Xanh nhận thức, xanh nhu cầu, xanh dự án...

Chủ nhật, 15 Tháng 12 2013 08:57 SGTT
In

Nhẹ nhàng nhưng quyết liệt, lãng mạn nhưng thực tế đến từng chi tiết... sự hoà hợp của những điều tưởng chừng trái ngược đã cho anh một cảm quan nhạy bén và tinh tế, để mang lại hiệu quả tối ưu cho từng công trình. Theo đuổi kiến trúc xanh như xu hướng của tương lai, KTS Trần Khánh Trung, giám đốc thiết kế công ty TTT, đang cùng các hội viên Câu lạc bộ (CLB) Kiến trúc xanh truyền bá tư tưởng này cho mọi người, để gìn giữ môi trường sống đang ngày càng ít đi màu xanh…

Hội thảo lần ba của CLB Kiến trúc xanh đặt ra câu hỏi: “Liệu suy nghĩ của tất cả chúng ta về kiến trúc xanh có giống nhau?” Phải chăng đó cũng là vấn đề lớn nhất của cả giới kiến trúc sư và người tiêu dùng Việt Nam? 

KTS Trần Khánh Trung: - Xu hướng kiến trúc xanh chỉ hình thành vài thập kỷ trở lại đây ở các nước phương Tây và mới lan toả đến Việt Nam trên dưới mười năm nay. Do vậy số người hiểu về nó còn hạn chế. Ngay cả giới kiến trúc sư, nhất là các bạn trẻ, cũng hiểu rất khác nhau về kiến trúc xanh. Với các hội thảo liên tục, các buổi thảo luận cho thành viên câu lạc bộ về các vấn đề liên quan như vật liệu xanh, thiết bị xanh, hiệu quả năng lượng, giải pháp thiết kế xanh… cùng các chuyến tham quan một số công trình xanh trong nước và cả ở hải ngoại… hy vọng các hoạt động của CLB sẽ đóng góp cho tiến trình nâng cao dần nhận thức của xã hội về kiến trúc xanh nói riêng và phát triển xanh nói chung. Nhận thức xanh được nâng cao mới có thể tạo ra nhu cầu xanh, từ đó các nhà đầu tư sẽ tìm cách đáp ứng, để hình thành thị trường xanh. Khi đó các nhà thiết kế chúng tôi mới có nhiều cơ hội để thực hiện các dự án xanh của mình.

Với vai trò chuyên gia tư vấn công trình xanh, anh rút được những điều gì về quan niệm thiết kế thực tế, để các kiến trúc sư có thể thiết kế công trình xanh?

- Tôi nghĩ người kiến trúc sư trước hết cần xác định rõ mục tiêu cốt lõi cho thiết kế công trình xanh của mình. Đó không phải chỉ là đáp ứng đúng đề bài của chủ đầu tư mà phải đáp ứng được các yêu cầu thực sự về công năng, về môi trường sống, về không gian sinh hoạt… của người sử dụng thực sự. Đối với công trình xanh, khái niệm “người sử dụng thực sự” cần được mở rộng hơn, không phải chỉ là người sống, làm việc bên trong toà nhà mà cả những hàng xóm chung quanh, cũng như rất nhiều người khác sống trong môi trường đang bị tác động từng ngày từ chính công trình mình thiết kế.

Tuy nhiên, các kiến trúc sư cũng cần lạc quan rằng công trình xanh không phải là quá khó để đạt được trong điều kiện Việt Nam.

Công trình xanh sẽ giải quyết bài toán năng lượng lớn cho Việt Nam?

- Tiết kiệm năng lượng trong công trình kiến trúc từ nhiều năm nay đã trở thành quy chuẩn của hầu hết các quốc gia, nên không còn là đặc trưng riêng của công trình xanh nữa. Nét đặc trưng của công trình xanh sẽ là yếu tố kết nối cộng đồng được thể hiện như thế nào trong dự án. Trước đây, người ta tập trung giải quyết các công năng chính theo yêu cầu của chủ đầu tư mà đôi khi quên mất nhu cầu của người sử dụng thực sự. Thí dụ trong toà nhà văn phòng, người ta tập trung tạo ra các tiện nghi cao nhất cho không gian làm việc – là không gian có thể quy ra tiền khi cho thuê. Với cách làm như vậy, những người làm việc ở các tầng khác nhau có khi chẳng bao giờ gặp nhau hoặc thỉnh thoảng chỉ thấy nhau vài phút ở bãi gởi xe hay trong thang máy. Với công trình xanh, bên cạnh không gian chính cho làm việc, cũng được quan tâm là không gian công cộng đủ lớn chung cho các tầng, ở đó mọi người có thể gặp gỡ, giao tiếp với nhau thường xuyên hơn, giúp họ thân thiện nhau hơn dù họ làm ở các công ty khác nhau, hoặc thậm chí ở các công ty là đối thủ của nhau. Vấn đề nằm ở chỗ không gian giao tiếp cộng đồng này dù mang lại giá trị cao về mặt tinh thần nhưng lại không thể quy thành tiền để nhà đầu tư có thể đưa vào bài toán hiệu quả kinh tế.

Anh nghĩ gì khi không ít thiết kế được mệnh danh là công trình xanh, nhưng thực tế chưa đáp ứng được những quy chuẩn thực sự của kiến trúc xanh?

- Dĩ nhiên tôi luôn không vui với những gì được cho là giả tạo. Tuy nhiên điều đáng buồn hơn nằm ở chỗ khác: số người bị đánh lừa còn… quá ít! Hiện nay một số nhà đầu tư, nhà cung cấp có đưa các yếu tố xanh (dù giả tạo hay không) vào để quảng cáo cho sản phẩm của họ, nhưng có vẻ người mua không mấy quan tâm. Điều đó chứng tỏ nhận thức xanh còn rất thấp. Và đó mới là lý do khiến tôi buồn nhiều hơn.

Đối với Việt Nam, hiện nay việc xây dựng xong hệ thống đánh giá công trình xanh Lotus được hội đồng Công trình xanh thế giới công nhận sẽ góp phần thúc đẩy hình thành nhiều công trình xanh trong nước. Mặt nhận thức xanh của xã hội dù còn rất thấp, nhưng tôi hy vọng rằng việc Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu sẽ là yếu tố tác động mạnh đến nhận thức xanh của mọi người, là những tiền đề phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam.

Để kiến trúc xanh trở thành xu hướng thực sự của tương lai, theo anh, vai trò của hội Kiến trúc sư và của chính quyền quản lý đô thị phải thế nào để nâng cao ý thức toàn xã hội, xây dựng được một lộ trình hướng đến kiến trúc bền vững?

- Ở Việt Nam, Chính phủ cũng chưa có quy định bắt buộc về kiến trúc xanh, công trình xanh vẫn phụ thuộc vào ý tưởng của chủ đầu tư… Tôi nghĩ thúc đẩy phát triển xanh là một trong nhiều vấn đề mà chính quyền các thành phố đều phải giải quyết. Có lẽ giải pháp “cây gậy và củ càrốt” mà nhiều nơi đang áp dụng vẫn còn phù hợp: đặt ra những quy định xanh từ phía chính quyền để mọi người dân chấp hành, kèm theo các hình phạt thích hợp nếu không thực hiện. Song song với các hình phạt phải là những khuyến khích xứng đáng để người dân cảm thấy được lợi khi tuân thủ các quy định xanh này. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có một chiến dịch “marketing” để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường tương tự như kế hoạch phát triển một sản phẩm mới, một thương hiệu mới của các doanh nghiệp. Hội Kiến trúc sư nên là đầu tàu để lôi kéo, hướng dẫn kiến trúc sư đi theo xu hướng đúng đắn này.

Anh ưu tư nhiều không khi bộ mặt đô thị Việt Nam không mang bản sắc kiến trúc riêng?

- Sự phát triển rối rắm của đô thị Việt Nam bắt nguồn từ quy hoạch chưa khéo, từ quản lý xây dựng chưa chặt. Nỗi ưu tư này là của cả 17.000 kiến trúc sư Việt Nam chứ không phải riêng tôi. Kiến trúc sư chúng tôi vẫn còn đang trên đường tìm kiếm bản sắc dân tộc Việt, nên việc mọi người chưa nhìn thấy đặc điểm kiến trúc riêng của quốc gia là khó tránh khỏi.

Trong khi đó, Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ cho kiến trúc sư nước ngoài?

- Ở góc độ khách quan, các nhà đầu tư Việt Nam thực ra chưa biết khai thác chất xám của kiến trúc sư trong nước, bởi cách làm việc của các công ty thiết kế nước ngoài thể hiện sự chuyên nghiệp hơn cho dù năng lực chưa chắc cao hơn các đơn vị trong nước. Nhà đầu tư trong nước không dám chọn đơn vị thiết kế nội thì đương nhiên nhà đầu tư nước ngoài càng không dám.

Ở góc độ chủ quan, không phải tự ti nhưng cần nhìn nhận nền kiến trúc Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với thế giới, do vậy phải chấp nhận những công trình trọng điểm hay cực lớn cần dành cho các công ty thiết kế tên tuổi của thế giới, hơn là để cho các đơn vị không đủ năng lực trong nước phá hư cả dự án.

Việc Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu sẽ là yếu tố tác động mạnh đến nhận thức xanh của mọi người, là những tiền đề phát triển kiến trúc xanh tại Việt Nam.

Nhìn lại nhiều năm qua, kiến trúc sư Việt Nam giành được những giải thưởng kiến trúc quốc tế hầu hết là dự án nhỏ và rất nhỏ, còn các công trình quy mô tương đối lớn thì gần như không có. Điều đó cho thấy chúng ta vẫn quanh quẩn ở các dự án đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao, và chưa có cửa cho các công trình trọng điểm.

Tôi nghĩ kiến trúc sư Việt Nam có khả năng thiết kế sơ phác không thua kém đồng nghiệp nước ngoài kể cả các dự án cao tầng, tuy nhiên phần triển khai kỹ thuật để công trình thực tế đạt đúng ý tưởng như bản phác thảo thì không ổn. Và đó là lý do các kiến trúc sư Việt Nam chưa thể tự khẳng định năng lực của mình trong các dự án lớn.

Giai đoạn hiện nay, để có thể tự thiết kế các công trình cực lớn, công trình trọng điểm, theo tôi các kiến trúc sư Việt Nam cần tập trung học hỏi là chính. Để thực hiện tốt chuyện này, đòi hỏi có sự hỗ trợ của Chính phủ: cần có quy định các công ty thiết kế lớn nước ngoài khi thiết kế công trình tại Việt Nam bắt buộc phải kết hợp với một đơn vị thiết kế trong nước, có như vậy kiến trúc sư Việt Nam mới có điều kiện học hỏi để dần dần khẳng định được uy tín.

Trong cuộc đời làm nghề của mình, công trình nào anh hài lòng nhất, và công trình nào mà anh… đau đớn nhất?

- Tôi thực sự chưa có công trình nào cảm thấy hài lòng cả. Tôi nghĩ đến lúc thấy hài lòng thì có nghĩa mình chẳng còn gì để phấn đấu. Đau đớn vì các sai lầm của mình trong thiết kế thì nhiều lắm và cái sai nào cũng đau như nhau.

Công trình mà tôi cảm thấy đau đớn nhất là một dự án nhà vệ sinh công cộng hoàn toàn ngầm dưới mặt đất. Công trình đã được thực hiện trôi chảy từ thiết kế, thẩm định, cấp phép cho đến hoàn tất thi công. Khi dự lễ khánh thành, lúc ra về tôi chợt nghe một giọng trách móc: “Các anh xây nhà vệ sinh như vầy làm sao em sử dụng được?” Tôi chết lặng vì đó là giọng nói của một cô gái trẻ bán vé số đang ngồi trên… xe lăn.

Tôi luôn tâm niệm trong những sai sót, bên cạnh những nỗi buồn, những ray rứt, những áy náy còn là bài học kinh nghiệm quý báu, nhờ vậy sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau những lỗi lầm.

Cách để anh có thể giữ được sự lãng mạn trong sáng tạo giữa một môi trường mà sự lãng mạn đang trở thành thứ xa xỉ?

- Tôi phân chia thời gian rõ ràng cho từng loại việc. Khi nào lo việc kinh doanh thì tập trung cho kinh doanh, khi nào nghĩ đến sáng tạo thì tập trung cho ý tưởng. Mặc dù thực hiện không hề đơn giản nhưng khi tách bạch được hai vấn đề này, sẽ cảm thấy dễ dàng hơn để giải quyết công việc. Bên cạnh đó, nếu đừng đặt nặng yếu tố tiền bạc trong kinh doanh thì sẽ giúp giảm bớt áp lực để ưu tiên cho sự lãng mạn trong sáng tạo.

Kim Yến (SGTT, thực hiện) / chân dung hội hoạ: Hoàng Tường


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: