Kiến trúc sư Lê Viết Hải kể chuyện thắng thầu

Thứ tư, 27 Tháng 10 2010 00:02 Nhịp cầu đầu tư
In

Trên tòa nhà cao 71 tầng Keangnam đang thi công ở Hà Nội, tòa nhà Vincom Center vừa khánh thành vào tháng 4 năm nay tại TP.HCM, nhà ga hành khách Sân bay Quốc tế Cần Thơ… đều có gắn hình ảnh logo màu xanh của Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình (HBC). Công việc kinh doanh của HBC có vẻ đang lạc quan. Tuy nhiên, Kiến trúc sư Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc HBC, cho biết: “Hòa Bình chưa thật sự thở phào nhẹ nhõm được sau 2 năm có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu”.

Trong một cuộc trò chuyện ngắn, ông Hải đã chia sẻ một số kinh nghiệm quản trị để vượt khủng hoảng và thắng thầu.

Khó khăn từ khủng hoảng kinh tế

Doanh số quý I và II năm nay chưa đạt như kế hoạch. Tuy nhiên, với đặc điểm của ngành xây dựng, doanh thu thường tăng mạnh vào 2 quý sau và với việc HBC vừa trúng thầu hàng loạt công trình, có khả năng HBC sẽ hoàn thành kế hoạch năm nay. Riêng việc thực hiện kế hoạch về lợi nhuận thì rất lạc quan”, ông Hải cho biết.

Cuối năm 2006, Hòa Bình chính thức lên sàn với vốn điều lệ trên 56 tỉ đồng (năm 2001, con số này chỉ ở mức 11 tỉ đồng). Tính đến nay, vốn chủ sở hữu của Công ty là trên 600 tỉ đồng. Theo ông Hải, đây là số vốn khá khiêm tốn so với quy mô của một công ty xây dựng - đầu tư bất động sản. Một nửa số vốn này lại đang bị kẹt trong gần 10 dự án bất động sản mà Công ty đầu tư và tham gia đầu tư.

Đây cũng chính là lý do khiến ông Hải vẫn chưa thở phào nhẹ nhõm. Khẳng định Công ty bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ông Hải chia sẻ: “Trong 2 năm đầu sau niêm yết, HBC đã gặp hàng loạt khó khăn khi thị trường vật liệu xây dựng đua nhau tăng giá, giá sắt thép tăng gấp đôi so với giá ký hợp đồng trước đó. Muốn giữ uy tín, Công ty đã tìm cách bù giá để hoàn thành công trình đúng thời hạn. Lúc đó, HBC là đơn vị bị thiệt hại nặng nề nhất do trượt giá vật liệu”.

Đến năm 2009, hoạt động kinh doanh của Công ty đã ổn định hơn. Ông Hải cho biết, kết quả kinh doanh của HBC trong năm 2009 tương đối cao so với các công ty cùng ngành. Riêng trong lĩnh vực xây dựng, doanh thu của Công ty đạt 1.578 tỉ đồng, lợi nhuận ròng trên 73 tỉ đồng. Nhưng do việc chuyển nhượng Hòa Bình Tower lỗ gần 25 tỉ đã khiến Công ty giảm đến 1/3 lợi nhuận của năm. Đến nay, HBC đã chuyển nhượng 5/15 dự án bất động sản mà Công ty tham gia đồng đầu tư và đầu tư 100% vốn.

Tại Đại hội Cổ đông 2010 của Công ty, sau khi nghe những giải trình khó khăn, phương án vượt khủng hoảng, chiến lược kinh doanh cho giai đoạn tới, các cổ đông của HBC đã bỏ phiếu đồng thuận 100% cho cả 10 lần biểu quyết tại Đại hội. “Đây là một thành công ngoài mong đợi của một đại hội cổ đông”, một chủ tịch (không muốn nêu tên) của công ty tài chính đã niêm yết nhận xét.

Cho đến ngày 30/6/2010, tổng giá trị hợp đồng thầu xây dựng của HBC đã ký kết và đang thi công là 5.016 tỉ đồng. Ngoài ra, giá trị hợp đồng đang dự thầu và có nhiều khả năng trúng thầu là 1.400 tỉ đồng. Điều này có thể coi là dấu hiệu lạc quan về tài chính cho HBC. Tuy nhiên, ông Hải tỏ ra khá điềm đạm trước những điều trên. Ông cho rằng, trước tình hình ảm đạm của thị trường bất động sản, HBC vẫn chưa triển khai được những dự án đầu tư bất động sản đem lại hiệu quả sử dụng vốn cho cổ đông.

Ông cho rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những giải pháp được đưa ra để vượt khó vẫn phải bảo đảm sao cho các công trình phải hoàn thành đúng chất lượng và thời hạn. Việc triển khai dự án ERP (hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp) của HBC được tiến hành 2 năm nay cũng đã đạt được nhiều thành công, khẳng định hướng đi đúng của Công ty.

Thắng thầu bằng thực lực

Tuy thẳng thắn chia sẻ một số khó khăn của Công ty, nhưng ông Hải cũng cho rằng, HBC sẽ sớm vươn tới đỉnh cao nhờ vào kinh nghiệm và thực lực của mình để thắng thầu. Về kinh nghiệm của HBC, ông Hải tiết lộ rằng, tinh thần cầu thị, hợp tác thay vì đối đầu với các công ty quốc tế đã giúp HBC tăng nhanh doanh số, thị phần và học hỏi được các kỹ thuật thi công tiên tiến của nước ngoài. Thực lực của Công ty chính là dàn kiến trúc sư được đào tạo bài bản theo hình thức “du học tại chỗ” hoặc gửi đi đào tạo ở nước ngoài.

Các khu biệt thự đầu tiên như Mỹ Viên, Mỹ Thái, Mỹ Gia… đều do HBC thi công. Sau đó, khu hồ bán nguyệt CR5-CR8 tại Phú Mỹ Hưng, TP.HCM cũng được giao cho HBC. Ngoài ra, sau 2 tòa nhà E-Tower I và II, E-Tower tại quận 4 (TP.HCM) vừa rồi cũng được nhà đầu tư giao cho HBC làm nhà thầu chính. 

Khi được hỏi, liệu đưa ra mức giá thấp thì khả năng thắng thầu có cao hơn không, ông Hải trả lời, đấu thầu một dự án bao giờ cũng có tính cạnh tranh về mức giá nhưng không phải khi nào giá thấp nhất cũng trúng thầu. Có dự án Công ty đưa giá cao hơn so với các nhà thầu khác nhưng vẫn được nhà đầu tư chọn, như một dự án ở Hà Nội.

Nói về việc “lobby” (tạo mối quan hệ) trước một dự án được đấu thầu của các nhà thầu xây dựng, ông Hải đưa ra quan điểm: Phương án tổ chức thi công, cách thức, biện pháp triển khai dự án, năng lực chuyên môn lẫn tài chính… sẽ quyết định việc thắng thầu hơn là các mối quan hệ.

Ông Hải cũng chia sẻ thêm, đối với công ty nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm làm nhà thầu chính, muốn thắng thầu phải nâng cao điểm kỹ thuật bằng việc lập biện pháp thi công thật tốt để bù vào mặt hạn chế về điểm kinh nghiệm. Tuy gọi là điểm kỹ thuật nhưng luôn luôn bao hàm cả năng lực tài chính. Đây cũng là một rào cản đối với các nhà thầu trong nước. 

Nguyên Nga


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: