Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Cuộc thi và Triển lãm tranh Đồ họa ASEAN 2012

Cuộc thi và Triển lãm tranh Đồ họa ASEAN 2012

Lần đầu tiên, tại Việt Nam, cuộc thi tranh Đồ họa dù diễn ra chỉ hơn hai tháng đã thu hút 245 tác phẩm từ 162 tác giả (đa phần trẻ tuổi) đến từ 9 nước: Brunei, Indonesia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Lào, Malaysia và nước chủ nhà Việt Nam.

Với chất lượng thuyết phục và làm hài lòng giới chuyên môn, Ban tổ chức (BTC) cũng không ngờ về thành công mà cuộc thi đem lại.

1. Khi đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa lúc chiều muộn, theo lời hẹn trước với BTC, vẫn thấy họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cùng hai cán bộ trẻ sắp xếp lại các bức tranh đoạt giải, treo ở tầng một và các bức khác được chọn để triển lãm, trên tầng hai. 

Trước đó hai tuần, tranh của nghệ sĩ các nước đã được vận chuyển về Bảo tàng để đóng khung.


Bức tranh đạt giải nhất của tác giả Aonrudee Porn Chame, 22 tuổi, đến từ Thái Lan với tựa đề "The Movement of Nature 2" (Chuyển động của tự nhiên số 2)

Họa sĩ Vi Kiến Thành tranh thủ vừa làm việc, vừa tiếp chuyện tôi. “Đề án từ lúc được phê duyệt cho đến khi triển lãm, chỉ có hai tháng rưỡi, chúng tôi rất lo lắng vì không biết làm thế nào để kêu gọi được nghệ sĩ từ khu vực tham gia. Thôi thì chỉ mong có 4, 5 nước là thành công rồi. Bởi từ trước đến nay, các cuộc thi mỹ thuật cũng chưa có tiền lệ ở ASEAN. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ là nước đăng cai đầu tiên, rồi sau đó sẽ tổ chức luân phiên ở các nước khác”.

Để có được cuộc thi này, trong khi kinh phí tổ chức eo hẹp, BTC nghĩ đến thi tranh Đồ họa, bởi các thông tin về thể loại tranh Đồ họa trong khối ASEAN rất ít, nghệ sĩ sáng tác tranh Đồ họa không nhiều, chi phí vận chuyển tranh Đồ họa cũng không quá tốn kém.

Một tháng đầu tiên, BTC dành ra để chuyển giấy mời dự thi đến các nghệ sĩ, thông qua các trung tâm văn hóa, Đại sứ quán, thậm chí là qua các mối quan hệ cá nhân giữa nghệ sĩ với nhau.

Đúng một tháng sau, BTC bắt đầu nhận được ảnh tác phẩm mà các nghệ sĩ gửi về.

Để lập Hội đồng thẩm định chấm tác phẩm, chúng tôi mời đích danh các nghệ sĩ uy tín chuyên về thể loại Đồ họa, đã có nhiều đóng góp cho nghệ thuật Việt Nam như các họa sĩ Lê Huy Tiếp, Thành Chương, Ngô Anh Cơ, Nguyễn Đức Hòa, Nguyễn Nghĩa Phương, Vũ Đình Tuấn… Hội đồng ban đầu chấm điểm qua ảnh, sau đó chọn ra những tác phẩm chất lượng cao. Chúng tôi gửi thông báo đến các nghệ sĩ, sau đó, họ gửi tranh, Hội đồng tiếp tục chấm điểm trực tiếp qua tranh. Khi đã chọn các tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng lại tiếp tục chấm để xếp giải. Tổng cộng là ba vòng xem tranh và chấm điểm”, họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ.


Tác phẩm "Tứ Phủ"
của tác giả Phạm Khắc Quang đến từ Việt Nam giành giải nhì

2. Mặc dầu Việt Nam có số lượng tranh đạt nhiều giải bằng Thái Lan, 6 giải (1 giải Nhì, 1 giải Ba và 4 giải Khuyến khích) trên tổng số 17 giải (1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 4 giải Ba và 10 giải Khuyến khích), thế nhưng chất lượng tranh vẫn thuộc về các nghệ sĩ trẻ Thái Lan với 1 giải Nhất (tác phẩm The Movement of Nature 2 của Aonrudee Porn Chame), 1 giải Nhì, 2 giải Ba, và 2 giải khuyến khích.

Đưa tôi qua từng bức tranh, họa sĩ Vi Kiến Thành giảng giải tỉ mỉ để tôi hiểu hơn về tranh Đồ họa, một thể loại mà bản thân tôi ít khi được tiếp cận. Dừng lại lâu hơn ở một tác phẩm sáng tác theo kỹ thuật trổ giấy và đan hết sức công phu, tỉ mỉ, ông nói: “Qua cuộc thi và triển lãm này mới hay, các nghệ sĩ ở nước bạn sử dụng nhiều kỹ thuật đồ họa phong phú hơn Việt Nam: khắc gỗ phá mảng, in lito, đồ họa vẽ tay, in cảm quang (sử dụng ánh sáng), in trên đá, trên toan, trên lụa, trên vải và cả trên vỏ cây. Bên cạnh đó, về chủ đề, họ cũng phóng khoáng, thoải mái hơn, tạo nên được nhiều chiều cảm nhận”.

Nếu như tranh Đồ họa ở Việt Nam cần khúc triết, mạch lạc về mặt đường nét, mảng miếng tạo hình, giải quyết không gian mang tính ước lệ thì nghệ sĩ nước bạn diễn tả được nhiều thứ rất chi tiết mà vẫn giải quyết về mặt không gian rất hiệu quả, bên cạnh sắc thái sáng tối đậm nhạt vẫn biểu đạt tốt. Trong tranh, các vấn đề mà nghệ sĩ của nước bạn nêu ra rất giản dị, gần gũi và đi được vào chiều sâu cảm nhận của người xem.

Với cuộc thi và triển lãm này, BTC mong muốn họa sĩ Việt Nam cũng như công chúng Việt Nam hiểu hơn về ngôn ngữ tạo hình, kỹ thuật, nội dung… qua các tác phẩm, đồng thời cũng hiểu hơn nền nghệ thuật của các nước bạn phát triển đến đâu và nghệ sĩ Việt Nam hiểu mình đang đứng ở vị trí nào trong khối ASEAN.


Tác phẩm "Khu bờ sông" của tác giả Dumab Mahar đến từ Brunei


Tác giả Thandam Boe đến từ Myanmar với tác phẩm "Trong giấc mơ của tôi"  


Tác giả Lwin Tint Shein đến từ Myanmar với tác phẩm "Hoàng hôn trên núi"


Tác giả Pany Somevichit đến từ Lào với tác phẩm "Luang Prabang cổ kính"

Triển lãm khai mạc ngày 06/8 và kéo dài đến 16/8/2012 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Việt Quỳnh - ảnh: Kim Dung/VOV

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo