TPHCM tìm đất đổi công trình chống ngập

Thứ tư, 16 Tháng 12 2015 13:09 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

TPHCM đang kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư các công trình chống ngập theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có hình thức xây dựng – chuyển giao (đổi đất lấy hạ tầng). Tuy nhiên với số vốn cho mỗi dự án chống ngập khá lớn, lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng thì việc tìm đủ đất sạch để thanh toán lại cho nhà đầu tư đang là bài toán khó trong điều kiện quỹ đất sạch hạn hẹp.  


Một tuyến đường ngập nặng sau mưa ở Quận 12, TPHCM
(Ảnh: Văn Nam) 

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam đề xuất dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu theo hình thức đối tác công tư với tổng vốn đầu tư gần 9.930 tỉ đồng. 

Quy mô dự án gồm sáu cống kiểm soát triều lớn (Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định), một đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh dài gần 8 km, 25 cống nhỏ,… Phạm vị triển khai dự án trên các địa bàn quận 1, 4, 7, 8, Bình Chánh, Nhà Bè.

Theo nhận định của UBND thành phố, dự án nói trên được hoàn thành sẽ giúp giảm các thiệt hại trực tiếp và gián tiếp có thể xảy ra do ngập lụt, triều cường trong khu vực bị tác động với diện tích 570 km2 với 6,5 triệu dân sinh sống ở khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

Cuối tháng 11/2015 chính quyền thành phố đã quyết định chỉ định nhà đầu tư là công ty Trung Nam nghiên cứu triển khai dự án.

Tuy nhiên, theo một báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố mới đây, khó khăn liên quan đến dự án này nằm ở chỗ thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư. Theo đó, bằng hình thức đầu tư BT thì dự kiến chính quyền thành phố sẽ thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư chiếm khoảng 15% tổng giá trị quyết toán dự án.

Cụ thể, thành phố dự định sử dụng ba khu đất gồm lô C8A, khu A, Khu đô thị Nam TPHCM (quận 7) với diện tích 5.500 m2; khu đất phường Phước Long B (Quận 9) diện tích 4,2 héc ta; khu đất 232 đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long A (Quận 9) diện tích gần 31.500 m2 để thanh toán cho hợp đồng BT của dự án này. Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cũng đang đề xuất thêm ba khu đất khác để thanh toán cho nhà đầu tư triển khai dự án chống ngập nói trên.

“Tuy nhiên, theo ước tính sơ bộ, giá trị của cả 6 khu đất được đề xuất nói trên vẫn chưa đạt được tỉ lệ 15% tổng giá trị quyết toán dự án”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Sử Ngọc Anh nêu tại báo cáo gởi UBND thành phố đầu tháng 12 vừa qua.

Từ việc thiếu diện tích đất để trả cho nhà đầu tư dự án chống ngập do triều như phân tích trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã kiến nghị UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất và các sở ngành liên quan tiếp tục rà soát, tham mưu đề xuất các khu đất khác có thể dùng để thanh toán cho hợp đồng BT của dự án này.

Về chủ trương chung, việc tìm đất để thanh toán cho nhà đầu tư nhằm thu hút vốn xã hội xây dựng các công trình chống ngập cho thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Cụ thể, tại thông báo hồi tháng 8-2015 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ có nêu: “đồng ý cho UBND TPHCM áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập úng: áp dụng hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) thanh toán bằng quỹ đất, trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị dự án thì UBND thành phố được thanh toán bằng ngân sách thành phố đối với phần chênh lệch …”

Tại kỳ họp HĐND thành phố hồi tuần trước, lãnh đạo UBND thành phố thông tin rằng trong 5 năm tới thành phố sẽ phải chi hơn 156.000 tỉ đồng cho công tác chống ngập, gồm 88.000 tỉ đồng để xây dựng hệ thống thoát nước thải và 68.000 tỉ đồng để xây đê ngăn triều.

Điều này cho thấy việc triển khai các dự án chống ngập cho thành phố trong điều kiện biến đổi khí hậu là rất bức thiết và đòi hỏi số vốn khổng lồ, song với điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, khó lòng chi trả hết thì phương án xã hội hóa bằng phương thức đối tác công tư là khả thi.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia môi trường thì với phương thức thanh toán bằng quỹ đất, áp lực để có quỹ đất sạch trả lại cho nhà đầu tư sẽ là rất lớn bởi hiện nay không chỉ với hạng mục công trình cống ngăn triều, đê bao triển khai theo hình thức này mà còn một số công trình khác như nhà máy xử lý nước thải, hồ điều tiết … cũng đang được chính quyền thành phố gọi vốn từ tư nhân bằng phương án thanh toán lại bằng quỹ đất. 

Văn Nam 
(TBKTSG Online)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: