Năm 2020: TP.HCM sẽ là “thành phố mở”

Thứ hai, 21 Tháng 1 2013 17:10 SGTT
In

Ông Bùi Xuân Cường, phó giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa cho biết, hiện bản Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 tầm nhìn sau năm 2020 đã được thành phố trình bộ Giao thông vận tải thẩm định và dự kiến chậm nhất là đến khoảng tháng 2 này sẽ trình Chính phủ thông qua. 

Theo ông Cường, như quy hoạch phát triển giao thông nêu trên cùng với tiến độ thực hiện các công trình dự án giao thông như hiện nay, thì đến năm 2020 TP.HCM sẽ trở thành “thành phố mở”, nối liền các khu đô thị mới, các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp, các công trình đầu mối giao thông liên vùng, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.  

Theo đó, ngoài hai tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài, vành đai 2, rồi các dự án mở rộng đường khu vực trung tâm, cửa ngõ sẽ hoàn thành trước năm 2020, thì nhân tố mang tính quyết định để TP.HCM trở thành “thành phố mở” chính là những tuyến cao tốc, một số đường vành đai mang tính đối ngoại được đưa vào sử dụng. 


Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 với mục tiêu TP.HCM sẽ trở thành “thành phố mở” nối kết các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
(Ảnh: Thanh Hảo) 

Nối Đông Tây bằng cao tốc và đại lộ 

Sau không ít những vướng mắc như phải đổi nhà thầu thi công, dời thời gian dự kiến hoàn thành, cuối cùng tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây trị giá 20.400 tỉ đồng cũng được các đơn vị liên quan cam kết hoàn thành vào năm 2014. 

Cách đây không lâu, trước lễ công bố hoàn thành gói thầu số 1A (xây dựng 3,5km cầu cạn quy mô sáu làn xe (Km 4 – Km 7+500), đoạn đi qua địa phận quận 9, TP.HCM, thuộc dự án cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây), tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã làm lễ động thổ đồng loạt ba gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần 1, nối đường cao tốc với đại lộ Đông Tây. Đây là đoạn đường có vai trò quan trọng, góp phần “đóng mạch” tuyến giao thông quan trọng là đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. 

Dù được khởi công sau các gói thầu khác ba năm, nhưng theo VEC, từ đây đến cuối năm 2014 tất cả các gói thầu thi công tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây sẽ đồng loạt hoàn thành và đưa vào sử dụng. Khi hoàn thành tuyến cao tốc này sẽ cho xe lưu thông với tốc độ lên đến 120 km/h với sáu làn xe được chia làm hai đoạn. Đầu tiên từ nút giao An Phú đến Long Thành (Đồng Nai) dài 23,9km đi qua quận 2, 9 (TP.HCM), huyện Nhơn Trạch và Long Thành. Đoạn còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây dài hơn 30km đi qua huyện Long Thành, Cẩm Mỹ và Thống Nhất (Đồng Nai). 

Theo ông Mai Tuấn Anh, tổng giám đốc VEC, khi đưa vào sử dụng tuyến đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thì một dải từ đông sang tây sẽ được nối bằng đường cao tốc và đại lộ. Theo đó, muốn đi từ đông sang tây chỉ cần theo đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây – đại lộ Đông Tây – đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương – tuyến giao thông hiện đại nối Đồng Nai, TP.HCM với Long An dài tròn 100km. 

Đi trên tuyến đường này sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đi Vũng Tàu khoảng 20km, rút ngắn hành trình từ TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu đi ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại so với việc đi theo các tuyến đường hiện hữu, với ưu thế về tiêu chuẩn kỹ thuật, tốc độ và điều kiện an toàn giao thông. Bên cạnh đó, tuyến cao tốc khi hoàn thành sẽ đẩy nhanh sự ra đời của cảng Hàng không quốc tế Long Thành – sân bay được thiết kế có quy mô lớn vào bậc nhất nhì Đông Nam Á. 

Hai tuyến đường sắt nối TP.HCM với Mỹ Tho và Cần Thơ 

Ngoài các tuyến đường vành đai, đường cao tốc, trong tương lai TP.HCM còn tiến về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bằng hai tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho và đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ. Trong đó, tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM – Cần Thơ, dự kiến chỉ mất một giờ là sẽ vận chuyển hành khách và hàng hoá từ đầu tuyến đến cuối tuyến. 

Vành đai 3 sẽ về đích trước năm 2020 

Trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 thì các tuyến đường vành đai đóng vai trò cực kỳ quan trọng, giúp mở bung cánh cửa của TP.HCM đi ra các tỉnh, trong đó đặc biệt là các tuyến đường vành đai 3 và vành đai 4. Theo đó, mới đây tại buổi lễ tổng kết hoạt động của ngành giao thông vận tải TP.HCM, đơn vị này đã kiến nghị với bộ trưởng bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành Trung ương liên quan, sớm triển khai lập và phê duyệt các dự án thành phần, bàn giao ranh mốc đền bù. 

Theo như quy hoạch chi tiết, tuyến đường vành đai 3 sẽ đi qua địa giới hành chính của tám quận/huyện thuộc bốn tỉnh/thành phố là: TP.HCM (quận 9, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh); tỉnh Đồng Nai (huyện Nhơn Trạch); tỉnh Bình Dương (huyện Dĩ An, huyện Thuận An); tỉnh Long An (huyện Bến Lức); với tổng chiều dài khoảng 89,3km, trong đó làm mới khoảng 73km; đoạn Mỹ Phước – Tân Vạn dài 16,3km hiện đang được tỉnh Bình Dương đầu tư. 

Đường Vành đai 4 đi qua địa giới hành chính của 12 huyện thuộc năm tỉnh/thành phố: tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (huyện Tân Thành); tỉnh Đồng Nai (ba huyện: Long Thành, Trảng Bom, Vĩnh Cửu); tỉnh Bình Dương (hai huyện: Tân Uyên, Bến Cát); TP.HCM (huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè); tỉnh Long An (huyện Đức Hoà, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc); tổng chiều dài tuyến đường vành đai 4 khoảng 197,6km. Đường vành đai 3 và vành đai 4 có quy mô là đường cao tốc với mặt cắt ngang 6 – 8 làn xe, cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng. Tổng chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất khoảng 121,5m. 

Chưa tìm ra vốn để đầu tư các tuyến đường trên cao 

Dù được kêu gọi đầu tư từ rất lâu, rồi được kỳ vọng rất nhiều, nhưng theo ông Bùi Xuân Cường, phó giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM, tới thời điểm hiện tại, việc triển khai thực hiện các tuyến đường trên cao của TP.HCM vẫn chưa có lối ra mà nguyên nhân không đâu khác là vốn. 

Liên quan đến tiến độ thực tế của hai tuyến đường vành đai này, theo ông Bùi Xuân Cường, hiện tại cả hai dự án đã được duyệt quy hoạch chi tiết và đang kêu gọi vốn nhà tài trợ. “Thực tế kêu gọi vốn tài trợ thì tuyến đường vành đai 3 khả quan hơn”, ông Cường cho hay. Và cũng theo ông Cường thì trước năm 2020 tuyến đường vành đai 3 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. 

Cụ thể, theo kế hoạch, trước năm 2017 sẽ hoàn thành đoạn cao tốc Bến Lức – Long Thành (Nhơn Trạch) – quốc lộ 1A (Tân Vạn); trước năm 2019 hoàn thành đoạn quốc lộ 22 – cao tốc TP.HCM – Trung Lương; và trước năm 2020 hoàn thành đoạn Bình Chuẩn – quốc lộ 22.

Khi tuyến đường vành đai 3 hoàn thành sẽ nối vào đường cao tốc liên vùng phía Nam tại khu vực huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai – khu vực ngã ba đường Tân Vạn – đường vành đai thành phố Biên Hoà (theo quy hoạch chung thành phố Biên Hoà) – thị trấn Búng, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương – phía bắc thị trấn Hóc Môn – đường Thanh Niên (dọc kênh An Hạ, gần nông trường Nhị Xuân, nông trường Lê Minh Xuân, TP.HCM) – đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, nối vào điểm đầu đường cao tốc liên vùng phía Nam tại khu vực huyện Bình Chánh… sẽ góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, tạo điều kiện phát triển dịch vụ vận tải liên vùng mà trong đó hạt nhân là TP.HCM.

Đào Lê 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: