Ashui.com

Tuesday
Apr 23rd
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Quyền uy nghệ thuật châu Á của một phụ nữ Việt

Quyền uy nghệ thuật châu Á của một phụ nữ Việt

Chúng tôi hẹn gặp bà trong một ngày đầu năm 2009, ngay tại tòa soạn của tạp chí Arts Of Asia ở Cửu Long (Hongkong). Bà đón chúng tôi trong bộ trang phục áo dài truyền thống của Viêt Nam, với nụ cười tươi tắn và sự hoạt bát đáng khâm phục của một phụ nữ đã ngoài tuổi “thất thập cổ lai hy”.

Đáng khâm phục hơn khi gần bốn thập kỷ qua, bà giữ cương vị người sáng lập và Tổng Biên tập Arts Of Asia, một tập chí nổi tiếng, quyền uy về nghệ thuật châu Á và đã quá quen thuộc với giới yêu mỹ thuật, đồ cổ trên toàn cầu. Arts Of Asia được lưu hành rộng khắp tại hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới, là nguồn tư liệu chuẩn mực cho các gallery, bảo tàng và các nhà sưu tập nghệ thuật...

Hợp chủng quốc nghệ thuật châu Á

  • Ảnh bên : Bìa cuốn chuyên san tháng 9-10 năm 1971 với chủ đề về tranh sơn mài Việt Nam

Thú thực, vừa bước chân vào tòa báo Arts Of Asia, chúng tôi như lạc vào một viện bảo tàng nho nhỏ với rất nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo của “hợp chủng quốc” châu Á được trưng bày khắp mọi nơi có thể. Góc này là những tác phẩm bằng đồng của Thái Lan, góc kia là các bức tranh thủy mặc Trung Quốc. Và thật xúc động khi quanh phòng làm việc của bà Tuyết Nguyệt là rất nhiều những bức tranh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái. Cạnh bàn làm việc của bà, ở một vị trí rất trang trọng là tấm bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, thông qua Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hongkong và Macau, trao tặng bà trong dịp đầu Xuân 2008, vì những đóng góp to lớn của bà trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. “Ngay sau khi sáng lập Arts of Asia, tôi đã tâm niệm sẽ tìm mọi cách đưa nghệ thuật Việt Nam ra khắp thế giới”, bà tâm sự.

Ấn phẩm đầu tiên mà bà đưa cho chúng tôi xem là tạp chí Arts Of Asia số tháng 9 - 10 năm 1971, năm mà tạp chí này chào đời. Ngay trong những đứa con tinh thần đầu tay đó, bà đã dành cho nghệ thuật nước nhà một vị trí trang trọng với ảnh bìa và những bài viết chuyên đề về tranh sơn mài Việt Nam. Rồi đến số tháng 1-2 năm ngoái là cả một chuyên đề đầy đặn, công phu về Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được giới thiệu kỹ lưỡng, chi tiết và đậm đà như vậy bằng tiếng Anh trên một tạp chí chuyên ngành. Bà cho biết, đến số tháng 9-10 năm nay sẽ lại là một ấn bản đặc biệt về nghệ thuật Việt Nam nữa. Ấy là chưa kể đến những bài viết khảo cứu công phu, sâu sắc về nghệ thuật Việt Nam được đăng rải rác trên các số Arts Of Asia suốt 39 năm qua.

Nặng lòng với đất nước

Bà Tuyết Nguyệt sinh tại Tân An (Long An) năm 1934, trong một gia đình tri thức với cha từng du học tại Pháp và mẹ là giáo viên. Năm 1958, bà tốt nghiệp ngành Báo chí tại trường Mudelein ở Chicago (Mỹ) và trở về Sài Gòn làm việc cho tờ báo tiếng Anh đầu tiên ở miền Nam Việt Nam, tờ The Times of Vietnam. Một năm sau đó, bà kết hôn với ông Stephen Markebreiter, một kiến trúc sư người Anh làm việc tại Hongkong. Từ đó, bà chuyển tới Hongkong sống cùng chồng.

Sang Hongkong, bà tiếp tục đam mê nghề báo, trở thành cộng tác viên tự do cho nhiều ấn phẩm ở Hongkong mà điển hình là từ giữa thập niên 60, bà làm trợ lý biên tập cho tờ Modern Asia. Ấp ủ ý tưởng về tờ Arts Of Asia từ năm 1969, chỉ một năm đó, bà đã triển khai được một bản in thử và đến tháng 1/1971, số tạp chí đầu tiên chính thức ra đời với tiêu chí quảng bá văn hóa, nghệ thuật và lịch sử châu Á ra khắp thế giới.

  • Ảnh bên : Vợ chồng bà Tuyết Nguyệt

Từ đó đến nay, Arts Of Asia đều đặn phát hành 2 tháng một số với tiếng vang ngày một lớn trong giới nghệ thuật. Bà cho biết số lượng phát hành hiện tại đã lên đến 16.000 - 17.000 bản/số, con số rất ấn tượng đối với một tạp chí chuyên ngành. Bà tự hào khi nhiều thư viện mỹ thuật lớn trên thế giới không chỉ đặt thường xuyên mà còn đặt nhiều bản để đưa vào từng khu vực riêng. Năm 2006, tờ South China Morning Post, nhật báo tiếng Anh lớn nhất của Hongkong, đã gọi bà là “người phụ nữ đầy uy lực của nền nghệ thuật châu Á”.

Đã 2 năm rồi vì lý do sức khỏe, tôi chưa trở lại Việt Nam. Nhất định trong năm nay, tôi sẽ về thăm quê hương”, bà cho biết. Và một phần tất yếu trong chuyến đi mà bà dự định vào đầu Hè 2009 là tìm kiếm những họa sĩ Việt Nam có triển vọng để giới thiệu trên Arts Of Asia. Bà nhận xét: “Nghệ thuật Việt Nam, nhất là mỹ thuật và hội họa, xứng đáng có chỗ đứng trang trọng trong khu vực châu Á. Vấn đề là từ trước đến nay, người ta mới chỉ biết đến những tên tuổi quen thuộc. Vì vậy, cần lắm, có nhiều cuộc triển lãm quốc tế về những tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam, cần lắm những hoạt động quảng bá hơn nữa để nghệ thuật Việt Nam có được chỗ đứng xứng tầm”.

Là người sáng lập và Tổng Biên tập Arts Of Asia, không chỉ biết trăn trở, chính bà đã làm công việc đó suốt bao năm qua và vẫn đang tiếp tục trong nỗ lực miệt mài. Ngoài ra, bà còn tích cực thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hongkong trên nhiều lĩnh vực khác như thương mại, đầu tư...

Mãi một tình yêu

Bà dẫn chúng tôi đi khắp tòa soạn, say sưa giới thiệu từng tác phẩm nghệ thuật châu Á được trưng bày, nhiều bức tranh, bức tượng bà sưu tập từ hàng chục năm trước với giá trị lúc này chắc chắn lên đến nhiều con số bằng USD.

  • Ảnh bên : Bà Tuyết Nguyệt tại tòa soạn Arts Of Asia

Nhưng có một khu vực khác mà bà tự hào hơn khi đưa chúng tôi tới tham quan. Đó là thư viện của Arts Of Asia nằm trong cùng một tầng nhà với tòa soạn. Nếu bạn đam mê nghệ thuật, đây chính là thiên đường cho bạn. Vô số tạp chí, catalogue, sách vở chuyên ngành được xếp kín trên giá. Nhiều cuốn rất quý hiếm mà ngay cả các nhà đấu giá lẫy lừng như Sotheby’s hay Christie’s cũng phải đến đây hỏi mượn và tìm đọc. Cần nói thêm rằng chính Arts Of Asia đã góp phần quan trọng trong việc đưa Sotheby’s lẫn Christie’s đến với Hongkong cách đây 2, 3 thập kỷ. Bà cho biết, thư viện này mở cửa tự do cho mọi người quan tâm và thậm chí, bạn còn có thể photo những tài liệu cần thiết miễn phí. Một địa chỉ tuyệt vời cho những sinh viên nghệ thuật ở Hong Kong.

Từ một ý tưởng cho đến khi thành công như ngày nay là chặng đường rất dài với không ít khó khăn mà Arts Of Asia đã vượt qua. Bà Tuyết Nguyệt bộc bạch: “Trở thành một tạp chí chuyên ngành hàng đầu về nghệ thuật và cổ vật châu Á đã khó, giữ được uy tín còn khó hơn”. Bà vẫn trau chuốt từng chi tiết cho mỗi số từ màu sắc của măng-sét cho đến chất liệu giấy để làm sao mỗi bức ảnh chụp, mỗi bài viết và thậm chí mỗi quảng cáo cũng phải mang tính nghệ thuật cao. Tất cả đều được bà thực hiện với tình yêu nghệ thuật châu Á vẹn nguyên như ngày đầu.

Lời cuối

Và bà còn một tình yêu nữa tuyệt vời hơn. Sát cánh cùng bà trong công việc là người chồng Markebreiter. Ông đã tin tưởng và hỗ trợ tài chính cho Arts Of Asia trong suốt 5 năm đầu để tạp chí có thể tồn tại, phát triển. Ông cũng giữ vai trò Phó Tổng biên tập của tạp chí. Thật thú vị và cảm động khi nghe họ vẫn gọi nhau thật êm ái “darling” sau 50 năm gắn bó và đã có với nhau 4 cậu con trai. Chúng tôi đã chụp một bức ảnh họ ngồi bên nhau trìu mến mà phía trên là hai bức tranh rất đặc biệt của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái: Một bức chân dung tự họa và một bức ông vẽ chân dung người vợ của mình. Theo lời bà Tuyết Nguyệt, hai bức tranh này bà được vợ cố họa sĩ Bùi Xuân Phái tặng trong một dịp bà đến thăm gia đình cố họa sĩ. Bà cho biết gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái đã “đề nghị” bà luôn treo bức “vợ” của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái bên cạnh bức chân dung tự họa của ông. Một câu chuyện thật ngọt ngào về tình cảm gia đình. Và câu chuyện của cặp vợ chồng đam mê nghệ thuật Tuyết Nguyệt - Markebreiter cũng không kém phần ngọt ngào như vậy.

Xuân Tuấn - Trung Sơn

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo