Cổng làng đóng mở ký ức

Thứ hai, 30 Tháng 1 2012 08:59 DNSG Thiết kế / Sáng tạo
In

Quách Đông Phương là người nghệ sĩ của những cổng làng, những hương xưa không thể để nhạt phai trong lòng người yêu văn hóa Việt.

Dấu xưa nét quý còn đâu?

Bắt đầu từ cảm hứng “Trọng quá khứ thì tương lai mới tốt đẹp được” từ câu nói của anh, tôi hỏi về những chiếc cổng làng đã đi vào khoảng 700 bức ảnh được chọn lựa từ hàng ngàn bức của Quách Đông Phương, anh nói: “Tôi dừng chụp rồi, còn cổng đâu mà chụp nữa. Họ phá bỏ hoặc xây mới hết rồi”.



Không chờ đợi như thế để những tấm ảnh đã chụp trong quá khứ trở nên quý hơn. Hoàn toàn không. Dường như người nghệ sĩ Hà Nội này không cần cái sự hiếm rất buồn ấy.

Câu chuyện của anh trong thái độ rất khách quan, không quá trầm bổng, hào hứng, ít bình luận thêm nhưng khiến người nghe cười buồn, rồi cay mắt.

Anh kể, có lần tìm được một cổng xưa chuẩn bị chụp thì người dân ở đó ra nói: “Cổng này cũ, bác chụp làm gì? Ít ngày nữa làng tôi phá đi xây cổng mới. Tiền tỷ đấy, to đẹp lắm. Khi ấy tha hồ mà chụp. Thế mới xứng!”.

Anh lắc đầu: “Nghĩ đến những cái cổng bê nguyên cả bộ tượng Tam Đa gắn lên, lại có cổng gắn đắp cả hoa hồng tóe tòa loe...”

Theo Quách Đông Phương, thực tế ở nhiều làng, có con cháu thành đạt trở về đập cổng làng cũ đi xây lại. Trên cổng còn gắn những bia, bảng công đức để tên những người góp tiền xây.

Thực ra, thẩm mỹ của nhiều người ngày nay không bằng các cụ ta ngày trước. Đúng hơn, có những người có tiền nhưng thẩm mỹ kém, thành ra không biết quý cái đẹp từ trong quá khứ.

Cũng có khi là vì cổng xưa nhỏ, giờ trong làng có những người có ô tô, muốn đưa ô tô vào làng nên phá cổng nhỏ. Ngày xưa, ở cổng làng cổ còn có biển nhắc “hạ mã.” Quan đến cũng phải xuống ngựa. Đó là luật của làng.

Quách Đông Phương tâm sự: “Hãy nhớ rằng bên trong mỗi cỗng làng là xã hội Việt với nhiều mối quan hệ thể hiện văn hóa. Ngày xưa, người ta sống rất sợ “tiếng làng”.

Chính vì tránh sợ điều tiếng như thế mà ai cũng tránh làm điều xấu, điều dị biệt. Sau chiếc cổng, làng trên xóm dưới tình nghĩa, quy củ. Nay sự đối xử của người xưa sau mỗi cổng làng đã bị “hiện đại hóa”, có nhiều điều quý đang mai một.

Cung cách sống “kính trên nhường dưới”, gìn giữ gia phong là ứng xử của mỗi người dân vì muốn được làng khen, làng trọng. Nếu bị làng chê cười thì lấy làm xấu hổ.

Bây giờ cổng làng mất đi e rằng câu chuyện mất tâm đức của ông cha đã và đang xảy ra. Nhìn một số làng nghề ngày nay thiên theo lợi nhuận mất cả tâm mà thấy đáng tiếc, đáng buồn.



Không yêu ngơ ngác tìm cổng xưa làm gì?

Quách Đông Phương cho biết: “Tôi là họa sĩ, chụp cổng làng ban đầu với mục đích ghi chép, lưu mẫu. Thực ra, với tôi, cổng làng đã nói lên tất cả. Nhất là nói về những người đã từng gắn bó với nó. Tôi không chờ đợi, dàn cảnh người bên cổng cũng vì vậy".

Giải thích về việc tại sao không làm cuốn sách ảnh nhân 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, họa sĩ cho biết: “Tôi thấy có sự không rõ ràng khi họ có thể đặt ra một cái giá rất cao, tạo thành một công cuộc kiếm tiền từ đó. Tôi không làm. Họ nói tôi không yêu Hà Nội. Nhưng nếu không yêu thì bao năm tôi tìm kiếm chụp cổng xưa làm gì vậy?”.

Anh Quách Đông Phương còn cho biết: “Ngày ấy người nhiếp ảnh không nhàn như bây giờ. Làm gì có máy số. Từ năm 1992, tôi đã chụp ảnh và luôn nợ tiền phim ảnh thanh toán tới 600-700 USD/ tháng. Khi ấy tỷ giá khoảng 11 tức là 7,8 triệu tiền Việt Nam. Số tiền này ngày đó rất lớn.

Mê ảnh gần hàng chục năm trước rất tốn kém mà cũng công phu lắm. Mỗi khi nâng máy ảnh lên là phải cân nhắc kỹ, phim đâu mà bấm tứ tung như bây giờ. Bạn tôi, một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng mà có lần gặp tai nạn lắp trượt đầu phim, chụp mãi về mới biết không được cái nào, mặt tái mét. Khổ lắm!”

Quách Đông Phương bảo: “Chúng tôi từng đùa: nước mình đi đâu bây giờ cũng gặp nhà thơ, găp nhiếp ảnh gia... Ai lại lên chợ tình Khâu Vai mà máy ảnh cứ chụp loang loáng, lia lịa. Đâu còn ý nghĩa và văn hóa trong chợ tình Khâu Vai ấy nữa.

Người đi chợ tình thực sự sẽ không đến đó. Chỉ có chợ tình dựng lên, tổ chức cho khách du lịch, cho “nhà nhiếp ảnh và nhà thơ” hàng loạt thao tác, họ còn chụp luôn ảnh bằng máy điện thoại. Có tiện thật đấy nhưng...”

Sống bằng bán tranh vẽ, việc chụp cổng làng như một đam mê hàng chục năm trước, vậy đam mê hiện này của “cái thành giữ chất Đông Phương” (anh đã chia sẻ cách hiểu về tên mình) là gì?

Anh trả lời đó là đến với văn hóa các dân tộc vùng cao. Với người miền núi, văn hóa dân tộc chưa bị mai một nhiều. Họ nghèo nhưng không thấy khổ. Như người Mông rất chí khí, người Hà Nhì rất khéo nấu ăn.

Gặng hỏi, tôi được biết trong tương lai gần, Quách Đông Phương sẽ tiếp tục mở triển lãm với cả ngàn bức ảnh về đồng bào Mông và cũng trưng bày kiểu sắp đặt giống triển lãm sắp đặt cổng làng ở phố Hàng Buồm vừa qua, chứ không theo cách lồng khung kính treo quanh tường.

Chia tay anh trước một mùa Xuân mới trước thềm, tôi bỗng thấy rõ Xuân là bạn cũ, sau một năm ấm áp, rực rỡ quay về. Vì dường như quan niệm mọi thứ xung quanh cần có quá khứ của họa sĩ Quách Đông Phương đã tác động đến tôi. Một quá khứ mang bề dày văn hóa, hỏi làm sao không quý trọng, hỏi sao không tiếc nhớ trước mỗi nhạt phai...
 
Nguyễn Kim Anh


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: