Vùng ven Hà Nội: “Đích” mới của chủ đầu tư bất động sản

Thứ bảy, 07 Tháng 5 2011 08:55 DĐDN
In

Thời điểm này, thay vì đổ tiền vào các dự án lớn, các nhà đầu cơ, chủ đầu tư đã nhắm đến khu đất các tỉnh ven Hà Nội để đón đầu quy hoạch. Vốn ở thị trường này rất thấp nên khả năng sinh lời và duy trì lợi nhuận là rất cao.
 
“Đánh thức nàng tiên”
 
"Đích" đầu tiên các nhà đầu tư bất động sản (BĐS) nhắm đến là thị trường Vĩnh Phúc. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm dự án lớn nhỏ khác nhau, điển hình như: KĐT sinh thái sông Hồng, Đầm Vạc (37ha); Khu đô thị mới nam Vĩnh Yên (447ha); Khu đô thị mới Hùng Vương (82ha); Khu đô thị mới Sơn Lôi (445ha) và Khu biệt thự Hồ Thiên Nga (14,5 ha)…


Thay vì đổ tiền tỷ vào những dự án lớn, nhà đầu tư đổ tiền trăm triệu vào các khu đất giá bèo nhằm đón đầu quy hoạch
 
Trước đây các doanh nghiệp ngành dầu khí muốn đầu tư vào Hòa Bình, nay chuyển hướng đầu tư về Vĩnh Phúc với kế hoạch xây dựng Đại học Dầu khí và các khu đô thị đi kèm với tổng diện tích hơn 448 ha. Ngoài ra còn có Tổng Công ty Vinaconex, HUD và mới đây là hai dự án đang được CTCP Tập đoàn FLC triển khai là khu liên hiệp khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại Mandola và khu đô thị mới Green City.
 
Thị trường thứ hai được nhiều nhà đầu tư tìm đến là Hưng Yên. Đơn cử như đầu tháng 12/2010, Tập đoàn Hòa Phát khởi công xây dựng khu đô thị có tổng diện tích lên đến 300ha; hay dự án Lotus Blooming Villas có diện tích 131.000m2, tọa lạc tại Xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu. Mới đây nhất, CTCP Traphaco cũng quyết định đầu tư dự án 300 tỷ đồng tại xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.
 
Không chỉ dừng lại ở đó, kể từ khi Hà Nội mở rộng, đặc biệt là khi hình thành trục Đại lộ Thăng Long và đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, nhiều nhà đầu tư Hà Nội đã hướng sự chú ý của mình sang các vùng đầu tư bất động sản sinh thái ven đô như Lương Sơn, Kỳ Sơn (Hòa Bình), Ba Vì (Hà Tây cũ)...Nơi đây hấp dẫn nhà đầu tư không chỉ bởi thông tin tốt về tiềm năng phát triển mà còn là sự cải thiện rõ rệt về cơ sở hạ tầng đồng bộ.
 
Ngoài ra còn hàng loạt các tỉnh như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh…đang được "nhắm" đến bởi khoảng cách về trung tâm thành phố ngắn, lại gần kề với những KCN lớn - nơi được các nhà đầu tư cá nhân đánh giá là có tiềm năng để đầu tư, cả ngắn và dài hạn.
 
Dấu hiệu tốt
 
Theo nhận định, sở dĩ xu hướng đầu tư vùng ven Hà Nội đang trở thành trào lưu bởi trên thực tế giá đất vùng ven chỉ bằng 1/3-1/5 giá bất động sản tại nội đô. Thay vì đổ tiền tỷ vào những dự án lớn thì nhà đầu tư đổ tiền trăm triệu vào các khu đất giá bèo, đón đầu quy hoạch.


Thời điểm này, nhiều chủ đầu tư đã nhắm đến các tỉnh ven Hà Nội
 
Theo ông Mai Tuấn An – Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc An và Cộng Sự, rõ ràng việc các nhà đầu tư BĐS đổ bộ ra vùng ven Hà Nội là có cơ sở. Nguyên nhân bởi Hà Nội sẽ hình thành các chùm đô thị vệ tinh trong tương lai. Hà Nội hiện tại là lõi, các chùm vệ tinh như Vĩnh Phúc, Hưng Yên… sẽ là các chùm đô thị tỏa ra xung quanh.
 
Lấy ví dụ về thị trường Vĩnh Phúc, ông An cho rằng, đây là nơi được các chủ đầu tư “dịch chuyển” về nhiều nhất bởi trong tương lai khu vực này sẽ trở thành Trung tâm kinh tế lớn vùng Thủ đô. Điển hình như cầu Vĩnh Thịnh – Cây cầu bắc qua sông Hồng vừa được Bộ Giao thông Vận tải quyết định đầu tư năm 2010 và dự kiến hoàn thành sau 36 tháng thi công. Khi hoàn thành, cầu Vĩnh Thịnh sẽ nối liền quốc lộ 32, quốc lộ 21, đường Hồ Chí Minh, cửa ngõ phía Tây Hà Nội, thị trấn Xuân Mai, thị xã Sơn Tây với quốc lộ 2, quốc lộ 2B, đường xuyên Á, sân bay quốc tế Nội Bài, thành phố Vĩnh Yên, thành phố Việt Trì và trung tâm công nghiệp mới của tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời kết nối các khu du lịch, nghỉ dưỡng như Suối Hai, Khoang Xanh, Ao Vua (Hà Nội), Tam Đảo, Tây Thiên (Vĩnh Phúc)… Hơn nữa, việc gắn chặt với hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng bằng con đường Xuyên Á rộng 100m càng khẳng định thêm Vĩnh Phúc là một trung tâm kinh tế lớn.
 
Ở các tỉnh khác, giới kinh doanh BĐS cũng rỉ tai, khi vùng ven Hà Nội được kết nối và phát triển, Phố Nối (Hưng Yên) và Từ Sơn (Bắc Ninh) sẽ là một trong những đô thị vệ tinh có nhiều lợi thế khi nằm trên tuyến huyết mạch quan trọng Hà Nội - Hải Phòng và vùng Đông Bắc. Trong khi đó, đại diện Sở Xây dựng Bắc Ninh lại khẳng định, xu hướng các nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư BĐS từ Hà Nội về Bắc Ninh ngày càng nhiều vì thị trường ở đây ổn định và có hệ số an toàn cao, hoạt động kinh doanh, nhất là gần các làng nghề tỉnh Bắc Ninh lại đang phát triển rất mạnh.
 
Dưới góc độ thị trường, ông An nhận định, sự khởi động của các dự án bất động sản lớn ở các vùng ven đô thị, các khu đô thị vệ tinh là một dấu hiệu tốt. Đây sẽ nguồn cung quan trọng cho các KCN, dân cư mới ngoại trung tâm Hà Nội, góp phần kéo dãn sự tập trung dân số và hình thành nên nhưng khu dân cư hiện đại.
 
Ông Nguyễn Thế Giang – Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế Gia cũng khẳng định, đúng là đang có xu hướng các nhà đầu tư bất động sản chuyển hướng ra vùng ven Hà Nội. Các nhà đầu cơ, chủ đầu tư đã nhắm đến thành phố của các tỉnh ven Hà Nội để đầu tư, vốn ở thị trường này rất thấp nên khả năng sinh lời và duy trì lợi nhuận là cao.
 
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Minh – Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh: “Đây là dấu hiệu tốt bởi các chủ đầu tư đã xây dựng một chiến lược dài hạn. Họ xác định đây là thị trường tiềm năng trong 5 – 10 năm nên họ phải bước chân vào để chiếm thị trường. Chính những doanh nghiệp đó vào thì mới thúc đẩy kinh tế vùng phát triển. Như vậy, đất nước đang cần một chiến lược phát triển ổn định, bền vững".
 
Lưu Vân


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: