Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Quá trình biến đổi hình thái đô thị Khu phố Pháp ở Hà Nội

Quá trình biến đổi hình thái đô thị Khu phố Pháp ở Hà Nội

Viết email In

Khu phố Pháp ở Hà Nội là một di sản đô thị quý giá góp phần tạo nên bản sắc của không gian đô thị Thủ đô, đồng thời cũng là minh chứng quan trọng cho lịch sử phát triển của thành phố. Ngày nay, khu phố Pháp cùng với khu phố cổ đã được thừa nhận là khu vực đô thị lõi lịch sử của Hà Nội mở rộng trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Song trên thực tế, do tác động của thời gian, do sức ép của quá trình đô thị hoá đang diễn ra mạnh mẽ, những đặc trưng hình thái không gian đô thị ở khu vực này đang bị biến dạng. Bên cạnh đó, trong một thời gian khá dài sau khi giải phóng Thủ đô (10/10/1954), chúng ta chưa thực sự ý thức được những giá trị lịch sử, văn hoá của khu phố Pháp nên đã không có một kế hoạch Bảo tồn khu phố Pháp nào được đặt ra.


Hình 1: Đường xá trong khu Nhượng địa

Trong thời gian gần đây, việc bảo tồn những khía cạnh đặc trưng của không gian đô thị ngày càng được quan tâm trên thế giới. Ở nhiều nước, vấn đề bảo tồn đô thị đóng vai trò quan trọng trong công tác quy hoạch. Ở Trung Quốc, bộ luật Bảo tồn quốc gia được ban hành năm 1982, tới năm 1994 đã ban hành Hướng dẫn quốc gia về Khu vực bảo tồn lịch sử - văn hóa. Ở Anh, chính phủ đã tiến hành công nhận các Vùng đặc trưng đô thị, làm nền tảng cho công tác bảo tồn và quy hoạch. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiến hành công nhận các Địa điểm lịch sử làm cơ sở cho các kế hoạch bảo tồn. Điều này cũng được UNESCO khuyến khích thông qua việc công nhận Di sản văn hoá thế giới cho nhiều khu đô thị trên toàn cầu.

Ở Hà Nội, vấn đề bảo tồn và phát triển khu phố Pháp cũng đã được một số tổ chức trong và ngoài nước triển khai nghiên cứu. Tuy nhiên những nghiên cứu này vẫn đang giới hạn trong một số khu vực nhất định nên vẫn mang tính chất cục bộ. Do vậy, một nghiên cứu mang tính tổng thể về vấn đề Bảo tồn và phát triển khu phố Pháp ở Hà Nội, trong đó có vấn đề bảo tồn các đặc trưng hình thái đô thị là hết sức cấp thiết, khi các đặc trưng này là rất đáng chú ý và đang bị mai một rất nhanh do áp lực “hiện đại hoá”, “cao ốc hoá” khu vực này, nơi mỗi m2 diện tích có giá trị cao vào bậc nhất thế giới. Để thấy rõ các đặc trưng hình thái học của một khu phố, một đô thị thì khối kiến thức về quá trình biến đổi lịch sử của chúng là đặc biệt quan trọng vì nó có thể cung cấp tài liệu cho cơ sở lý thuyết của Bảo tồn đô thị.

Quá trình hình thành khu phố Pháp ở Hà Nội

Giai đoạn Tiền thực dân (1873 -1888)

Yếu tố đô thị kiểu Pháp đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội chính là khu Nhượng địa do triều đình nhà Nguyên cắt cho Pháp theo hiệp ước Philastre năm 1874. Trên khu đất hình chữ nhật rộng khoảng 2,5 ha nằm dọc theo bờ sông Hồng, người Pháp đã cho xây dựng toà lãnh sự, nhà ở sỹ quan, trại lính, kho tàng … chủ yếu theo phong cách kiến trúc Tiền thực dân với mặt bằng hình chữ nhật có hành lang rộng bao quanh, mái dốc lợp ngói hoặc tôn, mặt tiền trang trí đơn giản. Tại đây cũng hình thành tuyến phố đầu tiên của Hà Nội (nay là phố Phạm Ngũ Lão), mặc dù là một phố nhỏ nhưng cũng có đầy đủ thành phần của tuyến phố kiểu Pháp với mặt đường trải nhựa, vỉa hè hai bên trồng câu xanh được ngăn cách với các công trình bên trong bởi hàng rào hoa sắt lêt hợp với các trụ và phần dưới xây gạch (Hình 1).


Hình 2: Bản đồ Hà Nội khoảng cuối những năm 1880

Sau khi chiếm thành Hà Nội và biến nơi đây thành khu quân sự, người Pháp tiến hành mở một trục đường nối khu Nhượng địa với khu vực Hoàng Thành cũ qua khu vực Tràng Thi cũng đã bị biến thành doanh trại của binh lính Pháp. Con đường sau này trở thành trục chính chi phối hoạt động xây dựng của người Pháp trong nhiều năm tiếp theo. Mở đầu là việc mở ra tuyến phố Paul Bert (phố Tràng Tiền – Hàng Khay ngày nay ) nằm trên trục đường đó trong những năm 1884 – 1886 với đường phố rộng rãi được trải nhựa, hai bên mặt phố xây dựng các cửa hàng buôn bán và dịch vụ đô thị, mở đầu cho việc hình thành Khu phố Pháp ở Hà Nội.

Các phố vuông góc về hai phía với trục Paul Bert được mở ngay sau đó: Phía đông hồ Hoàn Kiếm là tuyến phố Francis Garmier (phố Đinh Tiên Hoàng) nối với đại lộ Đồng Khánh (phố Hàng Bài), đại lộ Henri Rivière (phố Ngô Quyền), cùng các phố vuông góc với chúng và vườn hoa Paul Bert góp phần tạo dựng khu Trung tâm hành chính đầu tiên của chính quyền thuộc địa ở Hà Nội. Phía tây hồ Hoàn Kiếm là tuyến phố Jules Ferry (phố Lê Thái Tổ) nối với đại lộ Gia Long (phố Bà Triệu), phố Lamblot (phố Nhà Chung) nối với khu vực Nhà thờ Lớn.

Sau đó là sự phát triển các tuyến phố về phía nam hồ Hoàn Kiến gồm 3 đại lộ lớn: Rollandes (Hai Bà Trưng), Carreau (Lý Thường Kiệt) và Gambetta (Trần Hưng Đạo) song song với phố Paul Bert và phố Camp des Lettres (phố Tràng Thi), cùng các phố vuông góc với chúng tạo ra mạng lưới đường phố dạng ô cờ theo kiểu các đô thị ở Pháp thời kỳ bấy giờ (Hình 2 và 3).

Như vậy có thể thấy rằng ngay tới cuối thời kỳ Tiền thực dân, khu phố Pháp ở Hà Nội đã cơ bản hình thành ở khu vực phía đông, phía tây, đặc biệt là phía nam hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên về cơ bản vẫn chỉ là mạng lưới đường phố cùng các cơ sở hạ tầng đi kèm. Các công trình xây dựng vẫn chỉ nằm rải rác trên các ô phố này và cũng chủ yếu là các công trình 1 – 2 tầng theo phong cách kiến trúc Tiền thực dân. Công trình lớn duy nhất mang tính chất điểm nhấn đô thị thời kỳ này chính là Nhà thờ Lớn được hoàn thành năm 1886 theo phong cách tạm gọi là Neogothic trên phố Nhà Chung.


Hình 3: Bản đồ Hà Nội năm 1890

Thời kỳ khai thác thuộc địa Đông Dương lần 1 (1888 – 1920)

Với mục tiêu biến Hà Nội thành thủ đô của Liên bang Đông Dương, trong giai đoạn này người Pháp đẩy mạnh việc mở rộng không gian đô thị Hà Nội với hình thức quy hoạch không gian hoàn toàn theo kiểu Phương Tây.

Sau khi phá bỏ hoàn toàn Thành Hà Nội (1887), khu vực phía trong thành được chia thành hai phần, phần phía Đông dành cho các công trình quân sự, phần phía Tây được kiến tạo để trở thành trung tâm hành chính của thủ đô Đông Dương. Hàng loạt tuyến đường lớn nhỏ được mở trong khu vực Thành nội. Đáng chú ý có đại lộ Puginier (phố Điện Biên Phủ) tạo ra một đường chéo nối tiếp với trục Paul Bert – Camp des Lettres (Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi) tới quảng trường tròn Puginier (quảng trường Ba Đình ngày nay) nơi dự kiến sẽ xây dựng Phủ Toàn quyền Đông Dương (Hình 4), các phố và đại lộ Maréchal Joffre (phố Lý Nam Đế), Porte Sud (Nguyễn Tri Phương), Victor Hugo (phố Hoàng Diệu), Brière de l’Isle (phố Hùng Vương) theo hướng bắc – nam, các phố và đại lộ Félix Faure (phố Trần Phú), Giovanelli (phố Lê Hồng Phong), Général Bichot (từ Cửa Đông tới Nguyễn Tri Phương), République (phố Hoàng Văn Thụ), Carnot (phố Phan Đình Phùng) theo hướng đông – tây. Các ô phố ở đây rộng hơn rất nhiều so với các ô phố đã hình thành trước đó ở khu vực xung quanh và phía nam hồ Hoàn Kiếm, rất thích hợp cho việc xây dựng các công thự lớn. Tuy nhiên số lượng các công trình mới xây dựng ở khu vực này vẫn chưa nhiều, đáng chú ý nhất là Dinh Toàn quyền án ngữ tuyến phố République đồng thời tạo ra điểm mốc giới phía Tây thành phố, sau đó là việc khởi công 2 trường học lớn dành cho con em người Pháp là trường Albert Saraut ở phía bắc và trường Nữ học Pháp ở phía nam khu đất (Hình 5).


Hình 4: Quảng trường Puginier


Hình 5: Quần thể trường Albert Sarraut và Dinh Toàn quyền Đông Dương

Đây cũng là thời kỳ hoàn thiện khu phố Pháp ở khu vực xung quanh và phía nam hồ Hoàn Kiếm, mạng lưới đường phố hình ô cờ được xây dựng hoàn chỉnh từ bờ sông Hồng tới đường Mandarine (phố Lê Duẩn) theo hướng đông – tây và từ phía bắc hồ Hoàn Kiếm tới đại lộ Gambetta (phố Trần Hưng Đạo) theo hướng bắc – nam.

Trên các lô đất ở khu vực này, rất nhiều công trình kiến trúc lớn được xây dựng tạo ra các điểm nhấn đô thị hay ở mức độ cao hơn là mang tính “đánh dấu” ranh giới đô thị. Nhà hát thành phố án ngữ phố Paul Bert ở hướng đông, ga Hàng Cỏ án ngữ đại lộ Gambetta ở hướng tây, bảo tàng sau này mang tên Mauris Long án ngữ phố Richaud (phố Quán Sứ) ở hướng nam mang ý nghĩa như những điểm mốc đánh dấu lãnh thổ đô thị. Nhiều công trình trụ sở các cơ quan công quyền, các công ty lớn cũng được xây dựng như Dinh Thống sứ và Phủ Thống sứ, Toà án, Sở Cảnh sát, Bưu điện, khách sạn Métropole, trụ sở công ty Hoả xa Vân Nam … Các công trình này đều có hình khối đồ sộ, kiến trúc theo phong cách Tân cổ điển, một phong cách đề cao tính biểu tượng của công trình kiến trúc, lại được xây dựng ở những vị trí có khả năng chi phối toàn khu vực như phía trước một quảng trường, một vườn hoa, một giao lộ lớn, nên đã tạo ra những điểm nhấn đô thị một cách rõ rệt.

Ngoài ra còn có rất nhiều biệt thự dành cho người Pháp được xây dựng. Các biệt thự này đều nằm trên các khu rất rộng rãi trồng cây xanh, phần lớn xây dựng theo phong cách Tân cổ điển hoặc Địa phương Pháp. Mặc dù chưa hoàn toàn lấp đầy các lô đất ở khu vực, nhưng những biệt thự ở đây cùng với các công trình kiến trúc công cộng đã tạo ra đặc trưng hình thái đô thị rõ ràng cho khu vực này. 

Như vậy là tới cuối giai đoạn Khai thác thuộc địa lần thứ nhất, khu phố Pháp ở Hà Nội đã được cơ bản hoàn thiện ở khu vực xung quanh và phía Nam hồ Hoàn Kiếm. Khu vực Hoàng thành trước đây chủ yếu mới chỉ hình thành mạng lưới đường xá: Khu phía đông Hoàng thành cũ được dành làm khu vực quân sự nên vẫn tồn tại các công trình từ thời Tiền thực dân, công trình xây mới đáng lưu ý là trụ sở Bộ Tham mưu quân đội Pháp theo phong cách Tân cổ điển. Khu Phía tây hầu như vẫn là các lô đất trống, công trình kiến trúc công cộng duy nhất đã hoàn thành là Dinh Toàn quyền theo phong cách Phục hưng, hai trường học lớn dành cho học sinh người Pháp vẫn đang tronng quá trình xây dựng (Hình 6).


Hình 6: Bản đồ Hà Nội năm 1911

Giai đoạn khai thác thuộc địa Đông Dương lần 2 (1920 – 1945)

Sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, người Pháp chủ trương tăng cường khai thác thuộc địa nhằm mục đích khôi phục và phát triển nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề trong chiến tranh và củng cố địa vị của nước Pháp trên trường quốc tế. Thành phố Hà Nội - thủ đô Đông Dương thuộc Pháp đã trở thành đối tượng quan trọng trong chương trình này. Các hoạt động mạnh mẽ về kinh tế ở đây đã thúc đẩy quá trình đô thị hoá với tốc độ và quy mô lớn hơn nhiều thời kỳ trước đó. Số lượng người Pháp sang Hà Nội mở mang kinh doanh ngày càng nhiều. Kinh tế phát triển cũng tạo ra dòng nhập cư mạnh mẽ. Dân số Hà Nội từ khoaảg 70.000 người vào năm 1918 đã tăng lên tới 130.000 vào năm 1929 và khoảng 300.000 vào năm 1942.

Trong bối cảnh ấy việc mở mang và xây dựng dô thị Hà Nội đặt ra những yêu cầu mới về quản lý và quy hoạch. Do vậy, Sở Kiến trúc và Quy hoạch đô thị trung ương đã được thành lập năm 1921 nhằm thiết lập quy hoạch phát triển cho các đô thị ở Đông Dương, đồng thời giám sát việc thực thi các quy định của bộ luật Cornudet áp dụng trong lĩnh vực quy hoạch ở chính quốc và thuộc địa. Năm 1923, kiến trúc sư – quy hoạch gia Ernest Hébrard được bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan này và việc đầu tiên mà ông tiến hành là thiết lập  bản quy hoạch tổng thể đầu tiên cho Hà Nội được thông qua năm 1924. Ý tưởng cơ bản trong quy hoạch của E.Hébrard là vấn đề phân khu chức năng đô thị theo kiểu Phương Tây nhưng dựa trên cơ sở các đặc điểm lịch sử, văn hoá, khí hậu và môi trường của Hà Nội, trong đó khu vực trung tâm thành phố được chú ý đặc biệt với các giải pháp hợp lý về giao thông, thích ứng về kiến trúc và thẩm mỹ đô thị. Bản quy hoạch này mang nhiều ý nghĩa tiến bộ và có ảnh hưởng quyết định tới sự phát triển khu phố Pháp giai đoạn 1920 – 1945.


Hình 7: Bản đồ Hà Nội năm 1943

Trong giai đoạn này, khu vực phía Tây Hoàng thành cũ được tiếp tục hoàn thiện. Các lô đất lớn được lập đầy bởi các công trình kiến trúc công cộng, như trườn Albert Saraut, trường Nữ học Pháp, đặc biệt là Sở Tài chính Đông Dương do chính E.Hébrard thiết kế theo phong cách kiến trúc Đông Dương. Các lô đất nhỏ hơn được dành xây cất biệt thự dành cho người Pháp, chủ yếu theo phong cách Art Deco và một số theo phong cách Địa phương Pháp. Các quảng trường, vườn hoa cũng được hoàn thiện góp phần tạo ra hình thái đô thị đặc trưng của khu vực này.

Về phía bắc Hoàng thành cũ, một hệ thống các đường phố mới cũng được mở ra từ đại lộ Carnot (phố Phan Đình Phùng) nối với đại lộ Grand Bouddha (phố Quán Thánh) ra tới bờ sông Hồng và bờ hồ Trúc Bạch với những ô phố tương đối nhỏ dành để xây dựng nhà ở cho giới tư sản và tiểu tư sản người Việt.

Một khu phố dành cho người Việt khác cũng được hình thành ở phía nam thành phố trên cơ sở nối dài hai đại lộ Gia Long và Đồng Khánh tạo thành hai phố mới là phố Lê Lợi (phố Bà Triệu) và phố Hué (phố Huế) và cùng các phố vuông góc tạo thành những ô phố hình chữ nhật, bên trong được lấp đầy bởi những ngôi nhà theo kiểu biệt thự - nhà ống rất đặc trưng cho khu vực này.

Như vậy thì về mặt địa giới, khu phố Pháp giai đoạn 1920 – 1945 đã được mở rộng hơn nhưng không nhiều so với giai đoạn trước đó. Nét nổi bật về phát triển hình thái đô thị khu phố Pháp giai đoạn này có thể nhấn mạnh ở hai điểm: Sự hoàn thiện khu vực đô thị dành cho người Pháp với hệ thống đường xá, quảng trường, cônng viên cây xanh rộng rãi, những công trình kiến trúc công cộng đồ sộ kết hợp với các biệt thự lớn và đa dạng về chủng loại; bên cạnh đó là sự hình thành hai khu vực đô thị dành cho người Việt với các đường phố và lô đất xây dựng nhỏ hẹp, vắng bóng quảng trường, công viên và các công trình kiến trúc công cộng, nhà ở phần lớn là ở dạng biệt thự - nhà ống cùng một số biệt thự nhỏ (Hình 7, 8 và 9).


Hình 8: Phố Francis Garnier và các công trình công cộng phong cách Art Deco xây dựng những năm 1930


Hình 9: Một góc khu phố dành cho ng­ười Việt

Kết luận

- Khu phố do người Pháp xây dựng ở Hà Nội trước năm 1945 có thể được coi là một tổng thể quy hoạch - kiến trúc kiểu Pháp thời thuộc địa tương đối hoàn chỉnh duy nhất ở Châu Á, một di sản đô thị và kiến trúc quan trọng của Thủ đô.

- Lịch sử hình thành, phát triển khu phố Pháp ở Hà Nội chỉ diễn ra trong khoảng 70 năm nhưng có thể được chia thành ba giai đoạn: 1873 – 1888, 1888 – 1920, 1920 – 1945. Mỗi giai đoạn có mục tiêu cụ thể riêng do người Pháp đặt ra, do vậy mỗi khu đô thị hình thành trong từng giai đoạn cũng có nét khác biệt tạo ra sự phong phú về mặt hình thái đô thị cho khu phố Pháp ở Hà Nội.

- Để có được sự nhận diện chính xác và phương cách ứng xử phù hợp trong quá trình hoạch định các chính sách về bảo tồn và phát triển khu phố Pháp ở Hà Nội, cần tiến hành một nghiên cứu tổng thể về khu phố này, trong đó có nghiên cứu về quá trình biến đổi lịch sử về mặt hình thái đô thị của khu phố mà bài báo này mới đề cập tới ở dạng khái quát.

ThS.KTS Trần Quốc Bảo - Giảng viên chính Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng / Nhóm nghiên cứu Kiến trúc Hà Nội (GRAH)

Tài liệu tham khảo:
- Đào Ngọc Nghiêm: Bảo tồn – phát huy giá trị về quy hoạch – kiến trúc khu phố Pháp của Hà Nội. Hà Nội, 2010.
- Đặng Thái Hoàng: Kiến trúc Hà Nội thế kỷ XIX – XX. NXB Hà Nội, 1995
- F.Teronobu, Phạm Đình Việt và cộng sự: Bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội. NXB Xây dựng, 1997
- Trần Hùng, Nguyễn Quốc Thông: Thăng Long – Hà Nội, mười thế kỷ đô thị hoá. NXB Xây dựng, 2004
- Trần Huy Liệu: Lịch sử thủ đô Hà Nội. NXB Hà Nội, 2000.
- Trần Quốc Bảo, Nguyễn Văn Đỉnh: Kiến trúc và quy hoạch Hà Nội thời Pháp thuộc. NXB Xây dựng, 2011.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo