Sinh viên Mỹ, bạn là ai?

Thứ tư, 25 Tháng 2 2009 18:13 Đỗ Hữu Tâm / Tia Sáng
In

Vào tháng Giêng năm 2009 vừa qua, Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học (HERI – Higher Education Research Institute) của trường Đại học California ở Los Angeles (UCLA – University of California, Los Angeles) đã cho công bố một bản phúc trình, tạm dịch là “Những điểm tiêu biểu về người sinh viên năm thứ nhất của đại học Mỹ cho học kỳ mùa Thu năm 2008” (The American Freshman: National Norms for Fall 2008).

Đây là kết quả cuộc khảo sát do Phân khoa Giáo dục của Đại học UCLA thực hiện với gần 250.000 sinh viên năm thứ nhất hiện đang học toàn thời gian trong chương trình Cử nhân của 340 đại học khắp nước Mỹ. Những kết quả trong bản phúc trình đã được điều chỉnh bằng phương pháp thống kê để phản ánh con số 1.400.000 sinh viên năm thứ nhất trên toàn nước Mỹ nhập học vào mùa Thu năm 2008. (Tưởng cũng nên biết đây là một bản phúc trình hằng năm được bắt đầu thực hiện kể từ năm 1966. Trong 4 thập niên vừa qua, tổng cộng hơn 13 triệu sinh viên năm thứ nhất từ 1.700 đại học trên toàn nước Mỹ đã lần lượt tham dự vào các cuộc khảo sát để đúc kết nên những bản phúc trình này).

Dưới đây là bài lược dịch và tóm tắt một số trong rất nhiều thông tin tiêu biểu trong bản phúc trình này nhằm giới thiệu với những nhà giáo dục và đặc biệt là các bạn sinh viên Việt Nam một cái nhìn về những người sinh viên đồng tuổi với các bạn tại Mỹ, một trong những quốc gia có nền đại học rất tiên tiến vừa trong ngành khoa học tự nhiên và công nghệ vừa trong ngành khoa học nhân văn và nghệ thuật.

Dĩ nhiên, nền đại học Mỹ có nhiều ưu điểm nhưng cũng không ít khuyết điểm như mọi nền đại học khác trên thế giới và câu trả lời của các sinh viên này chỉ phản ánh những hiện tượng và truyền thống trong giới hạn của chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa đặc thù của xã hội Mỹ mà thôi.

Cá nhân của người sinh viên Mỹ

Về tuổi tác thì khoảng 70% sinh viên năm thứ nhất ở các đại học Mỹ ở vào lứa tuổi 18. Một số rất trẻ, dưới 17 tuổi, chiếm 1,6% trong khi các bạn 25 tuổi hay “già” hơn chiếm 0,1%. Còn về giới tính thì một cuộc khảo sát năm 2003 cho thấy tỷ lệ nữ sinh viên trong chương trình Cử nhân đã tăng từ 42% (1970) đến 56% (2001).

Dù là một xứ hợp chủng, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ mẹ đẻ của đại đa số sinh viên (91,2%). Đối với số sinh viên còn lại (8,8%) thì Anh ngữ lại chỉ là một ngoại ngữ. Bản khảo sát cũng kê khai hơn 9 sắc dân với thành phần như sau:



Về tôn giáo thì tuy lịch sử nước Mỹ rất gắn liền với đạo Tin lành và mãi cho đến năm 1960 mới có vị Tổng thống đầu tiên theo Công giáo La Mã, thành phần tôn giáo của sinh viên Mỹ cũng rất phức tạp. Một điều đặc biệt là tuy mục này kê khai thành phần tôn giáo nhưng lại đưa ra một thông tin đáng chú ý là trong xứ Mỹ rất ngoan đạo này, cứ 5 sinh viên lại có một bạn (21,1%) không theo tôn giáo nào cả và tổng cộng là 24,2% không theo đạo Chúa.



Cha mẹ của người sinh viên

Về trình độ học vấn của cha mẹ người sinh viên Mỹ thì đa số đều có học vấn cao hơn cấp Tú tài, và trong nhóm đó mẹ có trình độ này (53,5%) nhiều hơn cha (45,7%). Nhưng cũng có nhiều sinh viên mà cha mẹ đều có học vấn cao hơn cấp Cử nhân, và trong nhóm đó cha có trình độ này (25,4%) nhiều hơn mẹ (21%). Tuy nhiên con số các sinh viên mà cha mẹ chỉ có bằng Tú tài hay thấp hơn không phải là ít (cha gồm 28,9% và mẹ gồm 25,5%).

Về tình trạng gia đình thì phần lớn sinh viên (70,3%) đến từ những gia đình có đầy đủ cha và mẹ. Tuy nhiên, khoảng một phần tư (25,9%) lại phải chịu cảnh cha mẹ ly dị hay không sống với nhau nữa. Số còn lại có cha mẹ đã qua đời.

Có lẽ cũng như sinh viên ở mọi quốc gia trên thế giới, về thu nhập thì sinh viên Mỹ thuộc đủ diện, từ rất nghèo đến trung bình, và từ khá giả đến giàu có. Thu nhập của cha mẹ sinh viên Mỹ được tóm tắt như sau:



Sinh viên Mỹ lựa chọn đại học và ngành học như thế nào

Ngoài các yếu tố khoảng cách địa lý từ nhà đến trường và phương tiện di chuyển, một số tiêu chuẩn chính mà sinh viên Mỹ cho là quan trọng nhất trong việc lựa chọn đại học được tóm tắt ở bảng dưới đây: (Một điều đáng chú ý là tỷ lệ các bạn nữ sinh viên quan tâm đến những tiêu chuẩn này luôn luôn cao hơn các bạn nam sinh viên)



Cũng như sinh viên ở các quốc gia khác, sau khi tốt nghiệp trung học, sinh viên Mỹ thường nộp đơn vào nhiều đại học. Kết quả là 60,7% được nhận vào đại học mà các bạn sinh viên ấy mong muốn nhất trong khi 26,1% và 8,6% phải vào các trường mà những sinh viên ấy xếp vào hạng 2 và hạng 3. Ngược lại, bản phúc trình cũng cho biết, dù đã được nhận vào trường mà các sinh viên muốn nhất, nhiều bạn đã phải chọn trường hạng 2 hay hạng 3 chỉ vì thiếu hụt tài chính.

Nói về những lo âu có đủ tiền hay thiếu hụt tài chính để hoàn tất học trình đại học thì tỷ lệ của nữ sinh viên lo âu vẫn nhiều hơn nam sinh viên như được trình bày trong bảng tóm tắt dưới đây:



Ngành học ở Mỹ rất đa dạng và hầu hết chương trình Cử nhân ở các đại học Mỹ đều không nhiều thì ít có đủ loại ngành học cho sinh viên lựa chọn theo nhu cầu và sở thích. Bản phúc trình cho thấy một số những ngành học được sinh viên chọn lựa nhiều nhất là:



Tuy chọn lựa ngành học như vậy nhưng trong học trình 4 đến 5 năm của chương trình Cử nhân, sinh viên Mỹ thay đổi ngành học trung bình từ 4 đến 5 lần. Cũng cần lưu ý là bản phúc trình cho thấy cứ 100 sinh viên đang học năm thứ nhất thì có đến 6 bạn không hay chưa quyết định được là sẽ chọn ngành học nào.

Sinh viên Mỹ và những yếu tố thành công trong việc học

Các chuyên viên giáo dục ở Mỹ đã đúc kết những phương pháp mà họ cho rằng sẽ giúp người sinh viên thành công trong việc học. Bản phúc trình đưa ra kết quả cuộc khảo sát cho thấy sinh viên Mỹ đã tự đánh giá chính mình trong việc thực hiện một số những phương pháp đưa đến thành công như được tóm tắt trong bảng dưới đây:



Sinh viên Mỹ nghĩ về chính mình

Ngoài những phương pháp đưa đến thành công trong việc học, cuộc khảo sát cũng nhằm tìm hiểu người sinh viên nghĩ như thế nào về những thuộc tính xa hơn và sâu hơn về vai trò của một sinh viên muốn thành công trong đại học, những thuộc tính bao quát bản chất của một con người. Dưới đây là bản tóm tắt một số thuộc tính chính mà sinh viên Mỹ năm thứ nhất tự cho là mình có khả năng hoặc có ý muốn mạnh nhất:


 
Riêng về khuynh hướng chính trị thì cuộc khảo sát năm nay cho thấy có tới 35,6% sinh viên Mỹ năm thứ nhất cho biết họ thường tham dự những cuộc thảo luận chính trị. Đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay, hơn cả con số kỷ lục (33,6%) vào năm 1968. Khuynh hướng chính trị của sinh viên Mỹ (năm thứ nhất) được tóm tắt trong bảng dưới đây:



Sinh viên và một số vấn đề xã hội tại Mỹ

Cuối cùng, bản phúc trình đưa ra những kết quả của cuộc khảo sát về suy nghĩ của người sinh viên lớn lên trong xã hội Mỹ với những truyền thống, giá trị, và lịch sử cũng như phản ứng của người sinh viên trước những vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội đó. Bảng dưới đây tóm tắt một vài suy nghĩ và phản ứng tiêu biểu của người sinh viên Mỹ.

Trong thế giới thu nhỏ do xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, hy vọng bài lược dịch ngắn ngủi này sẽ đóng góp phần nào cho việc mở rộng kiến thức của các bạn sinh viên Việt Nam về những người sinh viên và, một cách gián tiếp, về một khía cạnh nào đó của nền đại học Mỹ. Và nếu bài lược dịch này giúp cho các bạn sinh viên Việt Nam so sánh được những hoàn cảnh, suy tư, và thái độ sống với những sinh viên cùng tuổi ở bên trời Âu Mỹ để từ đó, hoặc nhìn nhận và sửa đổi những khuyết điểm của mình cho tốt đẹp hơn, hoặc xác định lại và nhấn mạnh thêm những ưu điểm của mình, tiếp tục mạnh dạn tham dự một cách tích cực hơn nữa vào những cải tổ cần thiết của nền giáo dục đại học của quê hương thì đó đã vượt quá mong muốn của người viết. 



California 2/2009,

Đỗ Hữu Tâm ( Irvine Valley College )


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: