Nghệ sĩ Vincent J.F Huang: Sắp đặt về một quốc đảo sắp chìm!

Thứ ba, 11 Tháng 6 2013 10:36 TT&VH Thiết kế / Sáng tạo
In

Nghệ sĩ sắp đặt nổi tiếng châu Á Vincent J.F Huang đã có hơn 10 năm theo đuổi những tác phẩm nghệ thuật đương đại mang thông điệp môi trường mạnh mẽ. 

Trong nhiều năm qua, ông luôn tích cực tham dự các hội nghị quốc tế về chủ đề môi trường-biến đổi khí hậu toàn cầu.  

Duyên phận với đảo quốc nhỏ bé Tuvalu 

Năm nay, tại triển lãm Nghệ thuật Quốc tế lần thứ 55 ở Venice, Italia, nghệ sĩ người Hoa Vincent J.F Huang đã đưa ra thông điệp môi trường chấn động thế giới bằng tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ở đầm phá Venice để thể hiện hình ảnh đảo quốc nhỏ bé Tuvalu đang bị nước biển dâng nhấn chìm dần vì hậu quả của biến đổi khí hậu. 


Tác phẩm sắp đặt về đảo Tuvalu của nghệ sĩ Vincent J.F Huang 

Lần đầu tiên có mặt tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu năm 2009 tại thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) ông Huang mới biết đến đất nước Tuvalu, một đảo quốc nhỏ bé nằm ở giữa vùng biển Nam Thái Bình Dương. 

Nghệ sĩ Huang bồi hồi nhớ lại “Đại biểu đến từ Tuvalu đã có bài phát biểu rất xúc động. Khi kết thúc bài phát biểu vị đại biểu ấy đã khóc. Câu chuyện kể về đất nước của ông ấy đã thu hút sự chú ý của tôi và tôi quyết định tìm hiểu quốc đảo này”.

Có diện tích nhỏ nhất và nghèo nhất thuộc khối các quốc gia Thịnh vượng chung, đảo quốc nhỏ xinh này chỉ có 12 ngàn cư dân, Tuvalu nằm giữa Australia và Hawail (Mỹ) trên Thái Bình Dương, được xác định là quốc gia đầu tiên sẽ bị nước biển dâng nhấn chìm do hậu quả của biến đổi khí hậu.

Kể từ năm 2009, nghệ sĩ Huang đã có một số dự án gây thu hút dư luận quốc tế về tình thế đang dần chìm vào tuyệt vọng của Tuvalu.

Nghệ sĩ Huang từng viếng thăm Tuvalu 2 lần, ông đã tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật khác nhau ở đây. Năm ngoái, ông đã giúp đất nước này giành được sự quan tâm của cộng đồng toàn thế giới tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu tại thủ đô Doha (Qatar) thông qua Dự án nghệ thuật “các đại biểu động vật” của ông gồm: chim cánh cụt, gấu Bắc Cực và rùa biển Tuvalu.

Nghệ sĩ Huang giải thích thêm về mối quan hệ gần gũi nhau giữa thành phố Venice (Ý) với quốc đảo Tuvalu tuy cách xa nhau cả đại trùng dương nhưng đang cùng nhau hứng chịu thảm kịch bị nước biển nhấn chìm dần. “Venice cũng là một thành phố đang chìm, thành phố này làm cho không gian Tuvalu hiện diện trong tư thế quan trọng. Nó không những là vấn đề của một hòn đảo nhỏ bé xa xôi, mà còn là vấn đề ở đây”.

Tác phẩm với thông điệp mạnh mẽ 

Tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của nghệ sĩ Huang thực hiện năm nay có tên gọi: Nhân danh Khai sáng nền Văn minh, đó là một chiếc máy bơm dầu khổng lồ gắn với một máy bơm xăng nằm bên dưới biến thành một cỗ máy sát sinh. Một “cụ” rùa biển gò lưng cõng chiếc máy bơm dầu thể hiện hình ảnh một chiếc máy chém.

Để chạm vào tác phẩm sắp đặt, khách tham dự triển lãm phải bước trên một tấm thảm cao su mô phỏng hình mai rùa biển Tuvalu, những dấu giày sẽ in hẳn trên mai rùa, bên dưới tấm thảm có gắn một thiết bị âm thanh đặc biệt sẽ phát ra tiếng kêu diễn tả sự đau đớn trong tuyệt vọng của những con rùa vô tội mỗi khi chúng bị giày xéo.

Khách tham quan triển lãm được mời để khởi động máy bơm xăng dầu, nếu họ muốn đổ đầy nhiên liệu cho xe của họ. Khi họ làm như vậy, chiếc bơm dầu hoạt động tác động lực lên chiếc máy chém dần dần hạ xuống chặt đứt đầu “cụ” rùa và lưỡi dao chết chóc đó bập xuống mặt đất dính đầy máu.

Đây là một ẩn dụ nghệ thuật sâu xa - một bản luận tội đầu tiên dành cho thế giới tư bản, đồng hồ gắn trên máy bơm minh họa cho sự tăng lên của mực nước biển khi chúng ta ngày càng tiêu thụ nhiều hơn các nguồn tài nguyên của thế giới.

Thiên nhiên sắp nuốt gọn nền văn minh nhân loại 

Tuvalu là một đảo quốc thuộc vùng phía Nam Thái Bình Dương, nằm giữa Hawaii và Australia, chỉ rộng khoảng 26 km², đứng hàng thứ tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ nhỏ nhất thế giới, sau Vatican - 0.44 km²; công quốc Monaco - 1.95 km² và Nauru - 21 km².  

(Wikipedia) 

Các tác phẩm trình diễn khác của Huang gồm: Tình thế tiến thoái lưỡng nan của kẻ có tội được thể hiện bằng một bức tượng Nữ thần Tự do chống tay và quỳ sụp xuống đất. Nữ thần cầu xin sự tha thứ của những con chim cánh cụt được làm bằng đất nung biểu hiện cho vật hiến tế đang đứng xung quanh bà.

“Mỹ luôn luôn muốn là nhà lãnh đạo thế giới mọi thứ, ngoại trừ việc giải quyết khủng hoảng biến đổi khí hậu” - nghệ sĩ Huang tỏ ý phê phán thái độ bàng quan, vô trách nhiệm của Mỹ đối với vấn đề ô nhiễm môi trường toàn cầu.

Một dự án nghệ thuật tiêu biểu khác của Huang đáng nhắc đến là: dự án Atlantic Hiện đại là một bể nuôi sinh vật thủy sinh gồm các mô hình: Đài Bắc 101, tháp đồng hồ Big Ben (ở London, Anh) và các biểu tượng mang tính biểu hiện lịch sử, chẳng hạn, thần Nike -vị thần chiến thắng của người Hy Lạp và tượng nghệ sĩ điêu khắc David Michelangelo. Tất cả những mô hình, biểu tượng này đều nằm dưới nước cùng cây cỏ mọc um tùm - một sự ví von khéo léo, ám chỉ các nhà máy, xí nghiệp đang từng ngày đua nhau mọc lên trong thời đại công nghiệp - những con cá bơi qua, bơi lại giữa lùm cây. Đó là một phép ẩn dụ hoàn hảo: Thiên nhiên sẽ bắt đầu ăn lại và nuốt gọn nền văn minh nhân loại.”

Phạm Trúc (lược dịch) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: