“Luật Quy hoạch không lấy đi chức năng nhiệm vụ của ai”

Thứ tư, 22 Tháng 2 2017 19:34 VnEconomy
In

Luật Quy hoạch khi được ban hành “không lấy đi nhiệm vụ chức năng của ai và không ảnh hưởng gì đến hoạt động bình thường của các bộ ngành”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định tại hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 22/2. 

Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ hai (cuối năm 2016). Sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về những vấn đề còn khác nhau tại phiên họp tháng 1/2017.  


Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Quy hoach do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, sáng 22/2. 

“Đặt tính thống nhất lên đầu”

Tại đây, một số bộ vẫn có ý kiến “ngược” với Chính phủ, trong đó có những băn khoăn về chức năng nhiệm vụ khi luật được ban hành. 

Ở dự thảo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý giải trình dự án Luật Quy hoạch vừa được gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo luật đã được tiếp thu và bố cục lại gồm 6 chương và 69 điều.

Dự thảo luật mới nhất đã bổ sung một số điểm, khoản quy định về quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch.

Đồng thời đã rà soát, bổ sung nội dung báo cáo các loại quy hoạch, trình tự thẩm định quy hoạch, bổ sung thủ tục thẩm tra quy hoạch trong phê duyệt quy hoạch, các quy định liên quan đến điều chỉnh quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch

Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói, luật sẽ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, môi trường.

“Một trong những điểm mới quan trọng nhất của dự thảo luật là đặt tính thống nhất trong quản lý Nhà nước và hiệu quả sử dụng nguồn lực của quốc gia lên hàng đầu”, ông Đông nói.

Trong khi đó, lĩnh vực quy hoạch cần có một luật khung là quan điểm của TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Theo ông Liêm, khi quy hoạch được vận dụng trong công tác quản lý nhà nước thì được gọi là “quy hoạch công” hoặc đơn giản là “quy hoạch” và cần được điều chỉnh bằng luật pháp. Luật Quy hoạch được dự thảo nhằm đáp ứng yêu cầu này.

Khi nhiều ngành hẹp có liên quan mật thiết với nhau và hình thành hệ thống ngành rộng thì chúng cần được lập quy hoạch phát triển chung một cách đồng bộ để phát huy hiệu quả tối đa trong cùng một quy hoạch, gọi là “quy hoạch tích hợp”. 

“Hệ thống quy hoạch lỗi thời”

Quy hoạch ngành sản phẩm cũng là vấn đề còn nhiều băn khoăn.

Báo cáo giải trình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc quản lý đối với những ngành sản phẩm trong thời gian tới sẽ không bằng quy hoạch nữa mà theo hướng sử dụng các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đặc biệt là nhiệm vụ cung cấp thông tin, tín hiệu, xu hướng thị trường…

Các nội dung này sẽ do các ngành tự xác định căn cứ vào nhu cầu quản lý của mình và sẽ được bổ sung trong quá trình sửa đổi các quy định hiện hành về quy hoạch. Ngoài ra, đối với các ngành sản phẩm có sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản sẽ không lập quy hoạch sản phẩm mà chỉ lập quy hoạch khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên đó.

Bên lề hội thảo, trao đổi thêm với báo chí, ông Liêm cho rằng, việc dự thảo luật xóa bỏ hàng loạt quy hoạch sản phẩm là đúng đắn, cần thiết.

“Khi sản xuất một sản phẩm nào đó, chúng ta luôn phải có tầm nhìn, nhưng tầm nhìn ấy không nhất thiết phải thể hiện bằng quy hoạch để khuôn phép hóa thị trường. Tôi cho việc một số bộ ngành sợ mất quyền ban phát nên phản đối điều này là chưa vì cái chung”, ông Liêm nhìn nhận.

Ủng hộ việc ban hành Luật Quy hoạch, đề cập băn khoăn được gì mất gì khi Luật Quy hoạch được ban hành, KTS. Trần Trọng Hanh cho rằng, cái mất là những bất cập, tồn tại, yếu kém của hệ thống quy hoạch lỗi thời hiện nay đang vận hành, đang tạo ra những đồ án quy hoạch “cọc cạch”, “đầu Ngô mình Sở”.

“Cái được và cũng là cơ hội để chúng ta cải cách công tác quy hoạch cũ còn vương vấn bởi nền kinh tế quan liêu, bao cấp để chuyển sang thể chế quy hoạch tiên tiến, phù hợp với nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, ông Hanh phát biểu.

Về độ “vênh” nhất định giữa dự thảo Luật Quy hoạch với Luật Đất đai hiện hành, chuyên gia Đặng Hùng Võ bình luận: dự thảo Luật Quy hoạch cần có quy định cụ thể hơn về quá trình thực hiện tích hợp các loại quy hoạch, trong đó có quy hoạch sử dụng đất, vào phương án quy hoạch tích hợp thống nhất.

Trình tự, thủ tục của quá trình tích hợp phải được quy định rõ ràng, mô tả đầy đủ công việc của các cơ quan quản lý ngành, trong đó có cơ quan quản lý đất đai. Mặt khác, khung pháp luật về quy hoạch sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai 2013 cũng cần được điều chỉnh trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.

Theo dự kiến, Luật Quy hoạch sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017). 

Nguyễn Lê 
(VnEconomy)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: