TPHCM 2021: Đầu tư PPP khó khăn hơn vì không còn hình thức BT

Chủ nhật, 05 Tháng 7 2020 10:02 Thời báo Kinh tế Sài Gòn
In

Vào đầu năm 2021, khi Luật hợp tác công tư (PPP) có hiệu lực, TPHCM được dự báo là sẽ gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư cho các dự án. Lý do: theo luật mới, hình thức đầu tư xây dựng và chuyển giao (BT) bị bãi bỏ và tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án phải là 200 tỉ đồng và còn hạn chế nhiều lĩnh vực đầu tư.

Đây là vấn đề được Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu ra tại buổi giám sát của HĐND TPHCM về công tác quản lý đầu tư đối với các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) ngày 3/7.


Đường Phạm Văn Đồng, TPHCM được đầu tư xây dựng theo hình thức BT
(Ảnh: Anh Quân)

Số liệu được Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM báo cáo tại buổi giám sát cho thấy, thành phố hiện có 22 hợp đồng dự án PPP đã được ký kết với nhà đầu tư với tổng số vốn hơn 64.200 tỉ đồng; có 166 dự án với tổng vốn hơn 324.000 tỉ đồng đang được xúc tiến các thủ tục đầu tư và 293 dự án ở các lĩnh vực, như giao thông, môi trường, giáo dục, y tế... đang được kêu gọi đầu tư.

Nhận định về tình hình đầu tư các dự án PPP ở TPHCM trong thời gian tới, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho rằng khi Luật hợp tác công tư có hiệu lực vào đầu năm 2021, thành phố sẽ gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư cho các dự án, như chống ngập, cống kiểm soát triều cường, trụ sở cơ quan nhà nước, di dời các hộ dân ven kênh rạch...

Lý do, theo ông Tuấn, Luật hợp tác công tư mới đã bãi bỏ quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng và chuyển giao (BT). Trong luật mới cũng quy định tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án phải là 200 tỉ đồng và hạn chế nhiều lĩnh vực đầu tư.

Ông Tuấn cho rằng, TPHCM sẽ có ít dự án đầu tư theo hình thức PPP và sẽ khó phân cấp được cho các quận huyện kêu gọi đầu tư cho các dự án có quy mô dưới 200 tỉ đồng.

Nói về tình hình đầi tư các dự án hạ tầng tại TPHCM, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, cho biết hiện nay TPHCM chủ yếu đầu tư hạ tầng giao thông theo dạng hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) và BT.

Ông Hoan thừa nhận, hình thức đầu tư BT còn nhiều điều bất cập như các nhà đầu tư làm dự án một nơi nhưng lại muốn được thanh toán đất ở một chỗ khác. Hơn nữa, các nhà đầu tư đều chọn lấy đất vì đất sinh lời về sau và có giá trị hơn rất nhiều so với lấy tiền ngay. Do vậy, việc thanh toán quỹ đất cho các nhà đầu tư thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.

Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, sắp tới thành phố sẽ đưa các dự án ra đấu thầu công khai, kêu gọi đầu tư, chứ không để nhà đầu tư tự đề xuất như trước nhằm tránh việc nhà đầu tư nào đề xuất dự án thì nhà đầu tư đó xin chỉ định thầu.

Tại buổi giám sát, Phó chủ tịch HĐND TPHCM Phan Thị Thắng đánh giá, thành phố đã ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP nhưng chưa có thứ tự ưu tiên. Trong quá trình mời gọi đầu tư các sở ngành chưa chủ động kêu gọi mà đa số các dự án do nhà đầu tư chủ động đề xuất rồi sau đó chính quyền xem xét, rà soát và chấp thuận. Điều này dẫn đến việc chưa đảm bảo công bằng để tạo sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư.

Bà Thắng cho rằng, việc dự án bị chậm tiến độ, khiến chi phí tăng cao cũng có trách nhiệm của các sở ngành và các quận huyện. Vì thế, thành phố phải sớm ban hành quy trình cụ thể đối với từng loại hợp đồng của dự án theo luật PPP vừa được Quốc hội ban hành.

Lê Anh

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: