Siêu đô thị dãn dân về đâu?

Thứ tư, 27 Tháng 4 2011 10:15 Người Đô thị
In

TPHCM sẽ trở thành một siêu đô thị trong 15 năm tới. Theo báo cáo sơ bộ của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, việc qui hoạch phát triển đô thị của thành phố trong tương lai cũng nhằm tái cấu trúc đô thị, dãn dân ra các đô thị vệ tinh, giảm ùn tắc giao thông và tránh ngập nước…

Siêu đô thị “nở” về đâu?

Siêu đô thị TPHCM vào năm 2025 sẽ có qui mô 10 triệu dân có hộ khẩu và 2,5 khách vãng lai, thu nhập bình quân trên đầu người đạt khoảng 17.000USD/năm. Khu trung tâm hiện hữu vẫn là khu trung tâm chính (hạt nhân) trong tương lai, nhưng sẽ mở rộng sang Khu đô thị mới Thủ Thiêm có qui mô 737ha. TPHCM với hơn 7 triệu dân đang được xếp loại theo tiêu chí của Bộ Xây dựng là đô thị loại đặc biệt, trong khi khái niệm siêu đô thị thường dùng để chỉ các đô thị có từ 10 triệu dân trở lên.


Một siêu đô thị TPHCM trong tương lai chắc chắn dẫn đến việc dãn dân

Khu vực nội thành của siêu đô thị sẽ “nở” rộng ra với bán kính 15km, chứa từ 7-7,4 triệu người sinh sống, có diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 100.000ha. Như vậy, khi đó những khu đô thị mới (KĐTM) hiện hữu như Phú Mỹ Hưng, Nam Sài Gòn, hay các KĐTM chuẩn bị xây dựng như Thủ Thiêm, hoặc những khu dân cư như Diamond Island (Đảo Kim Cương), Villa Park, The Garland Villa, khu biệt thự ven sông Rạch Chiếc… sẽ thuộc về nội thành dù bây giờ những dự án này nằm ở vùng ven với lợi thế quy hoạch theo tiêu chuẩn không gian sống sinh thái gần với thiên nhiên.

Bốn hướng phát triển chủ yếu của siêu đô thị gồm hướng đông bắc, hướng nam, hướng bắc và hướng tây. Tuy nhiên trên thực tế, hướng đông và  đông nam hiện đang có sự phát triển nhanh và mạnh hơn. Trong bối cảnh thị trường địa ốc đang trầm lắng, nhưng số vụ giao dịch trong quý I/2011 qua sàn giao dịch địa ốc Đất Ngọc ở quận 2 vẫn tăng tới 200% so với quý IV năm trước. 

Dãn theo đô thị vệ tinh

26% dân số từ nông thôn ra đô thị thì cũng có 10% dân số đi theo chiều ngược lại. Trào lưu “di cư ngược” này diễn ra gần đây gắn với những người có thu nhập khá và lớp nhà giàu mới ý thức về giá trị sống và sức khỏe do môi trường sống mang lại. 

Siêu đô thị là bức tranh toàn cảnh về tương lai, trong đó gồm nhiều đô thị vệ tinh. Chính các đô thị vệ tinh, hay tiểu đô thị, sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc kéo dãn dân ra khỏi khu vực trung tâm hiện hữu, giảm bớt áp lực gây ra quá tải. Các đô thị vệ tinh sẽ giải quyết nơi ở cho khoảng 1/4 dân số TPHCM vào thời điểm năm 2025, tức từ 2-2,5 triệu người.

Ra đời sau nên các dự án đô thị, khu dân cư vệ tinh có thuận lợi là qui hoạch bài bản. Điển hình là các dự án đã và đang được quy hoạch, triển khai xây dựng ở quận 2, quận 9 và quận 7, nhà ở kết hợp với không gian sống đạt tiêu chuẩn nhất định. Tiến sĩ Trần Du Lịch-Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM - nhận định rằng, sau khi các dự án giao thông trọng điểm, các dự án dân cư và KĐTM Thủ Thiêm hoàn thành trở thành trung tâm tài chính-thương mại và dịch vụ, thì phía đông thành phố sẽ trở thành nơi có không gian sống và làm việc lí tưởng.

Khu đông và khu nam (tương ứng với quận 2, quận 9, quận 7, Nhà Bè và một phần huyện Bình Chánh) những năm qua luôn nhỉnh hơn các khu vực khác về độ nhộn nhịp trong giao dịch mua bán địa ốc và giá cả. Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - khu đông Sài Gòn đang là “điểm sáng” của thị trường bất động sản thành phố. Giao dịch ở đây nhộn nhịp có thể xuất phát từ mục đích đầu tư, nhưng cũng không ít trường hợp mua để ở vì so sánh với các khu vực khác, quận 2 và quận 9 hiện có hạ tầng khá đồng bộ (Liên tỉnh lộ 25B, đường vành đai phía đông, cầu và hầm Thủ Thiêm, đại lộ Đông - Tây, trong tương lai là tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đi qua và cao tốc Long Thành - Dầu Giây…) nên góp phần kéo dãn dân ra khỏi trung tâm hiện hữu quận 1, quận 3. Bà Đinh Thị Bảo Minh - Phụ trách marketing công ty Quản lí đầu tư BTA - phân tích: Các dự án ở quận 7 và huyện Nhà Bè, Bình Chánh rải đều từ phân khúc thấp đến cao, trong khi các dự án ở quận 2 đa phần từ trung cao cấp trở lên, chính vì thế thành phần cư dân về đây sinh sống cũng thuộc tầng lớp trung lưu trở lên, có ý thức hưởng thụ một môi trường sống chuẩn mực đòi hỏi không gian trong lành gắn với thiên nhiên và đầy đủ các dịch vụ, tiện ích.

Giáo sư Đỗ Thái Đồng trong đề tài Nghiên cứu con người và xã hội đã cho rằng, cùng với 26% dân số từ nông thôn ra đô thị thì cũng có 10% dân số đi theo chiều ngược lại. Trào lưu “di cư ngược” này diễn ra gần đây gắn với những người có thu nhập khá và lớp nhà giàu mới ý thức về giá trị sống và sức khỏe do môi trường sống mang lại. Sự dãn dân từ lớp người này hình thành những khu dân cư trung - cao cấp, có nhận thức cao về bảo vệ môi trường sinh thái và an ninh trật tự./.

Dạ Thảo


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: