Triển lãm “Hành trình tới tương lai - Mỹ thuật thế hệ mới của Nhật Bản"

Thứ tư, 16 Tháng 6 2010 20:34 Tuổi Trẻ Thiết kế / Sáng tạo
In

Đập vào mắt người xem khi đặt bước chân đầu tiên vào triển lãm “Hành trình tới tương lai - Mỹ thuật thế hệ mới của Nhật Bản" (diễn ra từ 12 đến 21-6, tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM) là một tác phẩm của Tetsuya Nakamura - chiếc vỏ sắt màu đỏ (trông giống như của xe đua hoặc máy bay siêu tốc) đặt trên một bộ giá đứng như cột điện cao thế.

Tác giả đặt tên cho khối điêu khắc có hình dáng khí động lực “siêu tốc” này là Sấm sét. Thích thú với hình dáng của cỗ máy rỗng này đã đành, khán giả càng ngạc nhiên hơn nữa khi biết tác phẩm này hoàn toàn được tạo ra bằng kỹ thuật thủ công!


Sấm sét - tác phẩm điêu khắc của Tetsuya Nakamura


Căn bếp nhỏ Nhật Bản - Tabaimo

11 nghệ sĩ Nhật Bản giới thiệu tác phẩm trong triển lãm đều sinh ra cuối thập kỷ 1960 và đầu những năm 1970. Họ bắt đầu đi vào sáng tác chuyên nghiệp vào thập niên 1990, thập niên của nhiều sự thay đổi lớn của cả kinh tế lẫn chính trị trên toàn thế giới. Điều đó cũng dẫn đến thay đổi về quan niệm sáng tác nghệ thuật.

Thay vì “đụng độ” với những vấn đề vĩ mô, con người bắt đầu quan tâm tới những lĩnh vực gần gũi, thân thuộc. Những gì là cốt lõi của bản chất con người và cách thức nhìn nhận. Có một xu hướng bao phủ ở bình diện quốc tế là việc tập trung sáng tạo vào những vấn đề của cuộc sống thường nhật, cuộc sống riêng tư và những triết lý cá nhân đối diện với xã hội. Thập niên 1990 cũng là thập niên rực rỡ của nghệ thuật tạo hình thời Đổi mới ở Việt Nam.

Cảm thức thẩm mỹ của người Nhật hiện lên rất rõ trong hai loạt tranh sơn dầu của hai họa sĩ Atsushi Fukui và Nobiyuki Takahashi. Đó là thói quen ưa tìm vẻ đẹp trong cái tĩnh, trừu tượng, đơn giản đến tối thiểu về ngôn ngữ biểu hiện. Fukui trình bày một loạt 6 bức tranh sơn dầu vẽ những phong cảnh “phi hiện thực” êm đềm mà theo cách triết lý của họa sĩ là: “Một thế giới khác được nhìn thấy trong vòng 1m”. Còn Takahashi đưa ra một loạt những tác phẩm “tối giản”, có khi chỉ là ấn tượng mờ ảo nhất của phong cảnh hiện thực.

Đưa ra những sáng tác bằng công nghệ chế tác hiện đại là nhóm nghệ sĩ của tổ hợp Maywa Denki, với những món đồ âm nhạc được design hết sức thông minh theo hình con cá. Còn tác phẩm “tiểu cảnh kèm video art hoạt hình” khá tinh xảo của nữ nghệ sĩ Tabaimo có tên Căn bếp nhỏ Nhật Bản.

Trong một căn bếp mô hình nhỏ xíu là 3 màn hình nho nhỏ, trong đó chiếu những hình ảnh hoạt hình vẽ theo phong cách hội họa thời kỳ Edo (khoảng năm 1603 - 1868) với nội dung gồm những vấn đề đơn giản của nhà bếp và những vấn đề xã hội nghiêm trọng của Nhật Bản (ví dụ như nạn nhảy lầu tự tử của học sinh trung học) được sắp đặt cạnh nhau một cách tự nhiên.

Nhưng làm người xem trầm trồ nhất là loạt 3 tác phẩm sắp đặt xinh xinh của nghệ sĩ Satoshi Hirose. Đó là một vũ trụ được làm đông cứng bằng nhựa trong, trong đó là các hạt đậu, các hành tinh làm bằng bản đồ vo viên và cả… hạt vàng thật. Đó là một bầu trời đặt lật ngược trong tủ kính, và những vì sao băng tí ti rơi từ trần nhà. Tác phẩm của họa sĩ này mang nhiều tính khái niệm, tuy nhiên vẫn có một vẻ khoáng đạt và đẹp mắt tự do…

Con người Nhật, “tính cách Nhật” hiện ra trong triển lãm vẫn như chúng ta thường biết: tinh tế, trang nhã và chu đáo đến cầu kỳ. Nếu người ta biết văn hóa nghệ thuật Ấn Độ là văn hóa của hai cực đối nghịch “thầy tu và vũ nữ, khổ hạnh và khoái lạc” thì cũng dễ hiểu tại sao với văn hóa Nhật Bản, một dân tộc có thể “sản xuất” ra những điều máy móc, phức tạp nhất lại có một cực đối nghịch làm cán cân cân bằng, đó là phép thiền được đẩy đến tối giản và tĩnh lặng. Tư duy tạo hình của họ rất phong phú, luôn gắn với design công nghiệp, trọng bàn tay thủ công nhưng cũng luôn tận dụng tối đa những kỹ thuật tối tân hiện đại…

Có một sự mặc định không tên, rằng hình như từ vài chục năm nay, cộng đồng nghệ sĩ Việt Nam thường vọng tới những thông tin nghệ thuật của Âu - Mỹ nhiều hơn sự chú ý dành cho thời tiết nghệ thuật châu Á quanh mình. Xem một góc nhỏ của nghệ thuật đương đại Nhật Bản, thấy được sự kiêu hãnh về truyền thống của họ, cái truyền thống vừa là bệ phóng, vừa là năng lượng phát triển của đất nước.

VŨ LÂM


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: