Cơ chế đấu thầu xây lắp: Vẫn còn lỗ hổng

Thứ năm, 08 Tháng 3 2012 20:03 Báo Xây dựng
In

Theo thống kê, trong số các gói thầu xây lắp ở Việt Nam, nhà thầu Trung Quốc chiếm tới 50% giá trị. Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng các công trình điện, đa phần các dự án lớn đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Một trong những lý do khiến nhà thầu Trung Quốc thắng thầu là do giá bỏ thầu rẻ. Tuy nhiên, chất lượng của các công trình do nhà thầu này thực hiện thường không đạt được như cam kết, gây thiệt hại cho chủ đầu tư… 

Nguy cơ biến thành… sắt vụn

Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho biết: Một trong những lý do khiến nhà thầu Trung Quốc dễ thắng thầu các dự án ở Việt Nam là do quy chế đấu thầu thường coi trọng yếu tố giá rẻ. Thống kê từ năm 2003 đến nay có 13 dự án nhiệt điện than, chiếm gần 30% công suất toàn ngành điện, do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Trong lĩnh vực xi măng, 62 dây chuyền thì có tới 49 dây chuyền do nhà thầu Trung Quốc thực hiện. Tuy nhiên, không biết có phải vì “tiền nào, của nấy” hay không mà hầu hết các dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu thường chậm tiến độ. Đơn cử như nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn bị chậm 28 tháng, Nhiệt điện Sơn Động chậm 24 tháng, Nhiệt điện Nông Sơn chậm 20 tháng... Các dự án do ngành Điện quản lý và đầu tư như Nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2 và Nhiệt điện Uông Bí đều chậm từ 18 - 24 tháng. Riêng nhà máy nhiệt điện Uông Bí 2 đến nay vẫn chưa chạy được. Các chuyên gia trong lĩnh vực lắp máy đều nhận định, chỉ trong vài năm nếu nhà máy không vận hành, các máy móc thiết bị có thể biến thành đống sắt vụn. Thiệt hại lúc đó sẽ lớn vô cùng. Đó là chưa kể khi đã trúng thầu, trong quá trình thực hiện, nhà thầu Trung Quốc thường đề xuất một số thay đổi tiêu chuẩn vật liệu và thay đổi hoặc bổ sung nhà cung cấp thiết bị, vật tư khiến chi phí thường đội lên khá cao.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, ước tính việc chậm tiến độ các dự án gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tính cả phần đội vốn thì con số này phải lên tới cả nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể, thiết bị của một số nhà máy chất lượng thấp nên khi đi vào vận hành dễ bị hỏng hóc, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa không hề nhỏ. Do vậy, việc nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC, tưởng rẻ mà hóa ra không hề rẻ.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), cần có cơ chế động viên, khuyến khích các nhà thầu, nhà đầu tư trong nước, kể cả tư nhân, liên danh, liên kết với nước ngoài (các nước G7, châu Âu) để đầu tư phát triển mạnh vào các dự án điện. Thêm vào đó, khi xét thầu cần chú trọng đến năng lực, kinh nghiệm, tài chính chứ không chỉ yếu tố giá như hiện nay.

Ông Trần Viết Ngãi, cũng cho rằng hầu hết các dự án điện do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận trong Quy hoạch Điện VI đều bị chậm tiến độ kéo dài, thậm chí không triển khai được là do các nhà thầu năng lực yếu, không thực hiện được các cam kết với chủ đầu tư. Ngoài ra, lỗ hổng trong quy định thắng thầu nhờ giá rẻ cũng cần phải sớm sửa đổi.

Công trình “Made in Vietnam” vẫn là đẳng cấp 

Không khó để tìm ra những dự án năng lượng do nhà thầu trong nước làm tổng thầu EPC (theo phương thức chìa khóa trao tay) hoặc lắp ráp, thi công đúng tiến độ, tiết kiệm được nguồn lực kinh tế lớn cho đất nước. Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 2 là một thành công điển hình của nhà thầu trong nước khi làm tổng thầu EPC. Tại công trình này, tổng thầu EPC do LILAMA đảm nhận đã tận dụng tối đa nguồn nhân lực, thiết bị, vật tư trong nước cũng như chi phí quản lý, điều hành dự án. Việc đưa công trình về đích trước 45 ngày đã tiết kiệm được cho ngân sách gần 100 triệu USD so với giá của nhà thầu ngoại. Quan trọng hơn, nhà thầu trong nước làm tổng thầu EPC còn góp phần giảm nhập siêu, thúc đẩy các ngành cơ khí, năng lượng… phát triển.

Không chỉ có Nhơn Trạch 2, trước đó LILAMA đã đưa 5 dự án tổng thầu EPC vào hoạt động là nhiệt điện Uông Bí mở rộng, xi măng Sông Thao, Cà Mau 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 1 và đang tích cực triển khai dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, thủy điện Hủa Na để đưa vào vận hành vào cuối năm 2012 này. Cùng với các dự án nhiệt điện, xi măng, hàng ngàn kỹ sư, công nhân LILAMA đang thi công hàng loạt công trình thủy điện trên khắp đất nước, trong đó phải kể đến nhà máy thủy điện Sơn La. Đến nay, LILAMA không chỉ chế tạo nhiều thiết bị đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, chính xác mà còn lắp đặt an toàn 4 tổ máy, lắp thành công roto tổ máy số 5 của nhà máy thủy điện lớn nhất nước ta. Dự kiến, tổ máy số 5 sẽ phát điện vào cuối tháng 4/2012 và tổ máy số 6 sẽ hoàn thành vào tháng 8/2012. Khi đi vào vận hành, thủy điện Sơn La sẽ hoàn thành trước kế hoạch 3 năm, tiết kiệm tới 1,5 tỷ USD cho đất nước.  

Nhiều nhà thầu ngoại khi trúng thầu thi công các công trình tại Việt Nam đã thuê lại các nhà thầu nội và chỉ hớt phần “ngọn” bằng việc cắt lại các khoản phí từ 7 - 10%, thậm chí có dự án lên đến hơn 20%. Khi trúng thầu lại “ép” nhà thầu nội với giá rất rẻ và phó mặc toàn bộ tiến độ, chất lượng công trình cho các nhà thầu phụ. Tất cả những điều này không tương xứng với những hồ sơ năng lực của các nhà thầu quốc tế và vô hình trung làm suy yếu dần các nhà thầu trong nước và ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng công trình. 

Vân Anh


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: