Gói 30.000 tỷ hết thời hạn có tác động đến doanh nghiệp nhà ở xã hội?

Chủ nhật, 13 Tháng 3 2016 20:44 Diễn đàn Doanh nghiệp
In

36 tháng - thời hạn tối đa kể từ khi Thông tư 11/2013/TT-NHNN ban hành việc giải ngân khoản cho vay tái cấp vốn gói 30.000 tỷ đồng có hiệu lực (1/6/2013-1/6/2016) sắp đến. Nếu không có gói vay cụ thể nào được thay thế, doanh nghiệp và người mua nhà ở xã hội đều có nguy cơ “tắc đường”? 

Nhưng lo lắng trên là thừa bởi xét về chính sách và quan điểm của các doanh nghiệp nhà ở xã hội, Chính phủ đã và sẽ không “bỏ bê” mục tiêu an sinh này.

Một trong những DN nhà ở xã hội chuyên sâu, quy mô lớn và cũng là DN đầu tiên chính thức được cho vay từ gói 30.000 tỷ ở thị trường phía Nam là CTCP Địa ốc Hoàng Quân (HQC – HoSE), đã có những thông tin chính thức bày tỏ quan điểm về thời hạn dừng gói 30.000 tỷ cũng như con đường phát triển, vay mua nhà ở xã hội.  


Phối cảnh dự án nhà ở xã hội HQC Hóc Môn 

Theo đó, ông Trương Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Địa ốc Hoàng Quân khẳng định trước hết cần có sự nhìn nhận, phân định rõ chính sách Nhà ở xã hội của Chính phủ, với gói 30.000 tỷ đồng.

Về chính sách Nhà ở xã hội, Chính phủ đã có những ban hành cụ thể, thông qua Nghị Quyết 02/2013/NQ-CP; Luật Nhà ở số 65/2014/QH13; Nghị định 100/2015/NQ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, theo đó phát triển nhà ở và phục vụ mục tiêu người dân có nhà – an sinh xã hội là chính sách dài hạn. Còn gói 30.000 tỷ theo Thông tư 11/2013 ban hành, thì cũng đã xác định rõ thời hạn tối đa của gói 30.000 tỷ là 36 tháng hoặc khi giải ngân hết, hướng đến gói kích cầu đến người mua trong một giai đoạn nhất định.

Trên cơ sở chính sách phát triển nhà ở dài hạn của Chính phủ lẫn điều kiện hỗ trợ của gói tín dụng 30.000 tỷ, kể từ năm 2013 đến nay, HQC đã đầu tư được 15 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng với tổng số lượng căn hộ đạt khoảng 15.000. Còn trong tầm nhìn dài hạn từ nay đến 2020, ít nhất nhà ở xã hội sẽ chiếm trên 50% tổng doanh thu của Cty Hoàng Quân, ông Tuán cho biết.

Thực tế gói 30.000 tỷ đồng được dành cho không chỉ đối tượng người vay mua nhà ở xã hội, mà bao gồm cả đối tượng nhà ở thương mại giá rẻ. Vậy đối tượng nhà ở thương mại giá rẻ - nhóm không thuộc phạm vi quy định về việc được hưởng ưu đãi của chính sách nhà ở xã hội (ngoài gói 30.000 tỷ), có bị tác động?
Ông Tuấn cho biết tại HQC, DN cũng thực hiện cả nhà ở thương mại giá rẻ, cụ thể là HQC Cần Thơ. Dự án này được phát triển trên diện tích 500ha, nguồn cung 700 căn hộ với mỗi căn hộ đúng 70m2. Song HQC đã bàn giao được 500 căn hộ tại dự án, được giải ngân từ khách hàng 165 tỷ đồng. Tới 30/3 là thời điểm HQC sẽ “đóng” dự án, theo đó bàn giao hết 650 căn còn lại và dự kiến số tiền giải ngân sẽ đạt tới 220 tỷ đồng. Tức dự án này sẽ không nằm trong thời gian tác động nếu gói 30.000 chấm dứt đúng thời điểm hết hiệu lực mà Thông tư 11 quy định.

Nhìn rộng ra những DN đang làm nhà ở thương mại giá rẻ (dưới 70m2/căn và dưới 15 triệu đồng/m2, nếu không “đóng” dự án và có hoạt động giải ngân theo tiến độ sau ngày 1/6/2016, có thể nói đều sẽ chịu tác động của nguồn vốn vay dành cho đầu tư và bán hàng?!

Riêng với HQC, ông Tuấn chia sẻ thêm, trong 15 dự án nhà ở xã hội, theo tiến độ và cam kết, HQC đang có tiến độ phát triển ở một số dự án cụ thể đã được khởi động, đầu tư giai đoạn qua, như sau:

QCH Plaza có 1725 căn hộ, tới 30/3 sẽ bàn giao 2 block HQC 1 và HQC2 với khối lượng 500 căn và 30/6 bàn giao 1225 căn. Số tiền vay từ gói tín dụng của khách hàng hiện giải ngân được 145 căn với 535 tỷ đồng. Đây là dự án 100% nhà ở xã hội nên tới thời điểm 1/6, với tiến độ như vậy, sẽ giải ngân được 95% cho khách hàng.

Một số các dự án khác đang trong tiến độ thực hiện, chưa hoàn thành như HQC Nha Trang (hiện xây tới tầng 7), HQC Hóc Môn đã xong phần thô (dự kiến bàn giao 1/6), HQC Hóc Môn, HQC Phú Tài, HQC Hồ Học Lãm cũng đều đã xong phần móng và từ nay đến 1/6 đều được giải ngân bình thường. 

Hiện có hơn 30 ngân hàng cùng tham gia giải ngân đồng bộ khách hàng vay mua sản phẩm các dự án này, theo lãi suất và nguồn vốn từ gói 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay cả khi gói 30.000 dừng lại đúng quy định thời hạn hết hiệu lực, thì các dự án này đều vẫn sẽ triển khai theo đúng tiến độ như bình thường. Phía khách hàng, tôi cũng có cơ sở để khẳng định khách hàng vay ngân hàng để mua sản phẩm dự án nhà ở xã hội sau ngày 1/6/2016 cũng không bị ảnh hưởng như thông tin trên thị trường gần đầy. Bởi căn cứ trên Luật Nhà ở 2014, tiếp đó là Nghị định 100/NQ-CP, Văn bản số 9512-NHNN-TD về việc tham gia cho vay vốn ưu đĩa thực hiện chính sách nhà ở xã hội ban hành ngày 10/12/2015… Luật đều quy định rõ đối với nhà ở xã hội chắc chắn khách hàng sẽ được vay vốn ưu đãi 15 năm, lãi suất vay không quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ, với chủ đầu tư được vay tới 70% giá trị đầu tư, riêng nhà ở xã hội dành cho công nhân thuê được vay tới 80%”, ông Tuấn khẳng định. 

Đại diện HQC cũng bày tỏ: "Chúng tôi tin tưởng sẽ sớm có những hướng dẫn mới từ các cơ quan quản lý để người vay mua nhà ở xã hội trên thị trường an tâm, có thể vay từ các tổ chức cụ thể sau ngày 1/6. Hiện đang có 2 tổ chức đề xuất lãi suất cho vay nhà ở xã hội trong giai đoạn mới sẽ khoảng 4,5%-4,8%”. 

Theo Bộ Xây dựng, tính đến 2015, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 135 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 51 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô 25.850 căn hộ và 84 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, quy mô xây dựng 28.550 căn hộ. Cũng tính đến hết tháng 12/2015, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 22 m2 sàn/người (tăng 1,1 m2 sàn/người so với năm 2014, tăng 4,5 m2 sàn/người so với năm 2010). Năm 2015, cả nước phát triển thêm khoảng 1 triệu m2 nhà ở xã hội khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt khoảng 2,8 triệu m2. Bộ Xây dựng cho biết đang tiếp tục triển khai 108 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 61.290 căn hộ và 63 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ. Riêng chương trình nhà ở sinh viên đã hoàn thành 85/95 dự án, giải quyết chỗ ở cho khoảng 220.000 sinh viên.

Tính chung trong giai đoạn 2011-2015, khoảng 780.000 căn nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng, giải quyết chỗ ở cho khoảng trên 3 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách. Kết quả nói trên có sự hỗ trợ nhất định của gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2015, tổng số tiền đã cam kết là 26.999 tỷ đồng (đạt 90%), đã giải ngân là 17.711 tỷ đồng (đạt 59%).

Thuận Hóa 
(Diễn đàn Doanh nghiệp) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: