Hầm đường bộ Đèo Cả: Hiện thực hóa giấc mơ chinh phục các ngọn đèo

Thứ năm, 02 Tháng 2 2017 06:23 Báo Đầu tư
In

Theo kế hoạch, tháng 7/2017, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả sẽ chính thức khánh thành, đưa vào khai thác Hầm đường bộ qua Đèo Cả, đánh dấu việc hiện thực hóa giấc mơ chinh phục các ngọn đèo của người Việt Nam.

Rộn ràng 2017

Năm 2016 ghi nhận giai đoạn nước rút của toàn Dự án Đầu tư xây dựng hầm Đèo Cả trải dài từ hầm đường bộ qua Đèo Cả đến hầm qua đèo Cù Mông và kết thúc tại Dự án mở rộng hầm Hải Vân. Trên 3 hạng mục này in đậm dấu chân “người làm hầm Đèo Cả”. Mỗi mét hầm, từng chặng đường đều thấm đượm giọt mô hôi của công nhân thuộc các nhà thầu đến từ mọi miền đất nước, tất cả đều mang “tinh thần Việt” với chung khát vọng: chinh phục những ngọn đèo. 

Điểm nhấn từ hạng mục hầm đường bộ qua Đèo Cả dài gần 4.500 m là, đã chính thức được thông vượt tiến độ đề ra từ tháng 6/2016, tạo cú huých tinh thần cho chủ đầu tư và tổ hợp các nhà thầu tham gia toàn dự án trong việc đẩy nhanh tiến độ, vận hành toàn tuyến dự án, cán đích mục tiêu đề ra trong năm 2017. Cùng với việc thông tuyến kỹ thuật hầm qua Đèo Cả, việc vận hành hiệu quả Dự án qua hầm Đèo Cả một cách khoa học, linh hoạt đã giúp tiết kiệm gần 4.000 tỷ đồng, chuyển sang đầu tư hầm Cù Mông. 

Việc triển khai cùng lúc hai dự án hầm, chinh phục hai ngọn đèo trắc trở là một thách thức không nhỏ đối với chủ đầu tư và tổ hợp nhà thầu, nhưng cũng là thuận lợi khi hạng mục hầm đèo Cù Mông được vận hành suôn sẻ từ việc đúc kết kinh nghiệm của Đèo Cả. Và cũng chính những nhà thầu Việt đã được tôi luyện thử thách từ Dự án hầm Đèo Cả để chinh phục hầm đèo Cù Mông. Kết quả là, sau hơn 1 năm kể từ ngày khởi công, hầm Cù Mông đã khoan được 580 m/2.600 m và phấn đấu đến tháng 12/2017 sẽ chính thức thông hầm, được đánh giá là thành quả đáng ghi nhận của chủ đầu tư và tổ hợp nhà thầu.

Từ Đèo Cả, Cù Mông đến Hải Vân, một khoảng cách hơn 400 km, nhưng chung một dự án, cùng một chủ đầu tư và đặc biệt cùng chung một khát vọng chinh phục những ngọn đèo, một khát vọng không chỉ dừng lại ở những con số kinh tế đơn thuần, mà còn mang đậm tính tính xã hội, với mong ước giảm thiểu những rủi ro không đáng có trên hành trình xuyên Việt. Đặc biệt, nó còn mang đậm một tinh thần dân tộc Việt với khát vọng chinh phục, khát vọng làm cho đất nước ngày càng giàu đẹp hơn thông qua việc góp phần đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế.

Chính thức được phê duyệt từ tháng 2/2016, sau hơn 10 tháng tổ chức đầu tư, thi công, hạng mục Dự án mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân đã cơ bản hoàn thành giai đoạn I và chính thức khởi động giai đoạn II. Có thể nói, đây là bước tiến thần tốc của chủ đầu tư trong công tác triển khai dự án này.

Đại diện chủ đầu tư dự án, ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả nhìn nhận, năm 2017 thật sự là một năm hết sức bận rộn đối với toàn dự án, khi đồng loạt ba hạng mục hầm Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân sẽ tăng tốc hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Cụ thể, kế hoạch khánh thành hầm đường bộ qua Đèo Cả vào tháng 7/2017 đã được HĐQT Công ty thông qua. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm là dốc toàn lực tập trung hoàn thiện bên trong hầm (thiết bị, vỏ hầm, nền hầm…). Ngoài ra, các tuyến giao thông kết nối vào hầm (đường dẫn, trạm thu phí, trung tâm điều hành…) cũng sẽ hoàn tất trước tháng 7 để chính thức khánh thành và đưa vào khai thác hầm Đèo Cả trong tháng 7/2017.

Trong khi đó, đối với hạng mục hầm qua đèo Cù Mông, mục tiêu là thông hầm vào tháng 12/2017, trong khi tổng chiều dài hầm còn khoảng 2.000 m, vì vậy các nhà thầu sẽ đẩy nhanh tiến độ để kịp kế hoạch đề ra. Đối với hầm Hải Vân, dự kiến sẽ hoàn thành giai đoạn I vào tháng 3/2017 và đẩy nhanh tiến độ triển khai giai đoạn II. “Với khối lượng công việc rất lớn, năm 2017 sẽ là năm hết sức rộn ràng trên toàn dự án”, ông Mai nói. 

Chắp cánh cho các địa phương miền Trung

"Mỗi mét hầm, từng chặng đường đều thấm đượm giọt mô hôi của công nhân thuộc các nhà thầu đến từ mọi miền đất nước, tất cả đều mang “tinh thần Việt” với chung khát vọng: chinh phục những ngọn đèo." 

Từ hầm Đèo Cả, Cù Mông đến Hải Vân, ba dự án cùng một hy vọng, cùng một mục đích, đó là tháo “nút thắt” để mở toang cánh cửa giao thương, tạo sự liên kết vùng sâu hơn và thiết thực hơn, đúng như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 03/2014/QĐ-TTg về xúc tiến đầu tư, trong đó khẳng định vai trò của sự liên kết vùng trong xúc tiến. 

Tại các hội thảo về vùng Duyên hải miền Trung, từ TS. Trần Du Lịch đến PGS-TS. Trần Đình Thiên đều khẳng định, để vùng Duyên hải miền Trung phát triển xứng tầm thì nhất thiết phải liên kết. Từ lý thuyết đến thực tiễn thì rõ ràng, việc liên kết có hiệu quả hay không tùy thuộc vào điều kiện liên kết hạ tầng cứng đến các cơ chế, chính sách phục vụ hạ tầng mềm. Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên vẫn là, cơ hội giao thương giữa các địa phương có thuận lợi hay không phụ thuộc rất nhiều vào hạ tầng cứng như đường bộ, đường sắt và hàng không.

Ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư tỉnh Phú Yên nhắc đi nhắc lại sự cần thiết về khai thông các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh Phú Yên, xem đây là điều kiện tiên quyết để giải quyết các bài toán còn lại phục vụ sự phát triển kinh tế tỉnh Phú Yên. Và đến thời điểm này, Bí thư Huỳnh Tấn Việt đã thở phào nhẹ nhõm khi mong muốn của ông và cả tỉnh Phú Yên đã trở thành hiện thực, với việc “chinh phục” hai ngọn đèo Cù Mông, đèo Cả, vốn như hai tường thành chia cách tỉnh Phú Yên với bên ngoài trong suốt chiều dài lịch sử. Và chỉ vài năm nữa thôi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa sẽ tạo thành thế chân kiềng, kết nối giao thương, mở rộng hợp tác, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nhìn nhận về Dự án hầm Cù Mông, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, trong chiến lược phát triển Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định định vị được hướng phát triển thành phố trong tương lai là mở rộng theo hướng Đông Bắc hoặc hướng Tây. Ở hướng Đông Bắc, tỉnh sẽ dựa trên tuyến đường ven biển kết nối Khu kinh tế Nhơn Hội với Sân bay Phù Cát. Hướng Tây sẽ lấy tuyến Quốc lộ 1A và tuyến Quốc lộ 19 - một huyết mạch được cho là cánh cửa của Tây Nguyên. Hiện tại, dọc tuyến Quốc lộ 1A đang được quy hoạch phát triển khá mạnh với ga Diêu Trì và cả vệt đô thị kéo dài đến chân đèo Cù Mông.

“Việc đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cù Mông đã tạo nên một điểm nhấn quan trọng cho sự phát triển về hướng Tây của TP. Quy Nhơn trong tương lai. UBND tỉnh Bình Định tin rằng, khi dự án này hoàn thành, sẽ góp phần mở toang cánh cửa cho Bình Định nói chung và TP. Quy Nhơn phát triển”, ông Dũng nhìn nhận.

Tháng 7 tới đây, khi Hầm đường bộ qua Đèo Cả chính thức được đưa vào khai thác, người dân thôn Sơn Hòa hay Đại Lãnh sẽ vơi đi nỗi buồn khi nghe những tiếng khóc thương sau những tai nạn thảm khốc. Và ngọn Đèo Cả sừng sững kia vẫn còn đó, vẫn nghiêng mình in bóng trong làn nước xanh biếc của Vịnh Vũng Rô. Trên đỉnh đèo sẽ chào đón du khách thập phương đổ về ngắm cảnh sơn thủy hữu tình, mà không phải lo lắng hoặc ngạt thở bởi các dòng xe lừ lừ leo lên đỉnh đèo.

Một cảnh bình yên đầy hạnh phúc đang đón chờ nơi Đèo Cả!

Nguyệt Minh 
(Báo Đầu tư)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: