Tiết kiệm hàng triệu đô-la mỗi năm nhờ làm đường bê tông xi măng

Thứ năm, 24 Tháng 12 2009 03:52 CAND
In

Thấy rõ hiệu quả của đường bê tông xi măng thay cho làm đường nhựa, các cơ quan chức năng Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo và đề xuất đưa vật liệu xi măng vào làm đường bê tông. Đề án này đã được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, đánh giá mặt được cũng như những vướng mắc khi áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, đề xuất có giá trị kinh tế rất lớn trên đang rơi vào tình trạng ai có khả năng thì làm với lý do chủ yếu là "Chi phí đầu tư cao".

Người Việt làm đường xi măng Việt

Điều rất đáng nói ở đây là: Trong khi nguồn xi măng chúng ta tự sản xuất trong nước được rất dồi dào thì ở góc độ đầu tư cho giao thông, hàng năm chúng ta phải bỏ ra nhiều triệu đô la để nhập nhựa đường - một loại sản phẩm phụ của công nghiệp chế biến dầu mỏ ẩn chứa những nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nếu nghiêm túc suy nghĩ về cuộc vận động "người Việt dùng hàng Việt", thì sử dụng xi măng trong nước sản xuất làm đường bê tông thay cho nhập khẩu nhựa đường từ nước ngoài có phải là việc làm thiết thực!

Đấy là chưa nói đến tác dụng, hiệu quả nổi trội của đường bê tông xi măng so với đường nhựa theo tính toán của các chuyên gia giao thông. Như đường Hùng Vương trên quảng trường Ba Đình, hàng trăm kilômét nhánh Tây Trường Sơn… đều đã thử nghiệm thành công loại chất liệu bê tông xi măng.

Kinh nghiệm quốc tế và qua nghiên cứu tại Việt Nam, thì mức đầu tư cho làm đường bê tông xi măng cao hơn bê tông nhựa khoảng 30%, nhưng bù lại chi phí duy tu bảo dưỡng đường bê tông xi măng hàng năm thấp hơn 70%. Tuổi thọ của đường bê tông xi măng trung bình là 30 năm, trong khi bê tông nhựa là 9 năm - ông Trần Văn Huynh, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng cho biết.

Ông Huynh cho biết thêm: Việc nâng cao tuổi thọ đường, giảm chi phí duy tu bảo dưỡng cộng với khoản ngoại tệ không phải chi cho nhập khẩu nhựa đường đã tiết kiệm ít nhất hàng triệu USD cho ngân sách mỗi năm. Đặc biệt, đường bê tông xi măng dễ thi công, có độ bền cao và thích hợp với địa hình đèo dốc, vùng lũ, sạt lở ở nước ta.

Trong khi nếu làm đường nhựa theo cách truyền thống, thì bất lợi đầu tiên là chúng ta phụ thuộc vào nguyên liệu nhựa nhập khẩu với một khoản ngoại tệ lớn. Mặt hạn chế khác là đường nhựa chỉ đạt tuổi thọ trên dưới 9 năm ở những nơi có địa chất ổn định, khí hậu khô ráo.

Nên đầu tư bê tông xi măng những tuyến đường trọng điểm

Nhìn nhận một cách khách quan, thì vướng mắc lớn nhất khi làm đường bê tông xi măng là mức đầu tư ban đầu lớn, có thể gấp 1,5 lần so với đường nhựa. Nhưng nếu chứng kiến hàng chục kilômét thảm nhựa trên tuyến đường Hồ Chí Minh, hay đường 70 đoạn Yên Bái đi Lào Cai thời gian qua bị bão lũ cuốn trôi, thì việc đầu tư đường bê tông những đoạn xung yếu là vô cùng cần thiết.

Theo tính toán của Cục Đường bộ, hiện nước ta có trên 7.600km đường bê tông nhựa; 6.400km đường đá nhựa; gần 3.000km đường đá dăm và đường cấp phối lẫn đất. Riêng đường bê tông xi măng còn rất khiêm tốn, chưa đến con số ngàn kilômét. Nghịch lý ở chỗ, chúng ta hoàn toàn chủ động được nguồn nguyên liệu xi măng (sản lượng cả nước hiện là 36 triệu tấn/năm, đến 2020 đạt 56 triệu tấn/năm) và nguyên liệu đá, cát, sỏi. Còn nhựa đường thì phải nhập bằng ngoại tệ, giá cả phụ thuộc vào giá dầu mỏ thế giới.

Trao đổi vấn đề này, Phó Giáo sư Hoàng Hà - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Bộ Giao thông vận tải cho biết: Đúng là đường bê tông xi măng có lợi thế vì chúng ta chủ động được nguồn nguyên liệu, công nghệ đơn giản, lại có nhiều tính năng nổi trội như đã nói. Nhưng nhược điểm lớn nhất là mức đầu tư lớn...

Trước mắt, ngành Giao thông chủ trương làm đường bê tông ở những nơi dễ bị sạt lở như nhánh Tây Trường Sơn, những vị trí độ dốc lớn như vùng núi phía Bắc mà nhựa đường không chịu được sụt lún…

Trong lúc nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông lớn như hiện nay, các chuyên gia góp ý, cần đầu tư đúng mức các tuyến đường chiến lược, đường trong các khu công nghiệp, cảng biển, đường vành đai ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… bằng bê tông xi măng vừa có sức chịu tải lớn, tuổi thọ lại cao, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng. Đây là lúc thuận lợi, bởi nguồn cung xi măng, đá, cát, sỏi dồi dào, trong khi ngành xi măng lại loay hoay với đầu xuất khẩu chưa bao giờ được coi là thuận lợi.

Khánh Chi

>> Nghiên cứu và so sánh đường cao tốc làm bằng bê tông xi măng và bê tông asphalt ở Canada 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: