Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM: Hàng loạt nhà thầu bê bối

Thứ ba, 09 Tháng 3 2010 08:47 Thanh Niên
In

Kế hoạch hoàn thành dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM trước tháng 6.2010 đã phá sản khi thêm một nhà thầu nữa thi công bê bối.

Nhà thầu bị “điểm mặt” lần này là Tổng công ty xây dựng Trung Quốc (tên viết tắt là CSCEC), thi công gói thầu số 10 (cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè). Gói thầu này gồm 3 hạng mục chủ yếu là nạo vét 1 triệu m3 bùn, gia cố hơn 140.000m3 đất và lắp đặt 15.600m cừ bản ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Ngân hàng Thế giới phát hiện hối lộ

Toàn bộ gói thầu này không kịp hoàn thành cuối tháng 2 vừa qua như kế hoạch. Thậm chí đến thời điểm này phần gia cố đất chỉ mới xong 35% và còn đến 20 cầu yếu cần gia cố. Điều đáng nói là các phần việc CSCEC “chừa” lại hiện nay tại gói thầu này đều thuộc dạng “khó  nuốt”, đặc biệt là việc di dời đường ống cấp nước phi 2.000 mm (ở khu vực cầu Điện Biên Phủ). Suốt thời gian qua, CSCEC đã liên tục trì hoãn hạng mục này, khiến gói thầu số 7 cũng chậm trễ theo, bởi tuyến cống bao nằm dưới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn qua cầu Điện Biên Phủ phải chờ di dời xong ống cấp nước mới có thể thi công được.

Ban quản lý dự án đã tính tới phương án gia hạn thêm hợp đồng cho nhà thầu. Tuy nhiên, đề xuất gia hạn cho CSCEC không được nhà tài trợ là Ngân hàng Thế giới (WB) chấp nhận do CSCEC vừa bị phát hiện liên quan đến hối lộ trong một dự án cũng do WB tài trợ ở Philippines. WB đã đưa CSCEC vào danh sách cấm tham gia đấu thầu ở các dự án do WB tài trợ và khẳng định sẽ không rót vốn tiếp cho gói thầu số 10 nếu vẫn sử dụng nhà thầu này.

Thời điểm này, công trường gói thầu số 10 cũng đã bị đình chỉ thi công để tiến hành kiểm kê khối lượng công việc đã hoàn thành và tìm nhà thầu thực hiện công việc còn lại. Theo Ban quản lý dự án, dự kiến gói thầu số 10 sẽ được chia thành 5 gói thầu mới. Nếu WB cho phép chỉ định thầu có thể rút ngắn đáng kể thời gian tìm nhà thầu, còn không thì phải mất từ 6 tháng đến 1 năm chỉ để thực hiện các thủ tục mở thầu, đấu thầu và chọn thầu.

Qua thỏa thuận mới đây, WB đã cơ bản thống nhất sẽ tài trợ cho đến khi hoàn thành toàn bộ dự án, trong đó nhiều khả năng tiếp tục gia hạn lần thứ ba cho gói thầu số 10 đến cuối năm nay.

Vì sao quá nhiều nhà thầu thi công ì ạch?

Dự án nhiều trục trặc

* “Kỷ lục” về chậm trễ: Khởi công từ 2002, dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM đáng lẽ phải hoàn thành cuối năm 2007. Tuy nhiên, thi công ì ạch đến nỗi WB phải gia hạn lần 1 đến cuối năm 2009, gia hạn lần 2 đến tháng 6.2010 và đang tiếp tục cân nhắc gia hạn lần 3.

* “Kỷ lục” về sự cố: Trong quá trình thi công kích cống dưới độ sâu hàng chục mét, ít nhất đã 3 lần xảy ra sự cố rô-bốt kích ống bị mắc kẹt dưới lòng đất. Chi phí trục vớt mỗi rô-bốt mất cả triệu USD - tương đương với giá trị của rô-bốt, tuy nhiên sau khi trục vớt xong cũng không thể tiếp tục sử dụng.

* “Kỷ lục” về xử phạt: Từ khi khởi công đến nay, các nhà thầu thi công dự án đã phải nhận hàng trăm biên bản xử phạt của Thanh tra giao thông vì sự chậm trễ, bê bối. Đỉnh điểm là đơn vị tư vấn CDM phải ra quyết định xử phạt mức 200 triệu đồng/lần với Tổng công ty xây dựng Hà Nội (2 lần) và Công ty liên doanh xây dựng VIC (1 lần). 
Thực tế đây không phải lần đầu tiên dự án Vệ sinh môi trường cắt hợp đồng với nhà thầu. Cuối năm 2008, Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng phụ trách 2 gói thầu thoát nước mưa 12A và 13A cũng bị loại khỏi dự án do thi công quá ì ạch và bê bối.

Theo đà đó, nhiều nhà thầu phụ của dự án cũng bị loại khỏi dự án trong năm 2009, như Công ty CP đầu tư xây dựng Trường Thọ, Công ty TNHH Lê Vương và Công ty TNHH Việt Tổng.

Có thể thấy, chưa có dự án nào mà vấn đề năng lực của nhà thầu lại bê bối như dự án này. Và khi tiền lệ xấu được lặp lại quá nhiều thì dư luận không thể không đặt ra câu hỏi về vấn đề năng lực của chủ đầu tư trong quá trình đánh giá, lựa chọn nhà thầu! Theo TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, năng lực của các nhà thầu trong dự án Vệ sinh môi trường không đáp ứng được yêu cầu nhưng vẫn được chọn chỉ vì bỏ thầu giá rẻ. Trong đó, nhà thầu CSCEC bỏ thầu hạng mục di dời đường ống cấp nước phi 2.000 mm chỉ bằng 25-35% giá bỏ thầu của các nhà thầu khác, có lẽ đây là lý do khiến nhà thầu chây ì thi công phần việc này.

Còn tại gói thầu số 7, nhà thầu Trung Quốc TMEC CHEC 3 đã bỏ thầu thấp hơn giá dự toán đến 20 - 30%. Hậu quả là TMEC - CHEC 3 chây ì thi công và cuối cùng UBND TP.HCM phải chấp thuận một việc chưa từng có là điều chỉnh hợp đồng, rút bớt phần việc của gói thầu số 7 để giảm thiểu công việc cho nhà thầu. Theo đó, tách một phần gói thầu số 7 giá trị 38,7 tỉ đồng thành gói thầu 7A để đấu thầu lại với giá tăng hơn gấp 3 lần (gói thầu 7A được UBND TP duyệt với giá dự toán 124 tỉ đồng và đấu thầu lại với giá dự thầu thấp nhất là 143 tỉ đồng).

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch - Đầu tư lúc bấy giờ, việc tách gói thầu sẽ tạo ra tiền lệ xấu, tạo đà cho các nhà thầu khác khi thi công chậm trễ sẽ đề nghị tách các hạng mục không có lợi và đùn đẩy cho chủ đầu tư.
Cảnh báo không sai!

Quả thật, cảnh báo trên của Bộ Kế hoạch - Đầu tư không sai khi gói thầu số 10 tiếp tục phải tách thành 5 gói thầu khác, với tổng đầu tư chắc chắn sẽ tăng vọt khi chọn nhà thầu mới. Và thực tế là nhà thầu CSCEC sau khi đã “gặm hết nạc” thì dù có bị cắt hợp đồng cũng chẳng tiếc “khúc xương” còn chừa lại.

Chưa hết, nhà thầu TMEC - CHEC 3 mới đây lại tiếp tục bỏ lửng việc thi công đoạn cống bao 400m băng dưới đáy sông Sài Gòn do quá “khó xơi”, vậy nên hạng mục này lại phải tách thành gói thầu 7B và chỉ định thầu cho Công ty Italian - Thai.

Bốn gói thầu thi công mở rộng hệ thống cống thoát nước cấp hai và ba thuộc các khu vực tây bắc, tây nam, đông bắc và đông nam TP.HCM cũng phải tách thành thành 8 gói thầu để đẩy nhanh tiến độ.

Do thi công chậm trễ và liên tục “đẻ” ra gói thầu mới mà đến cuối năm 2009, tổng kinh phí dự án đã đội từ 200 triệu USD lên hơn 350 triệu USD, chưa kể có thể tăng tiếp sau khi tách gói số 10. Số tiền này tuy được WB cho vay nhưng vốn ODA dù có ưu đãi thì vẫn là tiền nợ mà người dân sẽ phải trả.

Phương Thanh - ảnh : Tuổi Trẻ

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: