Các tập đoàn xây dựng kêu lỗ nặng

Thứ năm, 21 Tháng 7 2011 12:17 VEF
In

“Rất”, “hết sức”, “chưa bao giờ” - những từ và cụm từ chỉ mức độ đã được lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn nhắc đi nhắc lại khi trình bày với Bộ Xây dựng về khó khăn, thách thức của hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình hiện tại.

Ông Dương Khánh Toàn, Tổng giám đốc Tập đoàn Sông Đà, mở đầu phần phát biểu của các tập đoàn trong buổi giao ban trực tuyến triển khai nhiệm vụ kế hoạch 6 tháng cuối năm 2011 của Bộ Xây dựng ngày 19/7, đã thu hút sự chú ý của các khán phòng bởi nhiều chỉ số sụt giảm so với kế hoạch mục tiêu đề ra.

Mặc dù đánh giá các đơn vị trong tập đoàn đều đồng tâm cố gắng trong bối cảnh hết sức khó khăn nhưng kết quả mà ông Toàn nêu ra cho thấy, chỉ có 2 chỉ tiêu là tổng giá trị sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách nhà nước của tập đoàn là đạt một nửa kế hoạch năm.

Các con số còn lại, về doanh thu chỉ đạt 49%, ở mức 27.679 tỷ đồng; giá trị đầu tư đạt 44%, ở mức 4.566 tỷ đồng; đặc biệt, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 18% kế hoạch năm, tương đương với 560 tỷ đồng; thu nhập bình quân tháng của 1 cán bộ công nhân viên là 4,26 triệu đồng.

Như vậy dễ thấy, chỉ tiêu lợi nhuận đạt thấp nhất so với kế hoạch. Vị tổng giám đốc lý giải rằng, nguyên nhân chính là chủ đầu tư tại các công trình mà tập đoàn thi công thiếu vốn thanh toán, dẫn đến giá trị dở dang, công nợ của tập đoàn lớn 6 tháng vượt quá khả năng của các đơn vị.

Ông Toàn mô tả, vốn chủ sở hữu của tập đoàn là 15.600 tỷ đồng, vốn nhà nước chỉ có 4.600 tỷ mà hiện nay Sông Đà đã đầu tư 8.000 tỷ. Trong khi đó dở dang công nợ quá lớn đến 5.500 tỷ.

Riêng thủy điện Lai Châu - công trình trọng điểm của Nhà nước, tổng giá trị thi công của các đơn vị, nhà thầu trong tập đoàn đã lên tới 1.300 tỷ, nhưng vốn cả ứng và thanh toán của chủ đầu tư thì đến nay mới được 264 tỷ đồng.

"Tháng 6, tháng 7 vừa rồi các đơn vị thi công vẫn chưa nhận được thanh toán một đồng nào. Chúng tôi phải huy động mọi nơi để trả lương cho công nhân. Chưa kể thuế, bảo hiểm xã hội họ cũng nợ.

Ngoài ra, trong điều kiện thiếu vốn, tâm lý các chủ đầu tư không muốn nghiệm thu thanh toán dẫn đến công tác nghiệm thu trì trệ. Bên cạnh đó, họ cũng không bao giờ chịu trả lãi chậm trả khiến chúng tôi khó khăn hết sức.

Riêng thủy điện Lai Châu, vốn của chúng tôi đọng lại cả ngàn tỷ đồng nên khả năng chịu đựng của doanh nghiệp là rất khó. Đề nghị Bộ có ý kiến giúp làm sao để chủ đầu tư lo được vốn trả cho đơn vị thi công
" - ông Toàn bày tỏ.

Lãi suất vay quá cao, các công trường phải làm cầm chừng, khấu hao thiết bị xe và máy, theo ông Toàn là không thể chịu nổi. Trong khi đó, sản phẩm mang lại lợi nhuận cao cho tập đoàn những năm qua là kinh doanh nhà và đô thị thì hiện tại gặp rất nhiều thách thức do sự đóng băng của thị trường và chính sách tài chính thắt chặt.

Hiệu quả đầu tư đạt thấp một phần cũng do kế hoạch được xây dựng từ cuối năm 2010 chưa lường được những khó khăn xảy ra.

Lợi nhuận không đủ trả cổ tức

Không chỉ Tập đoàn Sông Đà, ông Nguyễn Đăng Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị (HUD) cũng nhận định, 2011 là năm HUD gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Không đi sâu phân tích tình hình nội tại của doanh nghiệp, ông Nam chỉ phác họa: "Có lẽ chưa bao giờ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay với một loạt tác động kép gây khó khăn cho đầu vào và đầu ra của sản xuất kinh doanh".

Ở lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, ông Lê Văn Chung, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (ViCem), cho rằng, bối cảnh hiện nay còn khó khăn hơn cả thời kỳ kinh tế khủng hoảng năm 2008, bởi thời kỳ đó doanh nghiệp còn nhìn thấy động lực để sản xuất kinh doanh, còn hiện nay doanh nghiệp "không thể làm gì được".

Theo vị Chủ tịch HĐQT, cùng với chi phí vốn quá cao, giá các vật tư nhiên liệu đầu vào hiện cũng đều tăng ở mức 2 con số, đơn cử như giá than tăng 41% từ đầu tháng 4/2011; giá xăng dầu tăng từ 32-43%; giá thép tăng gần 30%; điện tăng 15,28%, vỏ bao tăng khoảng 25%.

Với các đơn vị sản xuất xi măng, tình hình cung ứng than, điện 6 tháng đầu năm tiếp tục căng thẳng, luôn ở trong tình trạng "ăn đong" và tiết giảm điện năng từ 10-30% công suất. Trong khi đó, đầu ra cho sản phẩm khá trầm. Nếu tính đến hết ngày 30/6/2011, tổng sản phẩm tồn kho của ViCem đã là 1,35 triệu tấn.

Tất cả khiến cho giá thành sản xuất tăng trong khi lợi nhuận toàn tổng công ty giảm sút. Sau khi trừ các chi phí tài chính, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ViCem chỉ còn 314 tỷ đồng. Đem chia cho con số 12.500 tỷ đồng vốn của doanh nghiệp để ra được 2-3% lợi nhuận, ông Chung cho rằng đó là một sự bất công, làm triệt tiêu động lực sản xuất.

"Hiện nay thị trường hình thành 2 khối. Khối ngân hàng lợi nhuận vẫn cao từ 20-25% trên vốn chủ, trong khi nhà sản xuất lợi nhuận chỉ 2-3% - không đủ trả cổ tức cho cổ đông theo lãi suất ngân hàng. Doanh nghiệp giảm lợi nhuận để tập trung cho sản xuất, mà ngân hàng vẫn ung dung như vậy là không ổn".

Ông Chung đồng thời đề xuất: Chính phủ cần phải xem xét lại chính sách tiền tệ cho hợp lý, để thắt chặt không dẫn đến đình đốn sản xuất; có biện pháp tháo gỡ về vốn và lãi suất, nếu không, nhiều đơn vị sẽ không trả được nợ.

"Tình trạng này đã và đang vượt quá sức chịu đựng của các doanh nghiệp cũng như tập đoàn. Vì vậy, đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng có giải pháp giảm lãi suất huy động và cho vay để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tối thiểu không bị thua lỗ do chi phí tài chính" - ông Dương Khánh Toàn cũng đồng kiến nghị.

Nguyễn Nga


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: