Vấn đề đào tạo kiến trúc sư (quy hoạch) chất lượng cao

Thứ năm, 17 Tháng 11 2011 17:28 Ashui.com
In

Trước hết, cần nhìn nhận vai trò của trường đại học không chỉ là đào tạo nghề (đào tạo những người ra trường biết hành nghề, giải quyết một số yêu cầu nào đó của xã hội đương thời) mà còn cần tổ chức nghiên cứu, phát triển các vấn đề lý thuyết giúp định hướng cho xã hội.

Ví dụ như, trong lĩnh vực kiến trúc – quy hoạch đô thị, trường đại học không đào tạo cho sinh viên chỉ biết tuân thủ và làm theo các quy định hiện hành về quy hoạch đô thị (vốn dĩ có thể luôn thay đổi) để khi ra trường có thể hành nghề, mà trường cần đào tạo ra các nhà quy hoạch có khả năng phân tích, nhận biết vấn đề cần giải quyết (trong đó có những vấn đề được quy định bởi các văn bản pháp quy hiện hành). Và đặc biệt quan trọng, trường đại học cần tổ chức nghiên cứu và cần đào tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp tục nghiên cứu, phát triển các vấn đề lý thuyết để giúp định hướng cho xã hội, trong đó, bao gồm cả việc giúp nhà nước thay đổi các quy định pháp luật không còn phù hợp. Vai trò của trường đại học khác căn bản với trường dạy nghề ở điểm này.

Có lẽ do bản thân các tổ chức đào tạo kiến trúc sư hiện nay cũng nhận thấy chất lượng hạn chế của các khóa đào tạo hiện có, nên đã có những nỗ lực thành lập những khóa học riêng, với những điều kiện đặc biệt hơn để có thể đào tạo được những kiến trúc sư ra trường với trình độ cao hơn, làm hạt nhân cho lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch ở Việt Nam. 

Ở Việt Nam, khá phổ biến khái niệm kiến trúc sư quy hoạch, tuy nhiên, ở đa số các trường đại học trên thế giới, quy hoạch đô thị được nhấn mạnh là một lĩnh vực đa ngành, thường được dạy ở các trường đại học tổng hợp và thường được dạy ở bậc cao học. Trong quy hoạch đô thị, lĩnh vực thiết kế đô thị (hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả quy hoạch không gian và sử dụng đất đô thị và vùng) là lĩnh vực gần gũi hơn cả với hoạt động của các kiến trúc sư, tuy nhiên, thiết kế đô thị không phải là hoạt động kiến trúc đơn thuần mà là những hoạt động thiết kế dựa trên những phân tích đa ngành, đa lĩnh vực, trong vai trò là người trung gian kết nối các vấn đề đô thị, tạo ra các công cụ để thương lượng giữa các nhóm đối tượng trong xã hội và đi đến một tầm nhìn chung, những khung cấu trúc không gian (chỉ dừng ở mức khung, không phủ kín không gian quy hoạch bằng các chỉ định cứng nhắc), cũng như những hành động chiến lược trong quá trình phát triển đô thị (chỉ là những hành động/dự án thiết yếu nhất giúp định hướng rất nhiều dự án/hoạt động đô thị khác đi theo tầm nhìn chung đã thống nhất). Quy hoạch đô thị cần được hiểu là quy hoạch một quá trình (phát triển đô thị), trong đó có thể có những hành động khác nhau, những vấn đề khác nhau xảy ra tại những thời điểm khác nhau, trên cùng một khu đất, chứ không phải là quy hoạch một bức tranh cuối cùng gắn với một thời điểm nào đó trong tương lai và buộc mọi động thái xã hội phải gắn chặt với hình ảnh “lý tưởng” đó.  Bản thân quy hoạch đô thị cũng cần được hiểu là một quá trình, không dừng lại ở việc phê duyệt đồ án quy hoạch mà còn tiếp tục trong suốt quá trình tương tác giữa các đối tượng trong xã hội và đưa ra các quyết định liên quan đến đô thị, trong đó, đồ án quy hoạch chỉ mang ý nghĩa là khung nguyên tắc hành động. Quan điểm này khác rất xa với cách làm quy hoạch tổng thể hiện nay ở Việt Nam.

Nếu không nhìn nhận được sự thất bại của phương pháp quy hoạch tổng thể trong thực tế phát triển đô thị Việt Nam cũng như trên thế giới, và thay đổi phương pháp quy hoạch tổng thể bằng phương pháp quy hoạch khác – phù hợp hơn với nhu cầu của xã hội – ví dụ như nêu trên là phương pháp “quy hoạch cấu trúc chiến lược” và vận dụng những phương pháp mới này trong mối quan hệ tương tác hai chiều với xã hội Việt Nam, thì sẽ không thể đặt vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo quy hoạch được.


Trường đại học Xây dựng - một trong những "cái nôi" đào tạo kiến trúc sư của Việt Nam   

Để bàn xem làm thế nào để các nhà quy hoạch Việt Nam, các khóa đào tạo quy hoạch ở Việt Nam có chất lượng đạt tầm quốc tế và phù hợp với những giá trị Việt Nam, cần có những hội thảo nghiêm túc, cần đến tinh thần cầu thị, trách nhiệm và ý chí – quyết tâm cao độ của những người đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo về quy hoạch đô thị. Bởi vì, quy hoạch đô thị - như đã nêu trên là một lĩnh vực đa ngành, hoạt động quy hoạch đô thị liên quan đến việc tổ chức không gian hoạt động cho toàn xã hội trong hàng chục năm tương lai, liên quan đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, trong khi nhận thức và thói quen quy hoạch đô thị ở Việt Nam đã đi theo con đường mòn lạc hậu đã quá nhiều năm. Để thay đổi được thói quen đó, cần rất nhiều nỗ lực, trong đó, trường đại học có và cần phải là nơi có nhiều lợi thế.

Từ góc độ người “sử dụng lao động”, tức là người có trách nhiệm tuyển chọn và làm việc với các kiến trúc sư quy hoạch và mong muốn sản phẩm làm ra phải có trách nhiệm và có ích cho xã hội, xin có một số góp ý có lẽ là khả thi nhất trong bối cảnh của chúng ta hiện nay như sau:

1. Về điều kiện học tập – giảng dạy:

- Trước khi nói đến đào tạo kiến trúc sư (quy hoạch) chất lượng cao, cần có đội ngũ giảng viên thực sự có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tiếp cận, tiếp thu tri thức của nhân loại về quy hoạch đô thị, có trách nhiệm và say mê lĩnh vực mà mình giảng dạy. Thật đáng tiếc vì hiện nay nhiều người chọn nghề dạy đại học vì “nhàn” và yên ổn. Tất nhiên sẽ là nhàn hạ và yên ổn, nếu dạy học đồng nghĩa với việc đơn giản lặp lại những nội dung lý thuyết nào đó trong nhiều chục năm (thực tế cho thấy, với rất nhiều người là từ khi ra trường đến khi về hưu và thậm chí nhiều năm sau khi về hưu). Lúc đó giảng viên đại học không chắc có tác dụng hơn một cái "máy cát-xét", có chăng là bền hơn. Sẽ không thể nhàn và yên ổn vì môi trường đại học là nơi dấn thân để tìm những chân trời lý thuyết mới, nơi cần trăn trở nhất để tìm ra lời giải cho những vấn đề mới luôn xuất hiện trong xã hội.

- Sinh viên và đặc biệt là giáo viên giảng dạy và học tập ở khóa này cần đọc thạo ít nhất một ngoại ngữ để có thể tự nghiên cứu, đọc sách thêm. 

- Cần có tủ sách về kiến trúc, quy hoạch bao gồm tối thiểu 100 cuốn sách kinh điển và khoảng 50 – 100 cuốn sách mới nhất (trong khoảng 10 năm trở lại đây) trong lĩnh vực quy hoạch và thiết kế đô thị. Các thầy cô giáo khi giảng bài cần có chỉ dẫn về sách tham khảo cho  sinh viên. Cách kiểm tra, chấm thi, cho điểm phải làm sao đánh giá đúng khả năng tự học, phát triển vấn đề của sinh viên. Cần có các diễn đàn để sinh viên trao đổi học thuật, trình bày các kiến thức mình đọc được trong sách dưới dạng tiểu luận nhưng với chủ đề do sinh viên tự tìm tòi và chuẩn bị. Tuy nhiên, các thầy cô (tổ bộ môn cũng có thể hệ thống hóa theo một số nhóm vấn đề nào đó).

- Cần tạo điều kiện cho sinh viên tham dự các buổi hội thảo về quy hoạch và thiết kế đô thị với yêu cầu phải trình bày lại được những nội dung chính, những vấn đề/thông tin mới thu nhận được từ các buổi hội thảo.


Ảnh minh họa: một đồ án quy hoạch của sinh viên (nguồn: Ashui.com) 

2. Về chương trình đào tạo: 

Cần tham khảo chương trình đào tạo của các trường đại học tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực quy hoạch và thiết kế đô thị, trong đó, nhất thiết phải  bao gồm các môn học về kinh tế đô thị, xã hội học đô thị (cả tâm lý học đô thị), môi trường - sinh thái và hạ tầng kỹ thuật đô thị. Cho dù, sau này, khi hành nghề, trong nhóm nhân lực làm mỗi đồ án quy hoạch sẽ có chuyên gia từ các chuyên ngành nêu trên, kiến trúc sư quy hoạch cũng rất cần có những kiến thức căn bản của các chuyên ngành này để làm nền tảng nghiên cứu.

3. Về kỹ năng: 

Cần chú trọng khả năng phân tích, nhận biết vấn đề cần giải quyết. Nhìn chung, hiện nay, các kiến trúc sư mới ra trường rất hạn chế về khả năng phân tích hiện trạng và bối cảnh để từ đó nhận diện ra vấn đề cần giải quyết hay logic quy hoạch có thể áp dụng trong đồ án. Cần lên án việc các giảng viên đại học ra đề bài nghiên cứu cho sinh viên chỉ là một miếng đất trống trơn, với “điều kiện lý tưởng là bằng phẳng, xung quanh không có gì…”, hoặc mối liên hệ với xung quanh chỉ là những đường giao thông… Những phân tích, dẫn dắt của sinh viên trong quá trình tìm ý cho thiết kế của mình có thường xuyên bị “sốt ruột” bỏ qua, bị kết tội là dài dòng? Liệu có phải chính các giảng viên đại học đang chỉ quan tâm đến câu trả lời “cái gì?” “có đẹp không?” hơn là “tại sao?” “bằng cách nào?” khi xem xét các đồ án của sinh viên? Liệu có phải cách đào tạo làm quy hoạch của Việt Nam đang làm mất khả năng tư duy, nhận diện và giải quyết vấn đề của sinh viên? Nếu có, thì khóa đào tạo kiến trúc sư chất lượng cao cần khắc phục.

Phát biểu của một kiến trúc sư quy hoạch nông thôn mới Trung Quốc trong lần Đại hội quy hoạch phát triển đô thị toàn quốc của Việt Nam rất đáng để các giảng viên, các nhà quy hoạch Việt Nam "giật mình", đó là: “trong quy hoạch của chúng tôi (nông thôn mới Trung Quốc), bẩy phần phân tích hiện trạng, ba phần quy hoạch”.

Phạm Thị Huệ Linh - Giám đốc trung tâm Quy hoạch 4 / VIAP
(Tham luận đóng góp với hội thảo "Đào tạo kiến trúc sư chất lượng cao" do Khoa Kiến trúc - Quy hoạch trường Đại học Xây dựng tổ chức ngày 17/11/2011)


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: