòn các công trình hạ tầng giao thông như năm, bảy năm về trước vì các công trình trọng điểm như đại lộ Đông - Tây, hầm, cầu Thủ Thiêm, quốc lộ 25B... đã và sắp hoàn thành. Quận 2 cũng có ưu thế gần trung tâm TPHCM, nên việc dãn dân ra cũng thuận lợi hơn.

Các chuyên gia cho rằng, cùng với các dự án tại đây như Diamond Island, Villa Park, The Garland Villa... sẽ góp phần kéo dãn phạm vi đô thị của TPHCM và đáp ứng không gian xanh cho cư dân thành phố.

Đức Long - Thế Hải

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: