Anupama Kundoo – Tư duy kiến trúc nhân văn

Thứ năm, 01 Tháng 4 2021 11:16 ELLE Decoration VN
In

Tiếp cận thiết kế theo lối tư duy bền vững, đặt truyền thống bản địa làm cốt lõi sáng tạo – nữ kiến trúc sư Anupama Kundoo đã cho thế giới thấy rằng tuy công nghệ xây dựng phát triển vượt bậc nhưng yếu tố kỹ nghệ thủ công, tính bản địa luôn là điều không thể thay thế trong lịch sử lẫn tương lai của kiến trúc.

Anupama Kundoo sinh năm 1967 tại Pune, Ấn Độ. Cô theo học kiến trúc tại Sir J.J. College of Architecture, University of Bombay và tốt nghiệp năm 1989. Anupama Kundoo được trao học bổng Vasty Shilpa Foundation năm 1996 cho luận án “Urban Eco-Community: Design and Analysis for Sustainbility” (Cộng đồng Sinh thái Đô thị: Thiết kế và Phân tích tính Bền vững). Cô cũng đồng thời nhận bằng tiến sĩ tại Technical University of Berlin năm 2008. Anupama Kundoo hiện đang điều hành hai văn phòng thiết kế với trụ sở tại Auroville và Madrid.

Tiếp cận Kiến trúc bền vững

"Kiến trúc sống lâu hơn cuộc sống của con người. Thời gian luôn là nguồn lực quan trọng nhất của nhân loại. Đó là lý do vì sao quan niệm này nên được áp dụng cho Kiến trúc."

Anupama Kundoo ban đầu thực hành kiến trúc ở Auroville từ 1990 – 2002, nơi cô hoàn thành nhiều công trình mang tính bền vững, ưu tiên cơ sở hạ tầng tiết kiệm năng lượng, điện – nước. Giai đoạn này sớm định hình trong cô quan điểm thiết kế cốt lõi, theo đó cách tiếp cận dự án của Anupama Kundoo dựa trên việc nghiên cứu – ứng dụng vật liệu truyền thống bản địa, giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời sử dụng hợp lý nguồn lao động địa phương.

Công trình kiến trúc do cô thực hiện đặc trưng bởi cách chơi đùa hình khối trong ánh sáng và bóng tối, sự thấu hiểu không gian, đan xen tương tác giữa ngoại thất – nội thất, từ đó hòa nhập nên một các yếu tố của dự án. Theo Anupama Kundoo cho biết, đi đôi với tính bền vững chính là thời gian. Cô cho rằng thời gian chi phối mọi quá trình cũng như thành quả thiết kế, chính vì vậy, KTS phải là người dành rất nhiều thời gian cho công việc, để suy nghĩ, thực hành và để lại di sản cho hậu thế thay vì một khối bê tông đơn thuần.

Anupama Kundoo - Taking Time

Cuối năm 2020, một triển lãm lớn tại Bảo tàng Louisiana ở Đan Mạch với tên gọi Anupama Kundoo – Taking Time đã được tổ chức nhằm vinh danh các đóng góp của cô – một nữ KTS Ấn Độ với nhiều kiến thức độc đáo về vật liệu truyền thống, kỹ nghệ thủ công.

Triển lãm được chia thành hai phần, đầu tiên là The Architecture of Time – nơi lưu trữ tài liệu gồm 13 mô hình công trình trưng bày cạnh nhiều loại hình dụng cụ tạo tác. Tiếp theo là Co-creation, đây là nơi giới thiệu đến khách tham quan những công trình do Anupama Kundoo thực hiện tại Auroville, thành phố cô đã dành phần lớn thời gian trong sự nghiệp của mình để thiết kế.

Anupama Kundoo – Taking Time cho thấy kho dữ liệu kiến trúc đa dạng mà nữ KTS thu nạp trong suốt thời gian sáng tạo của mình. Hoành tráng nhất là dự án phát triển nhà ở trên diện tích 240.000 m2, Lines of Goodwill. Một mô hình lớn tại triển lãm cho thấy các dự tính quy hoạch, yếu tố kết nối cư dân với thiên nhiên. Ngoài ra còn có mô hình tỷ lệ 1:1 hoàn chỉnh về ngôi nhà riêng của cô – Wall house – một dự án ủng hộ truyền thống xây dựng đậm chất bản địa như gạch achakai, hệ thống mái bằng đất nung.

Tuy việc thực hiện thủ công tốn nhiều thời gian hơn ứng dụng công nghệ kỹ thuật nhưng với Anupama Kundoo, chúng mang lại nguồn cảm xúc không thể thay thế. Nhờ đó mà cả KTS/NTK lẫn người dùng đều có góc nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về vật liệu, chi tiết, không gian cũng như nhìn nhận lại chính mối quan hệ của chúng ta với nơi chốn.

Những công trình ấn tượng 


Shah House – Công trình xây dựng từ các vật liệu địa phương như đá bazan tự nhiên, đất nung.


Creativity, An Urban Eco-Community – Khu chung cư cộng đồng với các tiện ích cung cấp cho 50-60 cư dân. Công trình ứng dụng tối ưu giải pháp thông gió tự nhiên.


Multipurpose Hall SAWCHU – Khối không gian công cộng dành cho cộng đồng cư dân Auroville. Cấu trúc công trình được hỗ trợ từ 8 trụ nghiêng với trung tâm là giếng trời tròn.


Voluntariat Homes for Homeless Children – Cụm công trình thiết kế từ gạch bùn dành cho trẻ em vô gia cư, một hình thức xây dựng lạ mắt với kinh phí thấp.


Wall House – Ngôi nhà riêng của Anupama Kundoo, xây dựng bằng vật liệu địa phương như gạch bùn achakai, mái vòm đất nung. Một khuôn mẫu định hình nhiều dự án sau đó của cô.


Town Hall Complex – Kundoo cộng tác cùng Roger Anger cho ra mắt cụm ba tòa nhà của tòa thị chính.

CỘT MỐC ĐÁNG CHÚ Ý

1989: Tốt nghiệp kiến trúc tại Sir J.J. College of Architecture, University of Bombay.

1996: Nhận học bổng Vasty Shilpa Foundation.

2005: Giảng dạy tại Technical University, Berlin và Darmstadt, Hesse.

2008: Nhận bằng tiến sĩ tại Technical University of Berlin.

2011: Giảng viên cao cấp tại University of Queensland.

2013: Nhận giải thưởng ArcVision International Prize dành cho nữ KTS vì những cống hiến trong vấn đề tiếp cận tính bền vững kiến trúc, xây dựng.

2020: Triển lãm Anupama Kundoo – Taking Time tại Đan Mạch.

Đức Nguyên | Ảnh: Tư liệu

(ELLE Decoration VN)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: