Quy hoạch đô thị ngầm

Thứ hai, 11 Tháng 6 2012 08:00 TCKT
In

Trong xu thế phát triển đô thị hiện đại nhanh chóng để tiết kiệm đất đai xây dựng tránh ách tắc giao thông, bảo vệ môi trường v.v.. nên đô thị cần phát triển hướng về phía dưới mặt đất xây dựng các công trình ngầm đô thị tạo nên một không gian đô thị ngầm.


Quy hoạch "Thành phố mê cung" Amsterdam

Công trình ngầm đô thị chủ yếu gồm:

- Các công trình ngầm giao thông-vận tải: hệ thống tàu điện ngầm, đường hầm đường sắt, đường hầm ô tô, đường hầm giành cho người đi bộ, nhà ga đường sắt ngầm, gara ô tô ngầm, đường hầm cho xe điện cao tốc…

- Các công trình ngầm dân dụng: nhà tắm công cộng ngầm, nhà vệ sinh công cộng ngầm, trạm bưu điện ngầm, rạp chiếu bóng ngầm, nhà hát ngầm, nhà triển lãm ngầm, các công trình thể thao bể bơi ngầm, viện bảo tàng ngầm, bể bơi ngầm, thư viện ngầm, nhà hàng ăn ngầm, các trung tâm buôn bán nhỏ ngầm, chợ ngầm…

- Các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm: hệ thống các loại đường ống ngầm, hệ thống các loại đường cáp ngầm, hệ thồng đường hầm/hào kỹ thuật đô thị…

- Các công trình ngầm công nghiệp: các nhà máy xí nghiệp ngầm, xưởng sửa chữa ngầm, kho lưu trữ ngầm, trạm biến thế ngầm, bể chứa tạm bơm ngầm…

- Phần ngầm của các công trình xây dựng-kiến trúc lộ thiên: các tầng ngầm của các nhà cao tầng, phần ngầm của các công trình xây dựng kiến trúc bề mặt thành phố…

Trong quá trình quy hoạch cũng như lập dự án đầu tư cũng cần tính đến việc tạo ra tính đa năng trong các dự án các công trình ngầm nhằm nâng cao tính hiệu quả và giá trị công trình cũng như hiệu quả sử dụng. Chẳng hạn, tại các dự án xây dựng các nhà ga Metro, nên đặt nó trong trong mối liên quan chung như những công trình khác đưới mặt đất. Các nhà ga của Metro trong tương lai nên là công trình đa năng kết hợp với trung tâm thương mại, nhà hàng các công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí… Khi đó, nhà ga chính là một tổ hợp các công trình văn hóa công cộng. Hoặc như các công trình ngầm đường bộ tại các nút giao thông hiện nay, nên đặt nó kết hợp với không gian trưng bày, văn hóa hay các siêu thị bán lẻ nhỏ dưới lòng đất.

Cần có sự kết hợp chặt chẽ và hữu cơ giữa các công trình trên mặt đất và dưới mặt đất tạo nên một hệ thống không gian đồng nhất.

Quy hoạch đô thị ngầm

Cần khẳng định quy hoach đô thị ngầm là một nội dung của quy hoạch đô thị. Khi lập quy hoạch xây dựng đô thị phải căn cứ vào nhu cầu phát triển của thành phố  để quy hoạch xây dựng đô thị ngầm. Xây dựng quy hoạch đô thị ngầm cần phải tiến hành quy hoạch đồng bộ với quy hoạch xây dựng đô thị để đảm bảo sự khớp nối giữa các công trình trên mặt đất thành một thể thống nhất. Trong quy hoạch xây dựng đô thị các phương án về cơ cấu đô thị, tổ chức phân khu chức năng cần xác định các khu vực dự kiến bố trí công trình ngầm, vùng chức năng không gian ngầm và sử dụng không gian ngầm theo các nguyên tắc ưu tiên tại khu trung tâm chính, các trung tâm khu vực các vùng dân cư tập trung và dọc theo các đường phố chính của thành phố. Quy hoạch đô thị ngầm phải chú ý tới bảo vệ và cải thiện môi trường đô thị, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất xây dựng, phải căn cứ vào đặc điểm của địa hình địa mạo, điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn, địa thế và giá trị của các công trình kiến trúc hiện hữu bên trên cũng như mạng lưới các công trình kỹ thuật hạ tầng ngầm sẵn có ở dưới đất để đảm bảo an toàn và thuận lợi cho mọi điều kiện sinh hoạt của người dân.


Ga xe điện ngầm Moscow ở Nga 

Về phương pháp quy hoạch đô thị ngầm cần theo cách hợp nhất (integral manner) các công trình ngầm đô thị như: giao thông vận tải, dân dụng, hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp và phần ngầm của các công trình xây dựng-kiến trúc lộ thiên sẽ tạo nên bức tranh toàn cảnh, hợp lý, đồng bộ trong không gian đô thị ngầm.

Công tác thiết kế quy hoạch đô thị ngầm phải đảm bảo một số yêu cầu cơ bản:

- Đảm bảo sử dụng không gian ngầm hợp lý hiệu quả;

- Phải phù hợp với quy hoạch tổ chức không gian và hệ thống dịch vụ công cộng của từng loại đô thị và xu hướng phát triển lâu dài của đô thị;

- Đảm bảo sự kết nối liên hoàn, tương thích thuận tiện, đồng bộ và an toàn giữa các công trình ngầm với nhau, giữa các công trình ngầm với công trình trên mặt đất;

- Đảm bảo bố trí công  trình ngầm theo độ sâu và cách nhau một khoảng cách an toàn, phù hợp để quản lý, khai thác và sử dụng các công trình ngầm và các công trình trên mặt đất có liên quan;

- Việc đấu nối các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm với nhau với các công trình ngầm khác trong đô thị phải đảm bảo an toàn và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật;

- Đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường và an ninh và quốc phòng…

Trong các dự án sử dụng không gian ngầm đô thị cần phải xem xét các yêu cầu về: khả năng phá hoại một cách ít nhất dòng chuyển động và vận tải thành phố, khối lượng nhỏ nhất để chuyển đổi mạng lưới kỹ thuật thành phố, chi phí và khối lượng nhỏ nhất để chuyển dịch, sơ tán các công trình kiến trúc- xây dựng đô thị.

Những bài toán quy hoạch chủ yếu cho công trình ngầm và hệ thống công trình ngầm:

- Quy hoạch tổng thể vị trí công trình ngầm và hệ thống công trình ngầm trong không gian ngầm đô thị;
- Quy hoạch công trình ngầm và toàn bộ hệ thống công trình ngầm theo độ sâu tính từ mặt đất;
- Quy hoạch tổng thể các công trình ngầm và hệ thống công trình ngầm theo mặt bằng từng độ sâu nhất định;
- Quy hoạch công trình ngầm và hệ thống công trình ngầm theo mặt cắt dọc của tuyến cấu tạo…

Một trong các vấn đề cơ bản của bài toán quy hoạch không gian ngầm đô thị là bài toán quy hoạch công trình ngầm theo độ sâu.

Theo kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả trên thế giới, các công trình ngầm trong khoảng không ngầm của đô thị theo độ sâu tính từ mặt đất (mặt thoáng) nên tiến hành theo quy trình 3 tầng như sau:

- Tầng thứ nhất tính từ độ sâu 4-5m. Tại đây, nên bố trí đường hầm dành cho người đi bộ với các công trình ngầm phục vụ: gara ô tô, các bãi đổ xe ngầm, các gian hầm ngầm phục vụ để cung cấp cho các trung tâm buôn bán, các kho chứa ngầm phụ vụ thường xuyên, mạng lưới kỹ thuật ngầm, các đường hầm ngầm kỹ thuật.

- Tầng thứ hai từ độ sâu 4-5m xuống đến độ sâu 20m. Tại đây, bố trí các công trình ngầm trong hệ thống tàu điện ngầm tại độ sâu nhỏ, các đường hầm ô tô tại độ sâu nhỏ, một số gara ngầm, bể chức ngầm dung tích lớn với chức năng sử dụng không thường xuyên.

- Tầng thứ ba có độ sâu lớn hơn 20m. Tại đây, nên bố trí các công trình ngầm trong hệ thống tàu điện ngầm tại độ sâu lớn, các đường ngầm giao thông đa công dụng, các đường ngầm kỹ thuật chủ yếu nên xây dựng tại độ sâu lớn hơn.

Sản phẩm đầu ra của quy hoạch không gian ngầm đô thị được thể hiện bằng các loại bản đồ sau đây:

- Bản đồ quy hoạch giao thông ngầm đô thị, trong đó thể hiện rõ mạng lưới mạng lưới quy hoạch nhà ga tàu điện ngầm, quy hoạch hầm đường bộ, quy hoạch các gara ô tô và bãi đỗ xe ngầm. Ở nhiều nước có khi ga tàu điện ngầm lại đồng thời là tầng hầm nhà cao tầng của siêu thị, của trung tâm thương mại hay cao ốc văn phòng lớn. Đường lên xuống, ra vào của các công trình ngầm phải phù hợp với quy hoạch giao thông trên  mặt đất, đảm bảo thuận tiện và an toàn cho người sử dụng.

- Bản đồ quy hoạch hệ thống hầm/hào kỹ thuật đa năng. Trong hầm/hào kỹ thuật đa năng người ta đặt cáp thông tin, cáp điện lực, ống dẫn nước cấp, ống dẫn nhiệt, đôi khi có cả ống thoát nước. Cứ 500m lại có cửa lên xuống và có  hành lang trong hào để người có thể đi vào kiểm tra sửa chữa, bảo dưỡng công trình lúc đó phải có đèn chiếu sáng và quạt thông gió, phòng chống cháy nổ. Ngoài ra còn có rãnh thu nước và hố tụ nước, để khi cần có thể bơm hút nước khô đi.

- Bản đồ quy hoạch cấp, thoát nước.

- Bản đồ quy hoạch các công trình công cộng ngầm đô thị v.v...

Đi đôi với các loại bản đồ nêu trên còn có Bản thuyết minh tổng hợp Quy hoạch ngầm đô thị.


Thành phố ngầm Montreal ở Canada

Quy hoạch  đô thị ngầm tại Việt Nam

Chúng ta đều biết, quá trình xây dựng và phát triển đô thị lớn trên thế giới đều phải phát triển đô thị ngầm. Trường hợp các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh v.v.. cũng không phải là ngoại lệ vì Hà Nội đã bắt đầu thí điểm tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội (kế hoạch là 7 tuyến) và TP. Hồ Chí Minh là tuyến Bến Thành - Suối Tiên (kế hoạch là 6 tuyến) và hầm ngầm đi bộ Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn.

Khó khăn đầu tiên là chúng ta mới chỉ có quy hoạch không gian đô thị trên mặt đất, chưa có quy hoạch về các công trình ngầm. Luật quy hoạch đô thị rất cần bổ sung một chương về Quy hoạch đô thị ngầm.

Bên cạnh vấn đề thiếu một quy hoạch chính thức về đô thị ngầm, thì việc thiếu một hành lang pháp lý với những quy định quy chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn cơ bản về công tác đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị cũng khiến các cơ quan quản lý và nhà đầu tư lúng túng.

Quy chuẩn công trình ngầm đô thị được Bộ Xây dựng giao cho Viện Khoa học Công nghệ xây dựng từ năm 2007 và bản dự thảo quy chuẩn đã hoàn thành trên cơ sở tham khảo tất cả các tài liệu quy chuẩn hiện có ở nước ta và nước ngoài trong lĩnh vực xây dựng nói chung và xây dựng công trình ngầm nói riêng cũng như sự trợ giúp của các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn từ Anh, Úc, Trung Quốc liên quan đến xây dựng ngầm. Chính phủ đã ban hành Nghị định về xây dựng ngầm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hành lang pháp lý còn rất nhiều công việc phải làm.

Hiện nay, cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều chưa có “Bản đồ hiện trạng công trình ngầm”. Các công trình ngầm ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bao gồm: cấp nước, thoát nước, cung cấp điện, chiếu sáng thông tin liên lạc v.v… Tuy nhiên, các công trình ngầm nêu trên đều có quy mô nhỏ, không có sự phối hợp nên dẫn đến nhiều hậu quả không tốt.  Do vậy, cần phải làm ngay Bản đồ hiện trạng công trình ngầm để phục vụ cho công tác bảo trì sửa chữa và quy hoạch đô thị ngầm. Trước đây, đã có dự án “Nâng cao năng lực xây dựng bản đồ công trình ngầm” ở TP. Hồ Chí Minh (VIE/93/014) do UNDP tài trợ, song khi kết thúc dự án lại không nhân rộng ra!

Nguyễn Đăng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng

Tài liệu tham khảo:

  1. Cities and Urban Transport in Japan_City Bureau and Building Research Institute (MOC) and Japan Transport Planning Association, 1990
  2. Integrating of public transport and City: Hong Kong’ Experience _ Jack C. K. So, 1999
  3. Mass Rapid Transit and Road Pricing Mechanism Singapore Experience_Hang ENG Juan, 1999
  4. Phương pháp tiếp cận mới về quy hoạch và quản lý đô thị _ Nguyễn Đăng Sơn, NXB Xây Dựng (2005) và Tập 2 ( 2006)
  5. Nghiên cứu xác định quy mô và giải pháp chính hào kỹ thuật đô thị_Hoàng Hữu Thân, 2007
  6. Giải pháp phát triển quỹ đất cho hệ thống giao thông công cộng đô thị TP. HCM dành cho các tuyến vận chuyển khối lượng lớn trong đô thị_ Lương thị Hồng Nga, 2008
  7. Bản đồ công trình ngầm: Phải mạnh dạn đưa ra những quy định tạm thời_ Lương Ngọc Dư, 2008
  8. Quy định áp dụng giải pháp hào/hầm kỹ thuật (Dự thảo) _Trung tâm tư vấn và phát triển điện & Sở KHCN TP. HCM, 2008
  9. Sự cấp thiết của việc xác lập lộ trình phát triển công trình ngầm đô thị ở VN_ Phạm sỹ Liêm, 2008
  10. Không gian ngầm đô thị, góc nhìn từ hoạt động đầu tư bất động sản_Lê Khắc Hiệp, 2008
  11. Một số ý kiến về xây dựng công trình ngầm đô thị ở Việt Nam_Nguyễn Văn Quảng, 2008
  12. Về quy chuẩn công trình ngầm đô thị ở Việt Nam_Đoàn Thế Tường, 2008
  13. Một số vấn đề về thiết kế quy hoạch và cấu tạo công trình ngầm đô thị_Vũ Trọng Hùng, 2008
  14. Quy hoạch đô thị TP. HCM cần sớm tổ chức không gian các công trình ngầm_Nguyễn Đăng Sơn, 2008
  15. Kỷ yếu Hội thảo “Những bài học kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam về công trình ngầm đô thị”_ Tổng Hội  Xây dựng VN, Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ tầng, Sở Xây dựng TP.HCM, Tạp chí Người Đô thị, Công ty Apave VN & Đông Nam Á, Công ty CP Vicom, 22/10/2008. 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: