Ngành Xây dựng: Hoàn thiện pháp luật để phục hồi và phát triển sau đại dịch

Thứ hai, 30 Tháng 8 2021 06:06 Báo Xây dựng
In

Tình hình dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp cả trong nước và quốc tế, có tác động không nhỏ đến lĩnh vực xây dựng cơ bản. Cần phải có “liều thuốc” pháp lý mạnh để ngành Xây dựng tháo gỡ những khó khăn trước mắt và sớm hồi phục.

Thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng đầu năm 2021 gặp nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng lớn đến các hoạt động đầu tư xây dựng. Trước bối cảnh đó, cần phải có các giải pháp thay đổi về cơ chế, chính sách, pháp luật để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong ngành Xây dựng.


(Ảnh minh họa, nguồn: TL)

Một số tồn tại, hạn chế của pháp luật

Theo Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng: Các quy định về dự án, gói thầu, công trình khẩn cấp tại Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Xây dựng năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 62/2020/QH14) chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chưa kịp thời ứng phó với yêu cầu khẩn cấp của đại dịch Covid-19.

Về đối tượng dự án/gói thầu/công trình khẩn cấp được quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư công năm 2019 “Dự án đầu tư công khẩn cấp là dự án đầu tư công nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cấp có thẩm quyền”. Tuy nhiên, tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định hình thức chỉ định thầu được áp dụng đối với nhà thầu trong trường hợp hẹp hơn và chưa bao quát so với quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật Xây dựng năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 48 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14) (cụ thể: Các công trình khẩn cấp bao gồm: Công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Công trình được xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo phải thực hiện nhanh để kịp thời đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh năng lượng, nguồn nước, ứng phó sự cố môi trường, phát triển hệ thống công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

Về thủ tục lựa chọn nhà thầu: Theo quy định tại Điều 130 Luật Xây dựng năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 48 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14), Điều 58 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm: giao tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng và các công việc cần thiết khác phục vụ xây dựng công trình khẩn cấp; quyết định về trình tự thực hiện khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng; quyết định về việc giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu của lệnh xây dựng công trình khẩn cấp. Tuy nhiên, Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định đối với các gói thầu khẩn cấp, cấp bách phải thực hiện chỉ định thầu.

Về trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng: Điều 130 Luật Xây dựng năm 2014 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 48 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14), Điều 58 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp và trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công năm 2019 chỉ quy định về một số nội dung như: không phải quyết định chủ trương đầu tư; giao cơ quan chuyên môn lập, thẩm định, trình quyết định dự án mà chưa quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện, nội dung báo cáo đề xuất dự án, nội dung thẩm định dự án, đồng thời cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết hay dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật khác để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra các quy định về đất đai chưa đủ mạnh để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản bứt phá, hồi phục trong đại dịch, một số hạn chế của pháp lý hiện nay có thể kể ra như:

Định chế tài chính về nhà ở, bất động sản chưa đầy đủ; một số cơ chế chính sách về thuế, tín dụng, đất đai còn bất cập ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực cho thị trường và chống đầu cơ bất động sản; thông tin, dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản chưa đầy đủ.

Thiếu các quy định về quyền sử dụng đất đối với các công trình xây dựng với mục đích sử dụng làm căn hộ du lịch (Condotel), biệt thự nghỉ dưỡng (Resort)… và các công trình xây dựng đa năng kết hợp nhiều mục đích sử dụng khác nhau.

Chưa thống nhất về các quy định đối với dự án được hưởng ưu đãi đầu tư (miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…) giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư, đấu thầu, nhà ở.

Chưa thống nhất về các quy định liên quan đến hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư, đấu thầu; chưa làm rõ các trường hợp phải tổ chức đấu thầu.

Chưa có đầu mối quản lý đối với quỹ đất ở làm nhà ở xã hội. Các quy định về kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tính toán giá đất, về chuyển nhượng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân xây dựng nhà ở…; quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp… chưa đồng bộ, chưa chặt chẽ để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Kiến nghị, giải pháp

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có Báo cáo số 79/BC-BXD gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế trong lĩnh vực xây dựng.

Theo đó, Bộ kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số Luật để phù hợp với thực tiễn phòng, chống dịch bệnh, cụ thể:

Cần sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Đầu tư công năm 2019 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án khẩn cấp.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; hoàn thiện các quy định về kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tính toán giá đất, về chuyển nhượng đất đã đầu tư hạ tầng cho người dân xây dựng nhà ở…; quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp,… không để chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích.

Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị bổ sung danh mục phát triển nhà ở xã hội vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; xem xét, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2015 để thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, Bộ cũng gửi kiến nghị, đề xuất đến Chính phủ những giải pháp cấp bách như:

Trong thời gian chưa sửa đổi Luật Đấu thầu năm 2013, Chính phủ có văn bản chỉ đạo thống nhất áp dụng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và các văn bản quy định chi tiết về đối tượng công trình khẩn cấp; trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; triển khai thực hiện và nghiệm thu hoàn thành dự án đầu tư xây dựng/công trình khẩn cấp theo nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện pháp luật về đất đai để giải quyết các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật và trong triển khai thực hiện; hoàn thiện hệ thống các công cụ tài chính, kinh tế đất, đặc biệt là đất đô thị để điều tiết các quan hệ đất đai và quản lý thị trường bất động sản. Trong đó, hệ thống định giá đất đảm bảo được yêu cầu định giá đất phục vụ các mục đích khác nhau trong quản lý, sử dụng và giao dịch về quyền sử dụng đất.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền bổ sung nguồn vốn hỗ trợ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để các Ngân hàng triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội theo nhu cầu và kế hoạch vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo, đề xuất.

Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh phối hợp, triển khai thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017, Quyết định 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đề xuất các Ngân hàng Nhà nước theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là đầu tư, kinh doanh bất động sản, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng; tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân; kiểm soát, ngăn chặn việc sử dụng nguồn vốn cho vay sản xuất, tiêu dùng vào đầu tư, kinh doanh bất động sản.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh cải cách, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, kinh doanh bất động sản…

Chính phủ có chính sách khuyến khích ngành cơ khí chế tạo vật tư, nguyên liệu, phụ tùng thay thế nhằm hạn chế phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu; có chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp mở rộng thị trường tại các quốc gia chưa bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Với các giải pháp trên, Bộ Xây dựng quyết tâm cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh để hồi phục kinh tế xã hội nói chung và ngành Xây dựng nói riêng vượt qua đại dịch.

Hà Khánh

(Báo Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: