Ba kiến trúc sư trẻ vòng quanh thế giới bằng xe đạp

Thứ năm, 13 Tháng 6 2013 20:26 Kiến trúc & Đời sống
In

“OnWheels” (Trên bánh xe) là dự án vòng quanh thế giới bằng xe đạp của ba kiến trúc sư trẻ người Bỉ: Julien Bertrand, Loic Nys và Frédéric Timmermans. Ngày 30/9/2012, không lâu sau khi tốt nghiệp đại học, những chàng trai tuổi từ 22 – 24 quyết định dành một năm thực hiện một chuyến đi thu thập các dữ liệu thực tế về kiến trúc bền vững và phát triển; đồng thời 50% số tiền quyên góp được sẽ ủng hộ cho tổ chức phi chính phủ Mekong Plus, hỗ trợ những người nghèo.  

Họ đi với tốc độ từ 80km – 100km/ngày từ Brussels (Bỉ) băng qua châu Âu, Nam Mỹ, châu Đại Dương và châu Á. Trước khi tới Việt Nam vào những ngày cuối tháng 4, nhóm đã đi qua 12 nước, mang theo hành lý mỗi người khoảng 25kg bao gồm lều, bếp, túi ngủ, đồ đựng nước (đủ dùng cho ba ngày), quần áo ấm, thuốc men, dụng cụ sửa xe… Tháng 8.2013 họ sẽ trở về Bỉ với tổng hành trình dự kiến khoảng 18.000km. 

Tại sao Việt Nam lại là một trong những điểm đến của hành trình?

- Có một vài lý do. Thứ nhất, Christophe – một người trong nhóm chúng tôi từng sống tại Việt Nam (sau 1/2 quãng đường, cậu ấy trở về Bỉ và Frédéric “thay người” – điều này nằm trong kế hoạch). Thứ hai, chúng tôi muốn biết một nền kinh tế đang phát triển sẽ giải quyết vấn đề phát triển bền vững như thế nào, với tất cả những thách thức về tăng trưởng hàng năm? Thứ ba, Mekong Plus, tổ chức phi chính phủ mà chúng tôi ủng hộ hoạt động chủ yếu tại Việt Nam. Ngoài ra, tất nhiên, những cảnh quan kỳ diệu đang mời gọi. Từ Bắc chí Nam, đất nước các bạn có địa hình rất đa dạng và khác biệt. 

Tôi rất ấn tượng khi nghe các anh kể về hiệu quả của các tín dụng nhỏ do Mekong Plus cung cấp ở huyện Long Mỹ. Nhưng tại sao, với tư cách là các kiến trúc sư trẻ, các anh lại quan tâm đến khía cạnh kinh tế cho người nghèo như vậy?

- Tín dụng nhỏ mang lại hiệu quả trực tiếp cho các gia đình nghèo, tác động trực tiếp đến cuộc sống của họ. Nó hỗ trợ họ tăng gia sản xuất bằng các gói nhỏ, ví dụ như chăn nuôi heo chẳng hạn. Nhờ đó mang lại thu nhập cho họ trong dài hạn. Là kiến trúc sư, chúng tôi quan tâm đến điều kiện sống của mọi người, dù ở Bỉ, ở Việt Nam hay bất cứ đâu trên thế giới. Một khoản thu nhập đều đặn sẽ cho phép các gia đình có thể tích luỹ, vui sống trong một ngôi nhà tiện nghi hơn. Đó chính xác là những thứ mà nghề nghiệp chúng tôi phải theo đuổi.

Các anh có tìm thấy điều gì thú vị về kiến trúc, văn hoá Việt Nam không?

- Đến Việt Nam, chúng tôi chú ý tới những ngôi nhà làm bằng các vật liệu tự nhiên như gỗ, tre, gạch làm bằng đất khô (gạch ba banh – PV)… rất thú vị. Việc sử dụng vật liệu tự nhiên như thế cũng bởi thiên nhiên hoang sơ và phong phú, cung cấp được nhiều thứ cho người dân. Chúng tôi thích quang cảnh thiên nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long và những ngọn đồi khu vực phía Bắc. Cũng như ở Bỉ, nhóm bị cuốn hút bởi màu sắc của tự nhiên, mùi của những khu chợ truyền thống, và sự bí ẩn của tâm linh, tôn giáo. Ở Bỉ chúng tôi không thờ cúng tổ tiên trong nhà.

Tại TP.HCM, chúng tôi nghiên cứu một chương trình nhà ở xã hội mười năm của “Ville en transition” – một tổ chức phi chính phủ. Chúng tôi đang viết một bài báo về nó và sẽ sớm đăng trên website Onwheelsproject.be. Ở miền Bắc Việt Nam, chúng tôi tới trung tâm cộng đồng và khám phá ra chương trình VGBC (Vietnam Green Building Council – Hội đồng xây dựng xanh Việt Nam). Tổ chức quốc tế này muốn mang lại một “hệ thống đánh giá xanh” – gọi là LOTUS. Hệ sinh thái dường như vẫn là một chủ đề mới trong kiến trúc của các bạn, nhưng nó nên được quan tâm bởi các thành phố đang phát triển rất nhanh, năng lượng tiêu thụ sẽ ngày càng lớn.

Kiến trúc bền vững có đồng nghĩa với kiến trúc xanh và các loại vật liệu mới?

- “Bền vững” là một từ có nghĩa rộng được sử dụng theo rất nhiều cách. Một kiến trúc sư Brazil từng nói rằng “Tính bền vững thậm chí không tồn tại, bởi vì chúng ta cũng y như những người ngoài hành tinh, không hề kết nối với trái đất”. Tất nhiên, đây chỉ là một lối nói ẩn dụ, nhưng nó cũng chỉ ra một quan điểm, một lối suy nghĩ trong phát triển bền vững.

Nhưng phần lớn mọi người nhìn kiến trúc bền vững như cách bạn nói: thân thiện với môi trường, dễ chịu và mát mẻ, thiết kế đẹp với khả năng chống ồn và vật liệu được lựa chọn kỹ lưỡng. Tất nhiên “công nghệ kiến trúc xanh” như các tấm năng lượng mặt trời hay chống nóng có thể làm giảm sự tiêu thụ năng lượng. Đó là khía cạnh dễ nhận thấy nhất của kiến trúc bền vững, nhưng không có nghĩa nó bị thu hẹp lại bằng cụm từ “công nghệ xanh”. Kiến trúc bền vững phải kết nối con người, toà nhà và môi trường trong một quần thể sinh thái. Nó quan tâm đến phương pháp xây dựng, thời gian sử dụng, di sản văn hoá… Thật vô ích khi xây nên một ngôi nhà thân thiện với môi trường một cách hoàn hảo nhưng năng lượng cần thiết để tạo ra vật liệu và xây dựng ngôi nhà đó (chúng tôi gọi là “năng lượng xám”) vượt quá mức tiêu thụ hàng ngày.

Tại châu Âu, nhu cầu năng lượng vẫn tiếp tục tăng, ngay cả bây giờ khi chúng tôi xây nhà một cách khá đơn giản. Kiến trúc sư nên cố gắng làm giảm bớt các nhu cầu: giảm số lượng xe sử dụng bằng cách quy hoạch đô thị thông minh, mang lại nhiều ánh sáng tự nhiên cho ngôi nhà hơn để tránh dùng đèn điện, tăng thêm liên kết với tự nhiên (công viên, vườn…) khuyến khích làm việc nhà, tạo điều kiện để hàng xóm láng giềng gặp gỡ lẫn nhau, tạo ra các không gian linh hoạt đáp ứng sự thay đổi của gia đình…

Vật liệu mới rất quan trọng, nhưng không phải là thứ duy nhất.

Các anh nghĩ gì về kiến trúc đô thị Việt Nam? Người dân tại Hà Nội và TP.HCM thường phải sống trong không gian nhỏ, nhà rất nhỏ. Chúng tôi nên giải quyết vấn đề này như thế nào?

- Đô thị nhỏ không có nghĩa là mọi người phải sống trong các ngôi nhà nhỏ. Lập kế hoạch thông minh có thể giải quyết vấn đề chính về không gian này.

Điểm khác biệt giữa chuyến đi thực tế của những kiến trúc sư mới ra trường và chuyến đi của các giáo sư là gì? 

- Các giáo sư không mang theo xe đạp! (cười) Thực ra đây cũng là một cách để chúng tôi thực hành sự thân thiện với môi trường. Hơn nữa, xe đạp khiến chúng tôi đi chậm hơn, có cơ hội khám phá, gặp gỡ các kiến trúc sư và các hình thức kiến trúc khác nhau trên thế giới. Giống như các thầy, chúng tôi cũng thu thập dữ liệu thực tế về các dự án mà mình tiếp cận, và đưa chúng lên website riêng, nhưng các giáo sư sẽ tập trung vào một dự án cụ thể được lựa chọn trước đó. Đó là điểm khác biệt lớn. Cả hai cách đều có mặt tốt và mặt hạn chế của mình.

Điều tích cực nhất của việc đi bằng xe đạp là bạn có cơ hội gần gũi với người dân. Ban đêm chúng tôi ngủ lại luôn trong nhà của họ. Chúng tôi xin phép dựng lều trong vườn. Hầu như mọi người đều đồng ý. Thậm chí họ còn mời chúng tôi ăn tối và ngủ trên giường. Chúng tôi thực sự bị ấn tượng vì sự tử tế của người dân mà mình có cơ hội gặp, ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tất nhiên cũng phải đối mặt với những vấn đề khác như tai nạn nhỏ, hỏng xe… nhưng không có gì quan trọng, cũng không có ai bị ốm nặng trên hành trình. Dị ứng đồ ăn cũng không, đồ ăn ở châu Á lại càng không (cười). 

An Sa (Kiến trúc & Đời sống / thực hiện) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: