Minh bạch chia sẻ doanh thu trong dự án PPP rõ hơn

Thứ hai, 22 Tháng 6 2020 05:51 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Các quy định về Hợp đồng đối tác công - tư (PPP) trước đây thường chưa quy định rõ về cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư trong các dự án PPP. Khi Luật PPP lần đầu tiên được thông qua tại Quốc hội hôm 18/6, cơ chế này đã được hình thành rõ ràng.

Cơ chế chia sẻ phần tăng - giảm doanh thu như thế nào trong các dự án PPP là vấn đề được dư luận quan tâm nhiều nhất xung quanh quy định về đấu thấu tất cả các dự án PPP hay không. Đây được xem là "lỗ hổng" khiến nhà nước và nhà đầu tư đều gặp rắc rối, hoặc là vùng đất cho "lợi ích nhóm" hoành hành trước đây do không rõ ràng.


Các dự án PPP, trong đó có BOT giao thông quy định cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư ngày càng rõ hơn.
(Ảnh:TL)

Tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về dự luật khi thông qua, nhiều ý kiến nhất trí phải có cơ chế chia sẻ giữa Nhà nước và nhà đầu tư và đề nghị lựa chọn áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo phương án 1 đã trình Quốc hội. Có ý kiến đề nghị quy định biên độ tăng, giảm doanh thu ở mức 15-20% để áp dụng cơ chế chia sẻ này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định lựa chọn phương án 1, áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng - giảm doanh thu. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 quy định biên độ tăng - giảm doanh thu ở mức 25% (tương ứng với mức tăng doanh thu từ 125% trở lên và mức giảm doanh thu từ 75% trở xuống).

Từ kinh nghiệm một số nước và thực tiễn triển khai một số dự án BOT giao thông, dự thảo Luật quy định: khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu; khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu. Do vậy, Quốc hội chấp thuận cho giữ biên độ tăng, giảm doanh thu ở mức 25%.

Về việc cần xác định rõ hơn việc thực hiện cơ chế chia sẻ do lỗi của Nhà nước để bảo đảm tính pháp lý; đề nghị phải quy định chặt chẽ trong luật phương thức kiểm soát doanh thu. Trường hợp thay đổi về chính sách, pháp luật hoặc do những thay đổi lớn về quy hoạch thì Nhà nước phải bồi thường, đền bù cho nhà đầu tư, không phải chia sẻ theo tỷ lệ 50 % - 50%. Có ý kiến đề nghị khi doanh thu giảm mà không phải do thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật, có thể do điều kiện khách quan, bất khả kháng thì các bên đàm phán và quy ra tỷ lệ chia sẻ phù hợp; đề nghị bổ sung quy định “đã được Kiểm toán nhà nước đánh giá kết quả tăng, giảm doanh thu” trước khi thực hiện việc chia sẻ.

Luật đã được điều chỉnh  theo hướng không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, trong đó có điều kiện xác định việc giảm doanh thu phải do lỗi từ phía Nhà nước, cụ thể do quy hoạch, chính sách, pháp luật thay đổi. Khi doanh thu giảm mà không phải do các nguyên nhân này thì không được áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu.

Tỷ lệ 50%-50% khi chia sẻ phần tăng - giảm doanh thu thể hiện đúng bản chất chia sẻ rủi ro, bảo đảm sự bình đẳng trong mối quan hệ chia sẻ giữa Nhà nước và tư nhân và bảo đảm minh bạch, rõ ràng hơn so với trường hợp thực hiện đàm phán, quy ra tỷ lệ chia sẻ doanh thu giữa các bên. Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm soát doanh thu hàng năm quy định tại luật. Và việc chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu chỉ được áp dụng sau khi được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần tăng, giảm doanh thu.

Luật cũng xác định cơ chế chia sẻ doanh thu đối với tất cả các dự án PPP khi đáp ứng các điều kiện quy định, không phân biệt dự án do cơ quan có thẩm quyền lập hay do nhà đầu tư để xuất...Tuy nhiên, sự chia sẻ này chỉ áp dụng khi chính sách pháp luật thay đổi khiến dự án trở nên rủi ro.

Riêng những dự án PPP đầu tư ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo thì có tổng mức đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng; các dự án PPP tại các địa bàn, lĩnh vực khác có tổng mức đầu tư tối thiểu là 200 tỉ đồng. Quy định này phù hợp với nhiều địa phương, các lĩnh vực đầu tư khác nhau nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở những nơi khó khăn, có ý nghĩa lớn về mặt xã hội và giúp nhiều đối tượng được thụ hưởng trong khi nguồn lực đầu tư công còn hạn hẹp, không đáp ứng được nhu cầu.

Riêng đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý thì không khống chế tổng mức đầu tư tối thiểu do loại dự án này không có cấu phần xây dựng.

Lan Nhi

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: