Tiền tỷ trôi theo... sóng biển

Thứ sáu, 02 Tháng 12 2016 00:08 Diễn đàn Doanh nghiệp
In

Những ngày đầu tháng 11 vừa qua, thời tiết thất thường, sóng biển dần ăn sâu vào đất liền, lan dài ra phía Bắc, phá vỡ nhiều công trình, cuốn theo hàng trăm tỷ đồng xuống biển Hội An. Điều đáng nói, cách đây vài năm, đây chính là những khu resort hoành tráng.

Trở lại biển Cửa Đại vào những ngày đầu tháng 11/2016, trước mắt chúng tôi chỉ xơ xác hàng dừa hỏng gốc, những bờ kè bê tông bị sóng hất tung được thay bằng những hàng cừ tre đan vào nhau chất đầy bao cát bên trong…  


Một khu resort bị bỏ hoang do sóng biển tấn công biến thành khu nhà ma bên bờ biển Cửa Đại, Hội An 

Hậu quả resort gánh

Còn nhớ, cách đây hơn 15 năm, Quảng Nam mở cửa thu hút những dự án hàng chục, hàng trăm triệu USD đổ vào vùng ven biển để phát triển du lịch. Hàng loạt resort, khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao mọc dày ven biển và kéo theo một lượng lớn du khách “hạng sang” đổ về đây. 

Đơn cử như khu nghỉ dưỡng Fusion – một khu nghỉ dưỡng 5 sao đã hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2014. Tuy nhiên, chỉ cách ngày khánh thành vài hôm, toàn bộ bờ kè chắn phía mặt biển và hai bên được xây dựng cao hơn 5 m bị sóng biển công phá, đánh sập khiến cả khu nghỉ dưỡng bỏ hoang từ đó đến nay…

Một khu resort gần đó đã xây dựng xong phần thô của những căn biệt thự sang trọng nằm sát bờ biển khu vực Cửa Đại cũng đành phải bỏ hoang. Ông Nguyễn Thanh Sang, chủ của khu resort Palm Garden Resort nằm ở phía bắc bãi biển Cửa Đại cũng đang bị sóng biển tấn công cho biết: ông mất ăn mất ngủ suốt mấy năm nay đang tìm mọi biện pháp để chống đỡ cứu lấy khối tài sản hàng chục triệu USD của mình đang bị sóng biển đe dọa. 

Nguyên nhân một phần cũng từ… resort

Ngược thời gian về những năm 1997 sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, chính quyền địa phương bắt đầu “thanh lý” những khu rừng phòng hộ ven biển, và thay vào đó là những resort triệu USD để phát triển ngành “khu công nghiệp không khói”. Và chỉ trong một thời gian ngắn, những dải rừng phòng hộ ven biển đã bị triệt hạ nhường đất cho những ông chủ triệu đô tiến hành xây dựng resot, khu nghỉ dưỡng để đến bây giờ hậu quả sau những cơn bão là bờ biển bị biến dạng, cát bay vùi lấp và gây hại cho dân lành nơi miền ven biển này.

Bên cạnh đó, tại hội thảo “cửa sông, bờ biển và kỹ thuật sông” để lấy ý kiến khắc phục tình trạng bờ biển Cửa Đại bị sạt lở, hầu hết các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, nguyên nhân bờ biển Cửa Đại sạt lở nặng ngoài lỗi của resort do thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn ngăn sông, suối không cho cát và bùn đổ về.

Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho rằng, việc sạt lở bờ biển Cửa Đại đang được dư luận xã hội quan tâm. Phải tìm ra giải pháp căn cơ, lâu dài. 

Giải pháp nào?

Từ ngày biển Cửa Đại bị hiện tượng xâm thực cực đoan “xoá sổ” chỉ trong một thời gian ngắn, ngành du lịch Hội An bị thất thu nghiêm trọng vì các công trình du lịch, các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng ven biển vắng khách. Nếu như trước đây, các khu nghỉ dưỡng ở Cửa Đại lúc nào cũng “ngựa xe như nước…” thì năm nay, các khu này vắng tanh.

Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Dũng cho biết tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại bắt đầu nghiêm trọng từ năm 2009. Để chống sạt lở, chính quyền Hội An đầu tư xây kè bằng bê tông để gia cố bờ biển, sau đó là kè mềm bằng bao địa mua từ Hà Lan.

Theo ông Dũng, việc đầu tư xây kè chắn từ năm 2011 đến nay, ngân sách tỉnh, trung ương và TP đã “hơn 82 tỷ đồng những vẫn không giữ được. Hiện ngân sách đang duyệt chi khoảng 25 tỷ đồng để tiếp tục xây dựng kè mềm đối với 650 m bờ biển đang sạt lở theo nguồn vốn trung ương vừa cấp. Ngoài ra, UBND Hội An cũng xin chuyển 80 tỷ đồng đã được phê duyệt xây kè ở phía nam Cửa Đại qua nạo vét luồng lạch để lấy cát bơm vào khu vực sạt lở để cứu được bờ biển Cửa Đại”.

Nói về những giải pháp cấp bách để cứu bờ biển, Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, trước mắt, địa phương tổ chức kè bằng cọc tre và bao cát để giữ bãi biển tạm thời. 

Hàng loạt khách sạn, khu resort dọc theo bờ biển Cửa Đại – Hội An đầu tư hàng chục triệu USD bị sóng biển đánh tan tành, bỏ hoang từ nhiều năm nay tàn tạ như những khu nhà ma bên bờ biển. 

Để khắc phục hậu quả trước mắt, chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp cũng đã triển khai nhiều công trình chống xói lở; tuy nhiên đây chỉ là giải pháp cục bộ, chưa dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học tổng thể nên việc phòng chống bồi tụ, xói lở ở khu vực này lại gây xói lở ở vùng khác. Để đảm báo việc chống xói lở, ổn định lâu dài, bảo vệ kết cấu hạ tầng đối với khu vực bờ biển Cửa Đại cần thiết phải nghiên cứu một cách khoa học, tổng thể, đồng bộ và có các giải pháp đầu tư theo từng giai đoạn nhằm xây dựng, phục hồi bờ biển ổn định, lâu dài” - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh

Theo tính toán sơ bộ, nguồn kinh phí để cải tạo bờ biển Cửa Đại cần ít nhất 1.200 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn kinh phí đầu tư. Và trong khi chờ nguồn tiền, sóng biển Cửa Đại vẫn “nuốt chửng” nhiều khu resort. 

Lê Bảo 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: