Richard Meier - Niềm tin vào kiến trúc

Thứ năm, 16 Tháng 12 2021 12:05 T/c Kiến trúc & Đời sống
In

Richard Meier, một trong những cánh chim đầu đàn của chủ nghĩa kiến trúc hiện đại, một bậc thầy về kết cấu, hình khối, và một nghệ sĩ với niềm đam mê bất tận dành cho màu trắng tinh khôi.  

Là thành viên của nhóm New York Five (nhóm kiến trúc sư theo đuổi chủ nghĩa hiện đại), ông được người đời vinh danh như một biểu tượng. Nếu như Le Corbusier được ghi nhận là cha đẻ của trào lưu kiến trúc hiện đại, thì Richard Meier chính là người làm rạng danh, phổ biến rộng rãi trào lưu này. Kiến trúc đối với ông là niềm đam mê, là triết lý sống, là nguồn gốc của mọi loại nghệ thuật và là sợi dây liên kết mạnh mẽ giữa quá khứ và hiện tại, giữa sự vô hình và hữu hình.

Các công trình của Richard Meier nổi danh toàn thế giới nhờ mang trong mình triết lý, phong cách thiết kế hết sức độc đáo: nét đẹp trừu tượng, hình khối rõ nét, và việc sử dụng màu trắng, nhất quyết phải là màu trắng. Những đặc thù đó có được, một phần cũng là do Richard Meier chịu ảnh hưởng sâu sắc từ không gian thiết kế của Le Corbusier. Khi tiếp cận một dự án, ngoài những lưu ý nghiêm túc dành cho chức năng công trình, Richard Meier luôn để tâm đến bối cảnh - đó là gì và có thể là gì. Ông suy xét đến bản chất cộng đồng của công trình và cách để cải thiện nó, cách tạo ra các không gian có khả năng khuấy động trải nghiệm sống của những con người trong đó. Là một người Mỹ gốc Do Thái, tín ngưỡng có những ảnh hưởng nhất định lên triết lý làm việc của ông: đó là luôn hướng đến tương lai và những gì ông tạo ra hôm nay, ảnh hưởng không chỉ đến những con người sống trong hiện tại, mà còn tới cả những con người sống trong tương lai 20-50 năm nữa. Các công trình ông tạo ra đều mang giá trị bền vững, chúng không chỉ là những kiệt tác kiến trúc mà còn là đại diện cho cả một thời kỳ lịch sử. Nét đặc trưng và đặc thù của chúng sẽ luôn nhắc nhớ những con người tương lai về một thời kỳ lừng lẫy của kiến trúc, của chủ nghĩa hiện đại.

Nhà thờ Jubilee (2003)


(Ảnh: Andrea Giannotti, Gabriele Rossetti)

Nhà thờ độc đáo này tọa lạc tại Tor Tre Teste, một trong những khu ngoại ô xa xôi hẻo lánh của Rome. Đây cũng là thành tựu kiến trúc đầu tiên của một kiến trúc sư Mỹ được nước Ý ghi nhận, sau công trình bảo tàng Ara Pacis (2005). Ý tưởng xây dựng của công trình này được Richard Meier dựa trên sự đối lập của khối vuông và khối hình cầu, giữa nét uốn cong mềm mại, và nét xẻ thẳng dứt khoát. Ánh sáng tự nhiên được vận dụng một cách tài tình để chiếu sáng cho không gian bên trong. Vào ban ngày, ánh nắng mặt trời tràn xuống sảnh chính qua mái kính. Nhưng vào thời điểm sáng sớm và chiều muộn, tia nắng lại xuyên vào từ phía hai mặt tiền, đem lại cảm giác choáng ngợp vô cùng cho không gian linh thiêng bên trong.

Khu nhà Bodrum (2012)


(Ảnh: Richard Meier & Partners Architects)

Khu nhà này là một công trình phức hợp gồm hai mươi mốt căn nhà được xây dựng trên một triền đồi dốc đứng tại làng Yalikavak, Thổ Nhĩ Kỳ, với khung cảnh nhìn về phía vịnh Yalikavak đẹp đến nghẹt thở. Với thiết kế mở, nhằm tối đa hóa khung cảnh vịnh, mỗi căn nhà thuộc khu quần thể này được riêng biệt hóa bằng cách phân bổ vị trí sao cho cư dân thuộc mỗi căn hộ có được điểm nhìn không ai giống ai, và cũng không nhìn được thấy nhau. Ống khói được xem là điểm trung tâm của mỗi căn hộ, và nội thất được trang bị hết sức đơn giản để tôn vinh đường nét kiến trúc đẹp như chạm trổ của căn nhà.

Trung tâm Getty (1997)


(Ảnh: Richard Meier & Partners Architects, Scott Frances ESTO)

Nơi trông có vẻ như một cấm thành này thực chất lại là một bảo tàng, tọa lạc trên một quả đồi ở Los Angeles California. Bảo tàng hiện đang trưng bày các hiện vật cổ thuộc đế chế La Mã, các đồ nội thất từ thế kỷ 18 của Pháp và các bức tranh đến từ châu Âu, mỗi năm nơi đây đón tiếp hơn 1,8 triệu lượt du khách đến thăm quan. Điểm nhấn của công trình là sự liên kết rành mạch trong tổng thể kiến trúc, nhưng đồng thời vẫn giữ được vẻ riêng biệt đặc trưng của mỗi không gian. Hình khối kiến trúc uốn lượn được Richard Meier xử lý khéo léo khi tạo được sự tương hỗ giữa vị trí địa lý và việc bố trí không gian. Cả tổng thể đều phù hợp được với không gian chung hiện đại của thành phố Los Angeles và hòa vào với vẻ hùng vĩ thiên nhiên của rặng núi Santa Monica. Có một sự phân chia rõ ràng liên quan đến việc trưng bày tranh, chạy xuyên suốt cả bảo tang. Tầng trên là khu trưng bày với các tác phẩm nghệ thuật được rọi sáng tự nhiên, và tầng dưới là khu vực lưu giữ những tác phẩm phải được che chắn kỹ càng khỏi tia tử ngoại để tránh hư hỏng.

High Museum of Art (Bảo tàng nghệ thuật tầm cao - 1983)


(Ảnh: Richard Meier & Partners Architects, Scott Frances ESTO)

Đây là công trình thể hiện cách phối hợp không gian và sử dụng ánh sáng tự nhiên tuyệt vời của Richard Meier. Ánh sáng dù trực tiếp hay gián tiếp đều hiện diện xuyên suốt khắp mọi không gian; ngoài phương diện chức năng, ánh sáng còn được sử dụng như một thứ biểu tượng của sự soi rọi nghệ thuật và sự sáng tỏ của các giá trị văn hóa. Các đoạn dốc nối liền các khu triển lãm với nhau, và tầm nhìn bao quát không gian được mở rộng, để khách tham quan có thể chiêm ngưỡng cả một vùng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật.

Ngôi nhà Saltzman (1969)


(Ảnh: Richard Meier & Partners Architects)

Ngôi nhà Saltzman là một trong những công trình tiêu biểu cho phong cách Richard Meier, một trong những thành tựu thuở mới vào nghề của ông. Với những nét đặc trưng dễ nhận biết: màu trắng toàn bộ, sự cấu thành của hình khối và chú trọng vào ánh sáng. Ngôi nhà mang đậm chất ảnh hưởng của phong cách kiến trúc hiện đại, nắm bắt được những gì tinh hoa nhất trong cách tạo hình dáng và phân bố không gian của bậc thầy Le Corbusier. Meier giải thích: “Nhìn từ xa cấu tạo khối lập phương của ngôi nhà trông như được là phẳng ở không gian hai chiều trên phông nền trời và đất”. Tận dụng những khoảng uốn lượn đẹp mắt, cửa sổ và đồ nội thất được trang bị để người sử dụng có thể tận hưởng trọn không gian đẹp mắt bên ngoài, khi đang thư thái sưởi ấm dưới ánh nắng ấm áp cuối hè. 

Ngôi nhà Douglas (1973)


(Ảnh: Dean Kaufman)

Đây được xem là một trong những kiệt tác của Richard Meier. Nội thất trang bị trong ngôi nhà toàn bộ là đồ thiết kế của Le Corbusier, Mies van de Rohe và của chính Richard Meier. Và với khung cảnh tuyệt vời xung quanh, ngôi nhà thực sự chẳng cần đến sự trang hoàng quá cầu kỳ. Mang phong cách đặc trưng của Meier với sắc trắng bao phủ toàn bộ, kiến trúc cấu thành từ bê tông vững chãi và kính. Khi bắt tay vào thiết kế, để tận dụng nét đẹp tự nhiên của không gian xung quanh, Meier cố gắng giảm thiểu số cây bị chặt xuống ít nhất có thể. Ông còn mang đến nét đặc thù thú vị cho căn nhà bằng cách tạo ra khu vực ngoại thất, nối liền các tầng và mở rộng về phía bên ngoài - nơi gia chủ có thể tản bộ và tận hưởng khung cảnh hùng vĩ của mặt hồ trong vắt, cánh rừng xanh mướt xung quanh nhà.

Phương Nguyên 

(Tạp chí Kiến trúc & Đời sống - số 98)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: