Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo Soho - cái nôi của không gian phá cách

Soho - cái nôi của không gian phá cách

Một trong những chiếc nôi đầu tiên của dạng không gian này là nước Mỹ, cụ thể là tại khu Soho, New York, ở những thập kỷ 1970. 

Có hai nguyên nhân cho sự hấp dẫn của khu Soho đối với các nghệ sĩ Mỹ thời điểm đó. Lý do thứ nhất, có tính khách quan, là vì tình trạng giá cả đắt đỏ tại New York, cũng như do tính chất phân cấp nặng nề của hệ thống gallery, bảo tàng nghệ thuật tại New York đã khiến các nghệ sĩ phải tự tìm đến các không gian ít tốn kém hơn để làm việc. Khu Soho ở thời điểm dó, đang bị đưa vào chương trình tái quy hoạch đô thị và do đó trở nên một khu vực có nhiều nhà máy, kho hàng, hay tòa nhà bỏ trống.  


Không gian phá cách 112/Greene Street/Workshop 

Song các lý do chủ quan mới là điều quan trọng, là nguyên nhân tạo ra cả một hệ tiêu chuẩn mới cho các dạng thực hành và trưng bày nghệ thuật mới. Một trong số các lý do chủ quan ở đây chính là việc các nghệ sĩ New York, vào thời điểm ấy, bắt đầu tìm cách phản kháng lại hệ phân cấp và tính thương mại của thế giới nghệ thuật New York. Hoạt động phản kháng này lên tới đỉnh điểm qua cuộc biểu tình của các nghệ sĩ New York do “Hội Liên hiệp các công nhân nghệ thuật” (Art Workers Coalition) đứng ra tổ chức chống lại bảo tàng nghệ thuật hiện đại (Museum Of Modern Art), Bảo tàng Guggenheim và Bảo tàng Whitney cho nghệ thuật Mỹ (Whitney Museum For American Art). Các nghệ sĩ nổi tiếng ở thời điểm đó như Robert Morris, Carl Andre, Hans Haacke, và các phê bình gia như Lucy Lippard, và Willoughby Sharp đều tham gia vào cuộc biểu tình này. 

Từ đó, các nghệ sĩ New York quyết tìm tới một mô hình làm nghệ thuật kiểu khác, mà ở đó, sự sáng tạo, sự bất ngờ, tính tiền phong do không còn bị chi phối bởi các sức ép thương mại và thành công, sẽ được tôn vinh. Và cũng ngay lúc đó, chính mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống, giữa tác phẩm và công chúng cũng đã thay đổi.

Về mặt hình thức, các không gian gọi là phá cách ban đầu ở khu Soho này, thường là những không gian bỏ trống không người, trong các xưởng máy đã không còn hoạt động, hay trong các nhà kho bán sỉ, nay cũng đã bỏ trống. Việc sử dụng các không gian bỏ hoang chính là một đặc tính quan trọng của không gian phá cách thời kỳ đầu. Ở chiều ngược lại, chính các không gian kiểu này cũng đã giải phóng cho nghệ sĩ khỏi các lối kiểu thưởng lãm mòn nhàm của nghệ thuật kiểu cũ, cũng như dần dần tạo nên một kiểu cộng đồng nghệ sĩ dạng đồng hội đồng thuyền, là chiếc nôi cho những thực hành/hành vi nghệ thuật phá cách.


Nghệ sĩ Gordon Matta-Clark trong không gian phá cách “ Thức ăn” ( Food) của ông tại khu Soho vào năm 1971. Food là một không gian mở, chuyên sử dụng các gia vị lạ miệng, và biến các bữa tối thành các buổi gặp gỡ giữa các nghệ sĩ. 

*Lưu ý: Alternative, hiểu theo nghĩa thông thường, là tính từ chỉ sự “khác đi” với cái có trước, có thể hiểu là “một sự biến đổi” từ cái có trước. Ở đây tôi chọn phương án dịch “alternative space” là “không gian phá cách”, chứ không phải “không gian biến cách”, hay “không gian khác” là bởi có tính đếm tới cả nguồn gốc và lịch sử hình thành của dạng không gian đó, trong phạm vi nghệ thuật và nghệ thuật đương đại, tức một nguồn gốc và lịch sử hình thành bắt nguồn từ nhu cầu phản kháng của các nghệ sĩ. Phá cách ở đây nên được hiểu vừa là một sự “cải biến, biến đổi, cải cách”, vừa là một sự “THAY đổi”, “thay thế”. 

Một trong số các không gian phá cách đầu tiên được khai mạc vào tháng 10 năm 1970 là 112/Greene Street/Workshop, tên gọi cũng chính là địa chỉ thực của nó. Không gian triển lãm và làm việc chung nằm ở tầng hầm của tòa nhà do nghệ sĩ làm chủ. Vào cuối thập kỷ 1970, không gian này đã được đổi tên thành White Columns (Những cột trắng). 

Về mặt thuật ngữ, bản thân khái niệm “alternative space” cũng là một khái niệm mới chỉ được dùng lần đầu tiên vào thập kỷ 1970, do nghệ sĩ vị niệm Brian O’doherty chế ra. Lúc ấy, Brian là Trưởng ban Nghệ thuật thị giác của Quỹ Trợ cấp Quốc gia cho nghệ thuật (National Endowment For The Arts). Chính Brian O’doherty đã tạo ra một ngân khoản tài trợ đặc biệt cho các “Không gian và xưởng làm việc phá cách” vào năm 1972. Từ đó, thuật ngữ “Không gian phá cách” đã được đưa vào sử dụng thường xuyên trong không gian truyền thông, ví dụ như nhan đề một tiểu luận trong tạp chí Nghệ thuật Mỹ (Art In America) vào năm 1973 là “Không gian phá cách kiểu Soho” (Alternative Spaces - Soho Style). Định nghĩa chính thức về không gian phá cách đầu tiên, có lẽ là của phê bình gia nghệ thuật Anh đưa ra vào cuối thập kỷ 1970: “Không gian phá cách là một thuật ngữ chung, tham chiếu tới vô số phương cách trưng bày ở ngoài các gallery thương mại và các bảo tàng theo quy chuẩn. Nó bao gồm việc sử dụng xưởng vẽ như không gian triển lãm, các cách sử dụng các tòa nhà theo kiểu tạm thời để trưng bày các tác phẩm được làm tại chính không gian cụ thể đó, và các sự cộng tác của nghệ sĩ, hoặc là cho mục đích tổ chức một triển lãm, hoặc cho mục đích điều hành một gallery trong một thời gian dài…”.  

Nhìn từ góc độ hình thức nghệ thuật, bản thân tính cơ động, và môi trường không gian kiểu mới của các dạng không gian phá cách, đối lập với các không gian nghệ thuật quy chuẩn (thường được gọi là các hình hộp trắng) thực sự đã trở nên một địa bàn mới, chứa đầy các cơ hội và thách thức mới cho các nghệ sĩ. Alain Kaprow, một trong những cha đẻ của nghệ thuật trình diễn, từng viết “... xu hướng đầy hứa hẹn cho các tác phẩm môi trường (“environments” - cái tên đầu tiên của nghệ thuật sắp đặt) chính là đưa nó vào các không gian của đời thường, ít tính trừu tượng, ít giống những cái hộp, tức là đưa nó ra ngoài phố, ra các ngã tư, vào trong các xưởng may hay bờ biển... Hình thức của chính các không gian này có thể gợi ra ý tưởng mới về tác phẩm nghệ thuật - như một không gian tương tác qua lại giữa nghệ sĩ và thế giới thực”. 

Dạng nghệ thuật và các hành vi nghệ thuật được diễn ra tại các không gian phá cách thời đó, như được nghệ sĩ Tina Girouard mô tả, đều “không thể định nghĩa, và không thể mua bán”. 

Không chỉ tạo ra các cách làm nghệ thuật mới, không gian phá cách còn từ bỏ luôn các tiêu chuẩn trưng bày nghệ thuật do các gallery và bảo tàng thiết lập nên từ trước đến nay. Thậm chí bản thân các thuật ngữ nói về việc triển lãm, do sự ra đời của các không gian phá cách, nay đã thay đổi. Thay vì dùng chữ “triển lãm” (exhibitions), các không gian phá cách dùng chữ “buổi trình bày” (shows) hay “buổi làm việc chung” (workshops). Ở đây, “exhibition” và “show” hay “workshop” không chỉ là các thuật ngữ để nói về sự trình bày tác phẩm. Sâu xa hơn, chúng là các thực hành khác nhau nằm trong các quy chuẩn khác nhau về trưng bày nghệ thuật. Khi nói “exhibition”, đó là khi ta tuân theo cách hiểu truyền thống về một cuộc trưng bày nghệ thuật, mà trong đó mối quan hệ giữa tác phẩm và người xem là tĩnh, một chiều; trái lại khi nói “show” hay “workshop” là khi ta mặc định hiểu rằng ở đó, mối quan hệ giữa nghệ sĩ, nghệ phẩm và công chúng là đa chiều, và động. Trái với khi tham dự “exhibition”, khi được mời tham dự “show” hay “workshop”, công chúng sẽ mặc định hiểu rằng mình sẽ được mời gọi tham dự tích cực hơn vào không gian trưng bày, tạo ra sự tương tác và đối thoại với chính nghệ sĩ hay tác phẩm trong đó.

Có thể nói, chính sự thay đổi trong không chỉ cách thực hành nghệ thuật, mà cả mối quan hệ giữa nghệ thuật và công chúng, nghệ thuật và không gian trưng bày nó, nghệ thuật và nghệ sĩ này, đã tạo đà cho việc mở ra cả một kỷ nguyên mới cho nghệ thuật Mỹ, tức một kỷ nguyên sáng chói với các dạng thực hành nghệ thuật mới mẻ như trình diễn, sắp đặt hay nghệ thuật video, cũng như với các tên tuổi nghệ sĩ quan trọng không chỉ đóng góp, mà thậm chí còn phần nào tạo nên khuôn mặt nghệ thuật đương đại thế giới như ngày hôm nay. 

Nghệ thuật từ những... ngôi nhà hoang 

Một quán cà phê nhỏ, một không gian nhà riêng trong hẻm hóc… có thể trở thành nơi tổ chức triển lãm, nơi trình diễn tác phẩm. Những Nhà sàn, Manzi ở Hà Nội, Himoko, Sàn Art, Khoan cắt bê tông, Ga 0 ở TP.HCM… đã và đang hình thành các “không gian nghệ thuật mới” ở Việt Nam, bên cạnh những không gian nghệ thuật truyền thống là các bảo tàng, phòng tranh, nhà hát. Tuy nhiên, sự tồn tại và phát triển của những không gian nghệ thuật mới này theo hướng những không gian nghệ thuật chuyên nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nghệ thuật mới vẫn còn là những dấu hỏi. 

Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết, cần phải nhìn thấy sự hình thành của các không gian nghệ thuật mới (hay không gian nghệ thuật phá cách-alternative space) là một xu hướng tất yếu của nghệ thuật đương đại từ những thập niên cuối của thế kỷ 20. 

Nguyễn Như Huy - Giám đốc không gian phá cách Ga 0, Nghệ sĩ thị giác, giám tuyển độc lập  
(Theo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo