Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Vì sao các dự án đường sắt đô thị đội vốn, liên tục gia hạn về đích?

Vì sao các dự án đường sắt đô thị đội vốn, liên tục gia hạn về đích?

Viết email In

Các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM đều có tổng mức đầu tư dự án tăng, thời gian thực hiện kéo dài dẫn đến phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh.

Trong Công văn gửi Đại biểu Quốc hội giải trình một số nội dung dự kiến chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể khẳng định đơn vị này đã phối hợp với địa phương, bộ, ngành liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện để đưa các dự án đường sắt đô thị vào vận hành, khai thác theo tiến độ đề ra.


Vận hành chạy thử đoàn tàu của tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội.
(Ảnh: CTV)

'Chỉ mặt' nguyên nhân chậm trễ

Theo báo cáo của Bộ GTVT, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn-ga Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội quyết định đầu tư và được động thổ từ năm 2008 với quy mô chiều dài tuyến là 12,5km (8,5km đi trên cao và 4km đi ngầm), 8 nhà ga trên cao và 4 ga ngầm, 1 khu Depot. Đến nay, tiến độ dự án đến nay đạt 74,4%, trong đó đoạn trên cao đạt 95,1%, đoạn ngầm đạt 33%; dự kiến điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án đến tháng 12/2027.

Tại phía Nam, dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến Bến Thành-Suối Tiên dài 19,7km (đi ngầm 2,6km; đi cao 17,1km) với 14 nhà ga (3 nhà ga ngầm, 11 nhà ga trên cao và 1 Depot). Công trình này có thời gian thực hiện dự án từ 2007-2021, tiến độ dự án đến nay đạt 90,6%; dự kiến điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công vào cuối quý IV-2023, chậm tiến độ hai năm so với kế hoạch đề ra.

Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành-Tham Lương chiều dài 11,042km (đi ngầm dài 9,091km; đi cao dài 1,95km) với 10 nhà ga (9 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao); thời gian triển khai dự án từ 2011-2026. Đến nay, dự án đã hoàn thành công tác thi công gói thầu CP1 “Xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại Depot Tham Lương,” các gói thầu chính còn lại của dự án đang chuẩn bị triển khai lựa chọn nhà thầu.

Lý giải về việc các dự án này liên tục lùi tiến độ, ì ạch triển khai, ông Thể thừa nhận dự án có công nghệ phức tạp, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam; các đơn vị thực hiện chưa có kinh nghiệm thực tiễn; các gói thầu ngoài việc thực hiện tuân thủ theo pháp luật của Việt Nam còn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định phía nhà tài trợ, trong khi các yêu cầu ràng buộc theo Hiệp định vay đan xen khác nhau theo các nhà tài trợ nên khi triển khai gặp nhiều vướng mắc…

Mặt khác, 'Tư lệnh' ngành giao thông chỉ rõ, công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Mặt bằng triển khai tổ chức thi công trong điều kiện chật hẹp, bàn giao từng phần dẫn đến tiến độ kéo dài; công tác giải quyết các đơn thư, khiếu nại của người dân trong quá trình thực hiện triển khai dự án chịu sự ảnh hưởng bởi chính sách của các nhà tài trợ.

“Năng lực của các chủ đầu tư/Ban quản lý dự án trong việc quản lý các dự án có công nghệ phức tạp, đan xen nhiều nguồn vốn còn hạn chế; sự chỉ đạo, điều hành của địa phương còn lúng túng, chưa kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng. Do đó, tổng mức đầu tư dự án tăng, thời gian thực hiện dự án kéo dài dẫn đến phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh,” Bộ trưởng Thể cho hay.


Toa xe của đoàn tàu tuyến metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh (Bến Thành-Suối Tiên) được tháo dỡ, đưa xuống xe vận chuyển.
(Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Bắt tay tháo gỡ

Đưa ra giải pháp khắc phục, hiện tại, UBND TP.HCM đang hoàn thiện thủ tục trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh gia hạn thời gian giải ngân cho dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Tham Lương, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ dự án và hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư…

Với tuyến Bến Thành-Suối Tiên, UBND TP.HCM đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Chính phủ để điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và bố trí bổ sung hết số vốn ODA cấp phát trung hạn 2021-2025 chưa được giao.

Ở phía Bắc, dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã thành lập Tổ công tác liên ngành để rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ dự án.

Hiện nay, dự án đang tập trung giải quyết các vấn liên quan đến sự khác biệt giữa hợp đồng; quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định về định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị; điều chỉnh hợp đồng tư vấn Systra (hợp đồng trọn gói); giải quyết dứt điểm các khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng đặc biệt là đoạn đi ngầm; khẩn trương hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư.

Về trách nhiệm của các hạn chế trên, Bộ trưởng Thể khẳng định những dự án đường sắt đô thị đang được triển khai tại TP.HCM, Hà Nội đều do UBND thành phố quyết định đầu tư, giao cho các Ban quản lý dự án trực thuộc thành phố làm chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc địa phương thẩm định hồ sơ thiết kế. Do đó, toàn bộ công tác chỉ đạo, điều hành trong quá trình thực hiện các dự án đều thuộc thẩm quyền của chính quyền thành phố.

Bộ GTVT với vai trò là đơn vị quản lý chuyên ngành trong việc theo dõi, kiểm tra và tổng hợp tình hình, thực hiện giám sát đánh giá đầu tư xây dựng công trình thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

“Vì vậy, tới đây, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương, các bộ, ngành liên quan kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện để đưa các dự án vào vận hành, khai thác theo tiến độ đề ra,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Việt Hùng

(Vietnam+)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2053 khách Trực tuyến

Quảng cáo