TP.HCM muốn tự quyết việc xây dựng các tuyến metro

Thứ bảy, 16 Tháng 6 2018 12:37 Một Thế Giới
In

Trước tình trạng các tuyến đường sắt đô thị (metro) đang có nguy cơ trễ hẹn so với đích dự kiến, UBND TP.HCM kiến nghị các bộ ngành phân quyền cho UBND cấp tỉnh trong việc quyết định phê duyệt các dự án. Việc này nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các metro trên địa bàn thành phố. 

UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải những vấn đề về chủ trương, chính sách và kế hoạch phát triển đường sắt Việt Nam trong thời gian tới. 

Theo đó, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm thực hiện đầu tư phát triển các tuyến đường sắt quốc gia liên quan đến địa bàn TP.HCM và tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ theo quy hoạch được duyệt.  


Bản đồ quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị tại TP.HCM.
(Ảnh: Sở GTVT TP.HCM) 

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị (metro) trên địa bàn thành phố, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù để phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh trong việc quyết định phê duyệt các dự án đường sắt đô thị. Đồng thời, Bộ cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật dùng chung để triển khai việc tích hợp và kết nối giữa các tuyến đường sắt đô thị. 

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, hiện nay đối với các dự án metro, thời gian xem xét và phê duyệt danh mục tài trợ của các bộ ngành trước khi trình Thủ tướng còn khá chậm. Thời gian chuẩn bị các dự án mất khoảng 2-3 năm nên khi dự án đi vào giai đoạn triển khai thực hiện thường phải điều chỉnh lại thiết kế, tổng mức đầu tư cho phù hợp với tình hình thực tế.

Chưa kể, các dự án metro với đặc thù vốn đầu tư lớn (hàng tỉ USD), thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia nên sẽ do Thủ tướng phê duyệt. Như vậy, thủ tục trình duyệt dự án phải qua nhiều cấp, có thể dẫn đến chậm trễ việc triển khai.

Cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đường sắt đô thị của Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Một số quy định về đầu tư theo luật pháp Việt Nam có sự khác biệt so với các quy định của các nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian để xin ý kiến đồng thuận của nhà tài trợ, làm ảnh hưởng tiến độ dự án.

Do đó, kiến nghị trên của thành phố sẽ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn.

Theo quy hoạch, tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố là 220km, dự kiến tổng vốn đầu tư là 25 tỉ USD. Hiện tại, chỉ có tuyến số 1 và số 2 được triển khai đầu tư từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi, tuyến số 5 (giai đoạn 1) đã có cam kết tài trợ hoàn thiện thiết kế cơ sở và dự án đầu tư.

Tuy nhiên, tuyến metro số 1 của TP.HCM đang có nguy cơ trễ hẹn về đích vào năm 2020. Mặc dù TP.HCM đã thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý thực hiện dự án đúng quy định nhưng nguồn vốn thực hiện dự án vẫn đang khó khăn.

Cụ thể, dự án ban đầu được phê duyệt từ hơn 17.000 tỉ đồng vào năm 2007 nhưng đến tháng 9.2011, UBND TP.HCM đã ra quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư dự án lên 47.000 tỉ đồng.

Theo Nghị quyết 49, dự án có vốn từ 35.000 tỉ đồng phải trình Quốc hội. Vì thế, tháng 5.2011, TP.HCM đã có một văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư kiến nghị báo cáo Quốc hội về công tác điều chỉnh vốn với dự án. Không những vậy, hằng năm, UBND TP.HCM đều có báo cáo với Bộ Giao thông vận tải để Bộ báo cáo Quốc hội về dự án.

Tương tự, tuyến metro số 2 cũng xin chậm về đích đến 4 năm (dự kiến 2024) do “đội vốn” từ từ 1,374 tỉ USD lên 2,173 tỉ USD (tăng thêm 58%). 

Phan Diệu 

(Một Thế Giới) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: