Kiến trúc Việt vươn ra thế giới

Thứ năm, 26 Tháng 2 2015 00:51 Thanh Niên
In

Mấy năm gần đây, nhất là năm 2014 vừa qua, không ít công trình của các kiến trúc sư trẻ Việt Nam đã xuất hiện tại các trang báo chuyên ngành quốc tế, đoạt các giải thưởng danh giá ở các cuộc gặp gỡ, triển lãm kiến trúc khu vực và thế giới. Các tên tuổi nổi bật như Võ Trọng Nghĩa, Nguyễn Hòa Hiệp, Hoàng Thúc Hào... cùng các nhóm sinh viên kiến trúc dự tranh giải quốc tế đã có mặt tại các nơi đó.


Công trình The Chapel xuất sắc giành giải "Công trình của năm" trong Festival Kiến trúc thế giới 2014

Đầu tháng 10/2014 đã diễn ra Festival Kiến trúc thế giới - WAF Singapore. Đến với buổi lễ công bố các giải thưởng trong Festival Kiến trúc lần này, có tới 2.000 kiến trúc sư, nhà thiết kế, khách hàng và các nhà báo tới tham gia, đưa tin bài. Nhận giải là các công trình Quán cà phê Đại Lải, Nhà hàng Sơn La trong hạng mục Khách sạn - nghỉ dưỡng, "House for trees" tại hạng mục Nhà ở, Khu đại học FPT ở Hòa Lạc trong hạng mục Giáo dục tương lai do kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa thiết kế. Một gương mặt mới nổi là kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp (a21 studio) đã giành luôn 2 giải: The Chapel và The Nest. Sau 3 ngày tranh tài với hàng trăm công ty kiến trúc danh tiếng đến từ hơn 50 nước trên thế giới, công trình “The Chapel” (Nhà nguyện) của Việt Nam đã xuất sắc vượt qua các đối thủ nặng ký để giành giải "Công trình của năm".


Võ Trọng Nghĩa đã giành giải thưởng với công trình "House for trees" cho hạng mục Nhà ở (House)


Ngôi nhà “Tổ chim” ở Thuận An, Bình Dương được cấu trúc thành hai phần theo chiều dọc, phòng khách và nhà bếp nằm ở tầng 1, hai phòng ngủ riêng trên tầng 2. Phòng khách tiếp xúc tối đa với thiên nhiên vì không cần cửa hoặc cửa sổ, sự ngăn cách giữa trong nhà và bên ngoài trở nên mờ đi
.

Trước đó, tạp chí Archdaily (Mỹ) đã rất ấn tượng khi đăng tải những hình ảnh sinh động về ngôi nhà “Tổ chim” (The Nest) có phong cách kiến trúc riêng biệt ở Thuận An (Bình Dương). Công trình này cũng có giải ở Festival Kiến trúc thế giới - Singapore vừa qua.

Một xu hướng kiến trúc mà trong nghề kiến trúc, chúng tôi gọi là “hiện đại bản địa”. Nó được khởi đầu ở nước ta từ những năm 1960 và ở miền Nam trước 1975 có tên gọi là “kiến trúc hiện đại nhiệt đới hóa”.

Đúc rút từ kiến trúc truyền thống những nguyên tắc cốt lõi về tỷ lệ, sử dụng vật liệu địa phương, về bố cục hình khối chặt chẽ theo công năng... để đưa vào công trình hiện đại - xu hướng này được nhiều nhà sáng tác coi như một trong những hướng tìm tòi đúng và có nhiều triển vọng.

Các kiến trúc sư trẻ đã dành cho những vật liệu như gạch ngói, gỗ mộc, đá một tình cảm trân trọng, chăm chút cẩn trọng hay tinh thần khám phá để thiết kế. Với tre, lá, gỗ, các kiến trúc sư gợi cho người sử dụng một thái độ sống gần gũi, trân trọng thiên nhiên.

Phải chăng các công trình như I-resort, Lam Cafe ở Nha Trang của kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp hoặc các công trình Gió và Nước, kiến trúc sinh thái của Võ Trọng Nghĩa tiếp tục đặt ra và đã trả lời được rất nhiều vấn đề lớn của kiến trúc Việt Nam đương đại. Kiến trúc của lớp kiến trúc sư trẻ này mách bảo rằng: Nếu đi tới tận cùng cái hồn cốt của dân tộc thì kiến trúc Việt hoàn toàn có nhiều cơ hội để hòa đồng, đối thoại với thế giới.

Nói như nhà nhiếp ảnh và phê bình kiến trúc nổi tiếng Xuân Bình về cái triết lý trong thiết kế mới là: “Công trình không chỉ cần có quy mô vươn cao, lan rộng. Nó phải tìm ra ngôn ngữ cho chính mình. Lấy con người làm trung tâm, là thước đo cho mọi tính toán, là mục đích sáng tạo. Cùng với việc phát huy uy lực vô biên của khoa học, công nghệ, kiến trúc phải nâng niu, ôm ấp những vốn liếng của quá khứ, dung hòa, điều tiết mọi mâu thuẫn, chấp nhận sự song tồn, cộng sinh, hướng tới sự đa dạng. Kiến trúc sống trong, sống cùng và hiền hòa với thiên nhiên”.

Xu thế “kiến trúc hiện đại bản địa” Việt Nam dù chưa hình thành rõ nét như một hệ thống, dù còn phải được tiếp tục vun đắp qua nhiều thử nghiệm hơn nữa, song xu hướng này sẽ ngày càng rõ nét hơn, tiệm cận tốt hơn với mục tiêu đi tìm bản sắc kiến trúc Việt trong giai đoạn tới. Nó có thể tìm đến sự giao hòa giữa con người với môi trường sinh thái và hình khối công trình, phù hợp với địa phương. Xu thế “kiến trúc xanh” này nếu được chăm sóc, đầu tư chiều sâu thì có khả năng sẽ trở thành một trong những xu thế sáng tạo chính thống thời gian tới ở nước ta.


Son La Restaurant / Vo Trong Nghia Architects


Farming Kindergarten / Vo Trong Nghia Architects
 

Trường đại học FPT  / Vo Trong Nghia Architects
 

Các công trình kiến trúc Việt Nam gây chú ý của thế giới

Kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp thiết kế công trình The Chapel (Nhà nguyện), có diện tích 140 m2, là không gian cộng đồng ở ngoại ô TP.HCM. Điểm đặc biệt của công trình này là những tấm rèm nhiều màu sắc, vật liệu xây dựng hoàn toàn từ tự nhiên, giá thành thấp, dễ xây dựng. Đây không phải công trình tôn giáo mà là một nơi vui chơi giải trí phục vụ mọi người, đặc biệt là giới trẻ, tham gia vào các buổi tụ hội, triển lãm, tiệc cưới hoặc thưởng thức cà phê cùng bạn bè.

Ngôi nhà The Nest (Tổ chim) ở Thuận An (Bình Dương) có phong cách kiến trúc riêng biệt do tận dụng vật liệu thép, kim loại để xây dựng. Các kiến trúc sư trẻ tài ba đã thiết kế nên ngôi nhà hình tổ chim với tiêu chí không gian xanh. Ngay tại mặt tiền, ngôi nhà nổi bật về cấu trúc khi sử dụng các loại thép và kim loại thay vì gạch và bê tông như thường thấy. Phần khung bao quanh có tác dụng che chắn song lại tránh được vẻ tù túng mà thông thường những bức tường mang lại.

Một công trình độc đáo khác là Trường đại học FPT do Công ty Võ Trọng Nghĩa thiết kế. Việc xây dựng ở Việt Nam thường bị ảnh hưởng bởi phong cách kiến trúc hiện đại phương Tây mà không phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Đông Nam Á. Vì nếu muốn có không khí thoải mái dễ chịu, cần điều hòa nhiệt độ tối đa rất hao phí năng lượng. Bởi vậy, kiến trúc sư Nghĩa đã áp dụng các thiết kế xanh vào công trình để tận dụng được ánh nắng, gió để đem lại bầu không khí dễ chịu và trong lành.

Từ năm 2008, quán cà phê Gió và Nước đã được nhận giải thưởng Kiến trúc quốc tế (International Architecture Awards - IAA 2008). Có thể nói đây là một công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng chủ yếu bằng cây tầm vông, một loại cây sẵn có ở Bình Dương mang sắc thái dân tộc phong phú làm vật liệu chủ yếu. Giải pháp kiến trúc phù hợp với vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nước ta, lấy nước và thông gió tự nhiên để làm mát công trình, đem lại cảm giác mới lạ và vô cùng độc đáo.

KTS Nguyễn Hữu Thái (Thanh Niên)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: