Giải biếm hoạ báo chí VN lần II với chủ đề "Giao thông thời hội nhập"

Thứ sáu, 02 Tháng 4 2010 22:53 VietNamNet Thiết kế / Sáng tạo
In

KTS Lý Trực Dũng, họa sĩ biếm họa hàng đầu của Việt Nam, người thường xuyên có tác phẩm đăng trên các tờ báo nổi tiếng của Đức bức xúc: "Khi đang dừng xe để chờ cho phương tiện ở đường chính đi qua thì có một người ở phía sau tông vào đuôi xe của tôi rồi quát "Đồ ngu, tại sao lại dừng lại!" làm tôi không hiểu gì cả".

- Trước đây trong chương trình Blog giao thông trên VTV1 anh thường xuyên xuất hiện với một bức biếm hoạ về những vấn đề nhức nhối trong giao thông ở VN. Lần này anh lại là Chủ tịch Hội đồng giám khảo của Giải biếm hoạ báo chí VN lần II của báo TTVH với chủ đề Giao thông thời... hội nhập. Cá nhân anh nhìn nhận vấn đề giao thông ở VN cũng như những sáng tác về chủ đề giao thông trong tranh biếm hoạ như thế nào?

- Có thể hiểu tranh biếm hoạ là cách thể hiện chính kiến của hoạ sĩ bằng ngôn ngữ tạo hình. Họ có quyền được "bóp méo" đến cùng cực nhưng điều quan trọng nhất là truyền tải được chính kiến của mình về một vấn đề nào đó. Bản thân tôi cũng đã 2 lần bị xe đâm phải mà đến giờ vẫn phải đi cà nhắc. Một lần tôi bị một cháu lái xe mà không có bằng tông phải, nằm Viện Việt Xô 1 tháng trời. Khi đó phòng tôi nằm cạnh nhà xác nên suốt ngày phải nghe bài Hồn tử sĩ đến rợn người.

Giao thông là một trong những vấn đề bức xúc nhất trong xã hội hiện nay. Có thể nói chưa có một nước nào mà vấn nạn giao thông lại nặng nề như VN. Cũng không ở đâu mà trung bình cứ 2-3 người lại có một chiếc xe máy và nhiều người trong số họ điều khiển xe không theo luật lệ nào cả. Có lẽ Luật bị vi phạm nhiều nhất ở VN chính là Luật An toàn giao thông. Chính vì thế gần như ai ai cũng quan tâm đến vấn đề giao thông. Bản thân các hoạ sĩ cũng vậy. Như hoạ sĩ Hà Xuân Nồng (bút danh NOP) chẳng hạn.

2 bức tranh giành vị trí cao nhất tại Giải biếm hoạ báo chí VN lần II lần này đã được anh ấy vẽ và đăng báo trước đó chứ không có mục đích ban đầu là sẽ mang tranh đi dự thi. Có thể thấy là các hoạ sĩ biếm hoạ rất quan tâm đến vấn đề giao thông. Cái hay ở chỗ là thay vì đau khổ, rên xiết, họ lại vẽ ra những bức tranh khiến chúng ta phải bật cười rồi sau đó lại phải suy nghĩ và thấy phải có trách nhiệm với vấn đề giao thông. Tôi cho đó là tiếng cười rất tích cực.

- Rất nhiều người nước ngoài khi sang VN có cảm giác "kinh hoàng" khi tham gia giao thông tại đây. Và bản thân những người Việt từng sống tại nước ngoài cũng thấy sốc vì giao thông VN khi về nước. Anh thì cảm thấy thế nào sau một thời gian dài sống tại Đức?

- Ở nước ngoài, những người đi đường phụ đều phải nhường đường cho các phương tiện ở đường chính, dù không có đèn giao thông cũng phải tuân thủ theo nguyên tắc đó. Vì thế, khi về VN tôi cũng có thói quen này. Khi đang dừng xe để chờ cho phương tiện ở đường chính đi qua thì có một người ở phía sau tông vào đuôi xe của tôi rồi quát Đồ ngu, tại sao lại dừng lại! làm tôi không hiểu gì cả. Tôi thấy chúng ta coi thường giao thông quá. 

Tôi có đứa cháu 4 tuổi, một hôm về nó mách: "Ông ơi, hôm nay bố con vượt đèn đỏ, con mới doạ là: Công an bắt bố bây giờ!". Sở dĩ nó nhận thức được điều này vì ngay từ lúc học hệ mầm non ở trường quốc tế DreamHouse cháu đã được học về Luật Giao thông. Tôi nghĩ, nếu chúng ta nghiêm túc một chút, nói về vấn đề giao thông nhiều hơn thì chắc chắn người ta sẽ có ý thức tuân thủ luật hơn, từ đó giảm thiểu được tai nạn.


"Bài học muộn", một trong hai tác phẩm đoạt giải nhất Giải biếm hoạ báo chí VN lần II của tác giả NOP (Hà Xuân Nồng)

Ở nước ngoài họ hay nói rằng một người chết là một tổn thất quá nặng, không thể nói gì hơn được nữa. Trong khi, ngay như lúc này tôi đứng nói chuyện với chị, ở VN mỗi ngày có hơn 30 người chết về tai nạn giao thông. VN là một trong những nước có tỉ lệ người chết vì tai nạn giao thông lớn nhất và số tiền thiệt hại vì tai nạn giao thông tính vào thu nhập quốc dân vào hàng lớn nhất thế giới hiện nay.  Đó là những thông tin tôi tra được trên báo chí.

- Giao thông có phải là chủ đề lớn nhất trong sáng tác tranh biếm họa của anh?

- Đó chỉ là một mảng sáng tác của tôi vì còn rất nhiều vấn đề khác cần quan tâm. Tôi buộc phải vẽ tranh về những vấn đề thời sự cho Góc biếm hoạ trên báo TTVH, mà thời sự thì có nhiều vấn đề: môi trường, khủng bố, phát triển bền vững, nhân đạo, hoà bình, chiến tranh...

- Thời gian gần đây anh có cập nhật video clip ghi lại hình ảnh một người nước ngoài tại khu vực phố cổ HN vì quá bất bình với chuyện người ta hồn nhiên vượt đèn đỏ đã đứng ra tình nguyện làm cảnh sát giao thông. Anh nghĩ sao về hành động này?

- Tôi có xem video này và cho anh ấy là một người dũng cảm mặc dù người đàn ông này bị nhiều người bảo là "thằng điên". Tôi cho rằng ở VN cần nhiều con người dũng cảm như thế. Chúng ta phải sống có luật chứ không thể sống không có luật mãi như vậy được.

- Những vấn đề nữa cũng được dư luận quan tâm trong thời gian này là chuyện nữ sinh đánh nhau, rồi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.  Anh có định sáng tác tranh biếm hoạ về các đề tài này?

- Có đấy. Nhưng vừa rồi có một bức tranh của tôi đã không được đăng báo vì bị ban biên tập nhận xét là... bạo lực quá.

- Anh có hay gặp phải tình huống này ở VN?

- Có, cũng đã có vài bức tranh của tôi không được duyệt.

- Anh có biết lý do vì sao không?

- Có thể là vì nó hơi bức xúc quá.

- Thường thì tranh của anh gửi đăng các báo nước Đức có hay gặp phải trường hợp tương tự?

- Gần như không.

- Xin cảm ơn anh!

Các bức tranh biếm hoạ tham gia Giải biếm hoạ báo chí VN lần II với chủ đề Giao thông thời hội nhập bắt đầu được triển lãm tại 29 Hàng Bài, HN từ 1/4. Lần đầu tiên, Giải Biếm họa sẽ được đưa vào triển lãm tại TP.HCM, dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu tháng 5/2010 tới đây. Giải Biếm họa lần II đã thu hút được 400 tác phẩm của gần 80 tác giả cả nước, trong đó cây cọ trẻ nhất mới 12 tuổi.

Xin giới thiệu chùm tác phẩm của hoạ sĩ Lê Anh Phong (LAP), tác giả đoạt giải Nhì Giải biếm hoạ báo chí VN lần II và đồng thời được Hội Nhà Báo Việt Nam trao Giải Đặc biệt dành cho tác giả có nhiều tác phẩm chất lượng cao.


“Khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn” .


"Đào lấp - lấp đào"


"Thủ tục cần thiết"


"Tái lập mặt đường". 

Hạnh Phương

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: