Một số vấn đề về hoạt động tư vấn giám sát

Thứ tư, 07 Tháng 12 2011 17:52 Báo Xây dựng
In

Tư vấn giám sát (TVGS) chất lượng công trình xây dựng có nhiệm vụ chính là giúp chủ đầu tư giám sát về chất lượng, khối lượng, tiến độ, an toàn lao động và môi trường trong thi công xây dựng công trình theo nhiệm vụ thỏa thuận với chủ đầu tư trong hợp đồng kinh tế. Chủ thể TVGS không trực tiếp làm ra sản phẩm công trình xây dựng, nhưng lại là một nhân tố quan trọng quyết định việc kiểm soát chất lượng của một công trình xây dựng.

Chưa bám sát hiện trường

Thực trạng công tác TVGS trong nước hiện nay đang còn tồn tại nhiều bất cập ở các khâu đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề, mức thu nhập, năng lực chuyên môn, quyền hạn và trách nhiệm trong công việc, xử lý vi phạm đối với các hành vi tiêu cực.

Năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của đội ngũ TVGS chưa đồng đều, nhất là kiến thức chuyên môn đối với các hạng mục công việc có tính chất kỹ thuật phức tạp. Công tác đào tạo trong việc hành nghề hoạt động xây dựng nói chung hiện nay tại một số tổ chức chưa tốt, hoạt động mang tính hình thức còn nặng về lợi nhuận, không chú trọng vào công tác chất lượng đào tạo. Công tác cấp chứng chỉ hành nghề TVGS được giao cho các địa phương thực hiện, tuy nhiên việc quy định điều kiện để cấp chứng chỉ còn hình thức, chưa có cơ chế sát hạch, kiểm tra để đảm bảo người được cấp chứng chỉ có năng lực phù hợp với lĩnh vực được cấp chứng chỉ hành nghề. Hệ thống đăng tải thông tin về tổ chức, cá nhân hành nghề TVGS mặc dù đã được xây dựng nhưng chưa vận hành hiệu quả.

Việc đào tạo, sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề TVGS chưa được kiểm soát chặt chẽ. Do đó, trong nhiều trường hợp TVGS chưa thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ của mình, không kiểm soát được chất lượng công trình trong quá trình thi công của nhà thầu; không bám sát hiện trường để kịp thời xử lý các phát sinh bất hợp lý, chưa kiên quyết xử lý các vi phạm về chất lượng trong quá trình thực hiện dự án.

Một số tổ chức, cá nhân TVGS chưa thực hiện đúng nghĩa vụ, quyền hạn theo quy định, cá biệt có trường hợp còn phụ thuộc vào chủ đầu tư và nhà thầu dẫn đến không thể nâng cao vai trò trách nhiệm trong công việc.

Mức thu nhập thực nhận đối với những cá nhân tham gia công tác TVGS đang còn thấp, chưa tương xứng khi làm việc trong lĩnh vực “nhạy cảm” này. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến một bộ phận đội ngũ TVGS vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ở một số trường hợp còn có hành vi tiêu cực, thông đồng, thỏa thuận với nhà thầu thi công làm ảnh hưởng đến chất lượng thi công và xây dựng công trình.

Chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân TVGS chưa được quy định cụ thể gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước trong xử lý khi phát hiện các hành vi vi phạm, do đó làm giảm tính răn đe và hiệu lực quản lý của pháp luật đối với hoạt động TVGS.

Quy định rõ hành vi vi phạm

Để hạn chế những tồn tại, bất cập nêu trên, bài viết xin đưa ra một số giải pháp nhằm tăng cường vai trò quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước với hoạt động TVGS.

1. Cơ quản quản lý nhà nước cần hoàn thiện và đưa vào vận hành trang thông tin điện tử quản lý cơ sở dữ liệu về thông tin của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động TVGS, kể cả nhà thầu và cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (bao gồm thông tin về chữ ký cá nhân, hồ sơ lý lịch, quá trình học tập và công tác, vi phạm pháp luật, kỷ luật, khen thưởng của cá nhân hành nghề TVGS; thông tin về năng lực của tổ chức hành nghề TVGS...) Yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải bắt buộc đăng ký trước khi tham gia hành nghề TVGS. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để các chủ đầu tư căn cứ kiểm tra thông tin và lựa chọn được tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực phù hợp thực hiện công tác TVGS.

2. Cần quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hành nghề TVGS, từ đó ban hành chế tài xử lý vi phạm cụ thể, trong đó quy định rõ các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt đủ mạnh (bao gồm phạt tiền, cấm hành nghề, các trường hợp xử lý hình sự đối với tổ chức, cá nhân TVGS) và có biện pháp tổ chức thực hiện nghiêm để đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân thực hiện giám sát công trình xây dựng.

3. Có cơ chế thích hợp như khen thưởng, ưu tiên nhận thầu... để khuyến khích các tổ chức, cá nhân TVGS thực hiện tốt quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình; thực hiện giám sát các công trình đạt chất lượng cao.

4. Điều chỉnh lại định mức chi phí cho công tác TVGS. Hiện nay chi phí TVGS cho các dự án được thực hiện giám sát bởi các đơn vị tư vấn trong nước, nhất là công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách phần lớn được thực hiện theo quyết định số 957/QĐ-BXD ngày 29/9/2009. Nhìn chung mức thu nhập của các cá nhân tham gia công tác giám sát còn thấp, dẫn đến phát sinh các hiện tượng tiêu cực. Nên đối với lĩnh vực TVGS cần tăng định mức chi phí.

5. Tăng cường rà soát, kiểm tra công tác đào tạo TVGS. Đổi mới việc cấp chứng chỉ hành nghề theo hướng tổ chức sát hạch để công tác cấp chứng chỉ hành nghề đảm bảo thực chất và tránh tiêu cực.

Để giải quyết được những vấn nêu trên, cần sửa đổi quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định số 209/2004/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng, Nghị định số 12/2009/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 23/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng... để trình Chính ban hành và ban hành theo thẩm quyền và sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng các cấp cần tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động TVGS trong hoạt động xây dựng hiện nay.

Phạm Sơn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: