"Ngôi làng tự chống đỡ với thiên tai"

Thứ năm, 07 Tháng 4 2011 22:57 Người Đô thị
In

Cuộc thi kiến trúc quốc tế "Thiết kế chống lại những ảnh hưởng của thiên tai" - DAtE (Design Against the Elements) là cuộc thi được quảng bá rộng rãi nhằm mục đích tìm ra những giải pháp chống lại ảnh hưởng của việc thay đổi khí hậu gây ra. Cuộc thi kêu gọi những người làm trong ngành kiến trúc, quy hoạch đô thị đóng góp tâm sức để phát triển nhà ở bền vững chống lại thiên tai cho cộng đồng các đô thị vùng nhiệt đới.

Năm 2010, cuộc thi được khởi động từ ngày 05/3 và đã thu hút được 400 bài dự thi từ khắp các châu lục. Trải qua các vòng loại ngặt nghèo, Ban Giám khảo đã chọn ra 4 bài thi xuất sắc nhất của sinh viên. Việt Nam vinh dự đạt giải Nhất thuộc nhóm sinh viên với các gương mặt: Đào Thanh Hải lớp 07K1, Nguyễn Ngọc Anh lớp 07K3 - Đại học Kiến trúc Hà Nội và Nguyễn Hà Thắng lớp 507 - Đại học Phương Đông với tên đề tài “Ngôi làng tự chống đỡ với thiên tai”. Đề tài do TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên - Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội hướng dẫn.

Thân thiện với môi trường

Phóng viên: Chúc mừng các bạn về kết quả ấn tượng!

Trưởng nhóm Đào Thanh Hải: Kết quả đến với chúng tôi đến thật bất ngờ nên ai cũng vui sướng âm ỉ. Đến tận tháng 9/2010, chúng tôi mới biết đến cuộc thi qua mạng nên chỉ có 2 tháng để hoàn thiện và gửi phương án về Ban tổ chức. Đến với cuộc thi trước hết là sự hứng thú và sau nữa bởi vì chủ đề lần này rất phù hợp với hiện trạng thiên tai, lũ lụt tại Việt Nam vì điều kiện quan trọng mà cuộc thi đặt ra phương án thiết kế có thể áp dụng cho nhiều khu vực tương tự, chứ không chỉ tại Philippines.

Tại sao đó là ý tưởng “Ngôi làng tự chống đỡ với thiên tai”?

- Sau khi nhóm lại, chúng tôi đã mời TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên, giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, hướng dẫn. Cô Hạnh Nguyên thường xuyên đặt ra những câu hỏi cho nhóm, ví dụ như: Làm thế nào để người dân ở trong những ngôi nhà này thực sự an toàn ngay cả khi không được báo trước về thiên tai? Thiên tai có thể ập đến bất cứ lúc nào. Vậy làm thế nào để ngôi nhà có thể tự động cứu người và ngôi làng cũng tự nó cứu lấy nó trước?... Chúng tôi phải luôn cố gắng tìm ra câu trả lời, nắm bắt được bản chất để trả lời những câu hỏi đó. Và trong quá trình làm việc, ý tưởng cũng như tên gọi “Ngôi làng tự chống đỡ trong bão lũ” đã ra đời.



Các bạn có thể giới thiệu những nét chính trong thiết kế của “Ngôi làng tự chống đỡ với thiên tai”?

- Trên thế giới đã có nhiều quốc gia sử dụng nhà ở cho vùng lũ nhưng thường là những ngôi nhà nổi không có sự cố định bởi khi nước rút xuống nhà sẽ có sự xê dịch so với vị trí ban đầu. Trong thiết kế của mình, chúng tôi rất chú trọng đến việc dân cư khu vực lũ có được sự ổn định sinh hoạt trước và sau lũ. Do địa hình khu đất đã cho cao thấp khác nhau, sâu lõm ở giữa nên quy hoạch ngôi làng tạo thành hai “Đảo tự nhiên”, kết nối với nhau bằng cầu đi bộ, không gian xanh, không gian sinh hoạt chung và các nhóm nhà có thể giúp đỡ nhau khi có thiên tai. Phương án sử dụng dạng nhà chống cột, có độ cao cố định tạo sự linh hoạt khi con nước lên xuống ngôi nhà như một chiếc piston (cố định vị trí, tự nổi và trượt tầng) với hai lớp kết cấu: lớp vỏ để chống bão và lớp lõi để nổi khi có lũ lụt. Lớp vỏ dùng hệ khung ecobeam và bao cát ecobag. Đây là vật liệu sinh thái, thân thiện môi trường đã được ứng dụng thành công ở châu Phi. Nó có khả năng chống gió, chống nước, bền vững, giá cả hợp lý và người dân hoàn toàn có thể tự xây dựng. Lớp lõi sử dụng khung gỗ, bề mặt tre nứa dễ nổi và dễ dàng loại nguyên liệu này ngay tại địa phương. Bề mặt nổi sẽ tận dụng đưa vào sử dụng hệ thống thùng phuy nhựa tái chế, có những con kê ở góc nên khi nước lên dàn thùng phuy sẽ tự động đẩy lõi nhà trong nâng lên. Người dân hoàn toàn có thể tự xây dựng những ngôi nhà với chi phí sẽ rất phù hợp với người lao động có thu nhập thấp, người nghèo.



Yêu cầu của cuộc thi là phương án được thiết kế cụ thể cho một khu đất có sẵn, rộng khoảng 3ha ở Philippines. Vậy nếu áp dụng cho điều kiện tại Việt Nam thì như thế nào?

Người dân hoàn toàn có thể tự xây dựng những ngôi nhà của mình với chi phí phù hợp với người lao động có thu nhập thấp, người nghèo. 

- Rõ ràng điều kiện địa hình, dân cư, quy luật dòng nước… ở mỗi đất nước có những điểm khác nhau nhưng tiêu chí cuộc thi là đưa ra thiết kế áp dụng được cho những khu vực tương tự nên phương án này hoàn toàn khả thi khi áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế chính là thiết kế này mới chỉ áp dụng được cho lũ vùng đồng bằng, chứ chưa áp dụng được vào lũ ống, lũ quét vùng núi cao. Sau khi trình bày phương án tại Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chúng tôi nhận được rất nhiều lời nhận xét, góp ý và lời khuyên của thầy cô nên tham dự một cuộc thi tương tự trong nước để cải thiện, đổi mới để đưa ra một sản phẩm thực sự phát huy triệt để hiệu quả tại vùng bão lũ của Việt Nam. Chúng tôi đang gấp rút hoàn thành phướng án thiết kế mới cho cuộc thi mới do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức với tiêu đề “Nhà ở nông thôn vùng bão lũ”. Đây sẽ là ngôi nhà mà nhìn vào rõ ràng mang đậm nét Việt Nam truyền thống chứ không bê tông, hình khối như thiết kế ngôi nhà đem dự thi tại Philippines.


Từ phải sang trái: Đào Thanh Hải, Nguyễn Hà Thắng, Nguyễn Ngọc Anh

Trải nghiệm thú vị

Các bạn có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ khi thực hiện thiết kế này?

Trong một cuộc thi quốc tế như thế này, ý tưởng là yếu tố quan trọng nhất. Bắt đầu từ những ý tưởng đơn lẻ của các bạn, tôi nhận thấy mỗi phương án đều những là những ý tưởng khá tốt nhưng cần có sự thống nhất, đi sát với mục tiêu và yêu cầu của cuộc thi. Trong quá trình nghĩ ý tưởng, tôi cũng đã cho sinh viên tập làm quen với những bài toán sáng tạo trong kỹ thuật (hay còn gọi là thuật sáng tạo) mà trước đây tôi đã có điều kiện được học để cho ra đời sản phẩm thiết kế cuối cùng có tên gọi. Tên cuối cùng của ngôi làng đã nêu được ý tưởng sáng tạo này. Dù thời gian gấp rút, bận rộn nhưng các bạn đều say mê, quyết tâm đi đến đích.

TS.KTS Nguyên Hạnh Nguyên, giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. 

- Chúng tôi học khác trường, khác lớp nhau nên cũng phải sắp xếp, bố trí thời gian làm việc nên phải “hi sinh” thú vui, gặp gỡ bạn bè rồi cả trốn việc làm thêm nhiều lắm Có lúc hai tuần liền, chúng tôi không tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài, chỉ loay hoay với bản vẽ, thiết kế, mô hình. Rồi hôm mang bài đi nộp thì phát hiện ra lỗi nên phải sửa rất gấp. Mất 3 giờ để sửa, in rồi mang gửi. Nộp bài được xong, đứa nào đứa nấy đều sung sướng chứ lúc đó cũng không cần biết có được giải thưởng hay không. Cả nhóm chúng tôi cũng phải cảm ơn cô giáo đã chỉ dẫn nhiệt tình, luôn lắng nghe và chỉ bảo tận tình để chúng em hoàn thành thiết kế đúng theo kế hoạch.

Các bạn nhận xét thế nào về các bài thi của sinh viên các nước tới tham dự?

- Bài thi của các bạn sinh viên quốc tế như Áo, Đức, Mỹ… thể hiện sự chuyên nghiệp rất cao, cụ thể đến từng chi tiết. Chúng tôi giành chiến thắng chính bởi ý tưởng sáng tạo, táo bạo của mình và sự ứng dụng linh hoạt, cơ động của sản phẩm trong các khu vực tương tự. Vì thế nên cuộc thi chính là cơ hội để chúng tôi cọ xát, học hỏi và tiếp nhận những kiến thức bổ ích từ bạn bè, kiến trúc sư, thầy cô đến trên thế giới.

Đến với sân chơi sáng tạo và bất ngờ đoạt giải thưởng lớn. Đó có phải là cột mốc quan trọng khi chỉ còn hơn một năm nữa, các bạn sẽ rời ghế giảng đường?

- Đối với mỗi cuộc thi thiết kế kiến trúc và kiến trúc sư thì mong muốn lớn nhất là từ bản vẽ trở thành hiện thực. Bởi những tấm bằng khen hay huy chương chỉ là những kỷ niệm. Câu trả lời lớn nhất phải là sản phẩm và phát huy nó phục vụ cuộc sống dân sinh. Cuộc thi như là một sự trải nghiệm thú vị giúp mỗi người thêm tự tin gắn bó về nghề nghiệp mình đam mê và kiên trì đi theo con đường đã chọn.

Những kinh nghiệm khi đi làm, những bài học từ cuộc thi sẽ giúp chúng tôi trưởng thành trên cuộc đời làm nghề còn dài của mình. Đó là điều quan trọng nhất.

Ra đời từ năm 1976, DAtE (Design Against the Elements - Thiết kế chống lại những ảnh hưởng của thiên tai) tổ chức thường niên hàng năm nhằm mục đích tìm ra những giải pháp chống lại ảnh hưởng của của việc thay đổi khí hậu gây ra. Cuộc thi kêu gọi những người làm trong ngành kiến trúc, quy hoạch đô thị đóng góp tâm sức để phát triển nhà ở bền vững chống lại thiên tai cho cộng đồng các đô thị vùng nhiệt đới. Tháng 3-2010, cuộc thi tổ chức tại Philippines đã thu hút 400 bài dự thi đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong phần thi dành cho sinh viên, nhóm các bạn trẻ Việt Nam đã vinh dự đạt giải nhất. 

Cát Tường (thực hiện) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: