Doanh nghiệp và Copenhagen

Chủ nhật, 20 Tháng 12 2009 22:01 DĐDN
In

Trước những lo lắng của toàn nhân loại toàn cầu về sự biến đổi của khí hậu, các doanh nghiệp trên khắp thế giới đều đã sẵn sàng cho cuộc đua đầu tư vào những công nghệ “xanh”, thân thiện với môi trường, một phần vì chính sự tồn tại của doanh nghiệp.

Tại Cung hội nghị Bella của thủ đô Đan Mạch – nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu, tập đoàn Cisco, Mỹ đã trang bị những hệ thống “hội nghị truyền hình” (teleconference) có màn hình khổng lồ, cho phép các đại biểu đàm thoại “mặt đối mặt” với người nói chuyện ở hơn 100 điểm trên khắp thế giới. Việc tài trợ của Cisco không hoàn toàn vô tư: nó chứng tỏ rằng các sản phẩm mạng của Cisco có thể thay thế cho những chuyến đi họp xuyên lục địa, từ đó làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phát ra từ những chuyến bay. Những công nghệ như thế này “có sức mạnh làm thay đổi cung cách sử dụng năng lượng và những thách thức về môi trường của thế giới”- bà Laura K. Ipsen, Phó chủ tịch cao cấp phụ trách chính sách toàn cầu của Cisco tuyên bố. Sự có mặt của Cisco tại Copenhagen còn minh họa cho một chủ đề khác của hội nghị: làm cho thế giới xanh hơn có thể là điều tốt cho doanh nghiệp.


Đại diện của 192 quốc gia tham gia các vòng đàm phán theo chương trình của Liên hợp quốc, nhằm tiến tới thỏa thuận chung về việc cùng ngăn chặn sự ấm lên trên toàn cầu. (Ảnh: AFP/Vietnam+)

Bên cạnh khu hội nghị, tại Copenhagen còn có một hội chợ công nghệ, nơi 160 công ty đa quốc gia trưng bày những tấm pin mặt trời, những thiết kế dinh thự thân thiện với môi trường và hàng trăm sản phẩm tiết kiệm năng lượng khác. Hội chợ có sự tham gia của đoàn doanh nghiệp Mỹ do chính Bộ trưởng Thương mại Gary Locke dẫn đầu, với hy vọng nâng cao tính cạnh tranh và hoạt động xuất khẩu công nghệ xanh của Mỹ. “Năng lượng sạch có thể là cơ hội kinh tế lớn nhất của thế kỷ này” - ông Locke nói với báo chí.

Tuy vậy, thị trường công nghệ xanh sẽ phát triển nhanh hay chậm tùy thuộc vào các chính sách và túi tiền của các chính phủ. Giờ đây khi chính phủ Mỹ bắt buộc mọi tổ chức phải thống kê và báo cáo về mức độ phát thải của mình, tập đoàn IBM đã nhanh chóng giới thiệu một công nghệ mới giúp các công ty đo lường lượng khí thải carbon phát ra. Công ty năng lượng Alstom của Pháp, qua những dự án đã thực hiện bằng ngân sách chính phủ tại Ba Lan và bang Tây Virginia, Mỹ, cho thấy công nghệ thu gom khí thải carbon từ các nhà máy điện chạy bằng than đá có hiệu quả rất cao. Các công ty sản xuất pin mặt trời thèm thuồng trước kế hoạch mà chính phủ Ấn Độ công bố hôm 23/11 nhằm xây dựng các nhà máy điện mặt trời có công suất lên tới 20 gigawatt vào năm 2022. “Ấn Độ có tiềm năng trở thành một thị trường khổng lồ mà chúng tôi đang tìm cách thâm nhập” - Steven P. Chdaima, Phó chủ tịch Công ty Suntech Power Holdings của Trung Quốc tiết lộ.

Và thế là, từ General Electric và Ford của Mỹ tới Suntech của Trung Quốc và tập đoàn điện lực khổng lồ của Pháp EDF, các doanh nghiệp khắp thế giới đang lũ lượt tham gia vào chuyến tàu “xanh”. Hiện tượng này xảy ra bất chấp việc Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen có đưa ra được một thỏa thuận có tính ràng buộc để xử lý vấn đề khí hậu hay không. Hội nghị này quy tụ các nhà chính trị vào cuộc thảo luận một hiệp định mới về biến đổi khí hậu, nối tiếp Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.

Đối với các doanh nghiệp, dù kết quả của hội nghị ra sao thì cũng không thể ngăn cản họ đẩy mạnh đầu tư. Hàng chục tỉ đô la Mỹ đã được dành sẵn cho các dự án xanh. Và mặc dù có những trở ngại về chính trị, giới phân tích vẫn kỳ vọng sẽ có thêm nhiều tiền đầu tư trong thập niên tới. Joe Stanislav, cố vấn cao cấp và độc lập của Công ty kiểm toán Deloitte nhận định: “Các chính trị gia cần phải tăng tốc bởi khu vực tư nhân đã bỏ họ lại phía sau quá xa. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng đều đã chấp nhận một tiến trình xanh, và điều đó sẽ thúc đẩy một cuộc cách mạng”.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1930 càng làm cho các công nghệ xanh thêm hấp dẫn. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thuộc những ngành sử dụng nhiều điện năng như sản xuất thép và xi măng, đang tìm mọi cách giảm chi phí hoạt động và những dự án đầu tư thân thiện với môi trường có thể giúp họ đạt được mục tiêu đó.

Chẳng hạn như Công ty điện lực Enel của Ý, hồi đầu thập niên này đã đầu tư 3 tỉ đô la Mỹ lắp đặt điện kế thông minh cho phép các công ty và khách hàng kiểm soát chặt chẽ hơn lượng điện tiêu thụ. Nhờ kiểm soát được điện năng, giờ đây Enel tiết kiệm được hơn 750 triệu đô la Mỹ mỗi năm thông qua việc quản lý hiệu quả các nhà máy điện thành viên. Enel đang có kế hoạch đầu tư thêm nhiều tỉ đô la Mỹ để nâng cấp cơ sở hạ tầng, chủ yếu là xây dựng mạng lưới truyền tải điện thông minh, tiến tới tiết kiệm điện năng tiêu thụ khoảng 20% so với hiện nay. “Chúng tôi muốn cải thiện hiệu quả, tạo ra biên độ lợi nhuận cao hơn và giúp khách hàng giảm hóa đơn tiền điện” - ông Livio Gallo, Giám đốc bộ phận cơ sở hạ tầng và mạng lưới điện của Enel cho biết.

Đầu tư công nghệ thân thiện với môi trường không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động mà còn mở ra nhiều cơ hội cho những lĩnh vực vốn không liên quan nhiều tới công nghệ xanh. Một báo cáo gần đây của Công ty tư vấn Accenture cho rằng, việc áp dụng rộng rãi công nghệ truyền thông không dây vào hệ thống phân phối điện có thể giúp châu Âu tiết kiệm 64 tỉ đô la chi phí năng lượng vào năm 2020. Những khoản tiết kiệm như vậy cũng có thể đạt được ở những vùng khác trên thế giới.

Những ứng dụng tương tự cũng có thể triển khai ở nhiều ngành nghề khác, như ngành sản xuất xe hơi, nhằm thay đổi phương thức hoạt động của máy móc mà không cần có sự can thiệp của con người. Peter Lacy, phụ trách chi nhánh Accenture ở châu Âu, châu Phi và Mỹ Latinh cho biết: “Việc đưa công nghệ không dây vào cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu có thể là một sự sáng tạo vượt bậc”.

Trong thực tế, doanh nghiệp vẫn tiến tới, cho dù, Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen được khép lại thế nào. Tuy vậy, nếu hội nghị đạt được một thỏa thuận vững chắc sẽ tạo ra động lực mạnh hơn cho doanh nghiệp. Các nhà lãnh đạo thế giới đang nỗ lực tiến tới một hiệp định chung. Hôm 25/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố, Mỹ đồng ý, năm 2020 lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính sẽ giảm 17% so với mức năm 2005. Một ngày sau đó, Trung Quốc – nước phát ra nhiều khí thải CO2 nhất thế giới, công bố sẽ giảm 45% mức thải khí carbon trên mỗi đơn vị GDP vào năm 2020 so với mức năm 2005. Và ngày 2/12 vừa qua, báo chí cho biết, Ấn Độ cũng đi theo con đường đó, cam kết giảm 25% lượng khí thải carbon trên mỗi đơn vị sản lượng GDP trong cùng thời kỳ.

Và như vậy, đối với giới doanh nghiệp, chỉ cần các nước gây ô nhiễm nhiều nhất bắt đầu nói chuyện nghiêm túc về cắt giảm khí thải, dù chưa đưa ra được mục tiêu cụ thể, đã có đủ cơ hội để họ đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp xanh.

Thái Bình 

>> Đầu tư cho năng lượng sạch tăng chưa từng thấy 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: