Bãi đậu xe: Thiếu, nhưng không ai muốn đầu tư!

Thứ hai, 25 Tháng 7 2011 18:20 SGGP
In

Khuyến khích xây dựng bãi đậu xe (đường bộ), góp phần lập lại trật tự an toàn giao thông là một trong những chủ trương phát triển đô thị bền vững được UBND TPHCM đặc biệt quan tâm.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, TPHCM đã 2 lần ban hành các quy định liên quan đến công tác này. Năm 2006 TPHCM ban hành Quyết định đầu tiên và ngày 18/3/2010, UBND TPHCM tiếp tục ban hành Quyết định số 15, chỉnh sửa, bổ sung quyết định đầu. Theo quyết định sau, nhà đầu tư không những được hưởng các ưu đãi theo quy định hiện hành mà còn được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ lãi vay. Cùng với TP, Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định 62/2009 quy định miễn tiền thuê đất cho việc xây dựng bãi đậu xe, trạm sửa xe đối với doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải hành khách công cộng.

Ba văn bản với 3 chủ trương ưu đãi tưởng chừng như không còn gì có thể cản trở việc xây dựng bến bãi vận tải đường bộ, thế nhưng trên thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy. Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc chuyên trách vận tải của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện trên địa bàn TP mới chỉ có một bến bãi được xây dựng từ các ưu đãi trên. Tuy nhiên, bến xe này lại đang phải hoạt động cầm chừng và chủ đầu tư của nó đã lâm vào tình trạng hết sức khó khăn và phải rao bán bãi xe để trả nợ vay của ngân hàng.

Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Dung, chủ DNTN Thành Hiệp Phát, chủ đầu tư bãi xe mà ông Dương Hồng Thanh nêu trên, nói rằng đã quá mệt mỏi và không muốn nhắc tới bãi đậu xe mà bà và các đồng nghiệp đã tốn rất nhiều công sức để xây dựng. Chúng tôi rất ngạc nhiên vì bà Dung vốn là người sởi lởi.

Tuy nhiên, xem lại những gì mà DNTN Thành Hiệp Phát đã trải qua trong việc đầu tư xây dựng bãi đậu xe, chúng tôi hoàn toàn thông cảm với bà. Thành Hiệp Phát là DN đầu tiên hưởng ứng chủ trương xã hội hóa xây dựng bến bãi của TP. Dự án của đơn vị đã được các sở ngành chức năng thẩm định và phê duyệt. Song khi bãi đậu xe xây dựng xong, cũng chính các đơn vị này liên tục thay đổi ý kiến khiến DN lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Cho đến thời điểm hiện nay, DN gần như chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ ngành chức năng.

Chưa hết, trước khi DN xây dựng bãi đậu xe, ngành chức năng hứa xây xong sẽ cấm  ô tô trong khu vực lưu đậu trên lòng, lề đường, buộc chúng phải vào bãi đậu theo quy định. Thế nhưng, một thời gian dài, ngành chức năng chẳng thực hiện lời hứa ấy. Vừa không được hỗ trợ lãi vay, vừa không có xe vào lưu đậu nên DN buộc phải tìm cách bán bãi xe đi.

Một bãi đậu xe khác: bãi đậu xe ngầm dưới Công viên Lê Văn Tám đã từng làm lễ động thổ, chuẩn bị xây dựng công trình từ vài năm trước. Song hiện trên phạm vi thi công công trình, người dân vẫn chưa thấy hạng mục nào mọc lên. Tất cả rơi vào sự im lặng đến khó hiểu!

Nhà đầu tư lớn... tâm tư

Trước đây, lãnh đạo TPHCM đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư cùng các sở, ngành liên quan chủ động làm việc với các DN, kịp thời xem xét và đề xuất tháo gỡ ngay những khó khăn của các DN trong quá trình đầu tư xây dựng bến bãi đậu xe đường bộ. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết: hiện vẫn chưa thấy động thái gì mới từ các sở ngành chức năng. 

Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Sài Gòn (Samco) là một trong những tổng công ty chủ lực của TP với tiềm lực kinh tế khá mạnh. Nhưng khi được giao đầu tư xây dựng 2 bến xe khách liên tỉnh: Bến xe miền Tây và Bến xe miền Đông mới cũng rất… tâm tư. Theo ông Lê Văn Pha, Phó Tổng Giám đốc Samco, Bến xe miền Đông mới nằm ở khu vực giáp ranh giữa TPHCM và tỉnh Bình Dương, có diện tích khoảng 14ha và Bến xe miền Tây mới nằm gọn trong huyện Bình Chánh, TPHCM, có diện tích khoảng 11ha. Cả hai dự án bến xe đang trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng.

Về cơ bản các sở ngành chức năng rất ủng hộ Samco, song Samco lại vướng ở ngay chính những quy định hiện hành về khuyến khích đầu tư bến bãi. Ông Lê Văn Pha đơn cử: Quyết định 62/2009 chỉ cho phép miễn tiền thuê đất xây bãi đậu xe cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách công cộng. Hiện tại Samco có một thành viên có chức năng kinh doanh vận tải hành khách công cộng là Công ty Xe khách Sài Gòn, nhưng bản thân Samco lại không phải là đơn vị có chức năng này. Như vậy, chiếu theo quy định, Samco không được miễn tiền thuê đất theo Quyết định 62/2009. Đây là một khó khăn rất lớn đối với đơn vị vì không được ưu đãi, Samco sẽ rất khó triển khai dự án.

Ông Lê Văn Pha cho biết, Samco đang kiến nghị vướng mắc với các sở ngành chức năng và đang chờ câu trả lời. Một khó khăn khác, theo Quyết định 15/2010 của UBND TPHCM, việc xây dựng bãi đậu xe cao tầng hoặc ngầm chỉ được khuyến khích trong khu vực nội thành còn khu vực ngoại thành thì không. Cả hai bến xe miền Đông và miền Tây mới của Samco đều nằm ở khu vực ngoại thành, nếu không xây bãi đậu xe ngầm hoặc cao tầng sẽ không đủ diện tích để thực hiện các chức năng cơ bản đã được phê duyệt như bãi đậu xe, đầu mối trung chuyển hành khách giữa xe liên tỉnh, xe buýt và sau này là metro. Đó là chưa kể, tại các bến xe nên phát triển trung tâm thương mại phục vụ nhu cầu mua sắm của hành khách như rất nhiều bến xe khác ở các nước tiên tiến trên thế giới. 

Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, một DN có tiềm lực kinh tế khá mạnh khác, đã từng đeo đuổi nhiều dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm cho TP hơn 5 năm qua, giờ cũng nhiều nỗi… băn khoăn. Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, cho biết, dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm của DN ở dưới sân khấu Trống Đồng vẫn chưa thể kết thúc vì chưa thống nhất được với các sở ngành chức năng về mức giá thuê đất.

Trong khi dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm của Đông Dương chủ yếu là bãi đậu xe và phần được kinh doanh thương mại chỉ chiếm diện tích nhỏ thì ngành chức năng lại đề nghị mức thuế bằng với các trung tâm thương mại với chức năng thương mại là chính và chỉ có thêm một phần diện tích nhỏ để đậu xe phục vụ chủ yếu cho chính khách hàng của mình. Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh tâm sự: “Chúng tôi đã rất mệt mỏi với hàng núi thủ tục, quy định như vậy. Ngoài bãi đậu xe ở sân khấu Trống Đồng, Tập đoàn Đông Dương còn dự định xây dựng thêm một bãi đậu xe ngầm dưới sân vận động Hoa Lư. Nhưng với tình hình này, chắc đơn vị… im luôn quá”.

NGUYỄN KHOA

 

Diện tích bến bãi mới chiếm 6,39% quy hoạch 

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, tổng diện tích bến bãi trên địa bàn TP hiện chỉ có 72,87ha. so với quy hoạch phát triển bến bãi đến năm 2025 của TP là 1141,03ha thì diện tích này mới chiếm tỷ lệ 6,39%. Trong đó, tổng diện tích bến bãi vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt (Bến kỹ thuật chuyên dụng xe buýt và đầu mối trung chuyển hành khách) so với chỉ tiêu quy hoạch mới chỉ có 18,23ha so với 81,17ha theo quy định, đạt tỷ lệ 22,46%.

Đã vậy, các điểm đầu mối trung chuyển hành khách bằng xe buýt chỉ có 15 vị trí, diện tích vừa thiếu vừa phân bổ không đồng đều ở các quận, huyện buộc phần lớn xe buýt phải sử dụng lòng, lề đường để lưu đậu trong lúc chờ tài xuất bến (thống kê hiện có 78 vị trí lưu đậu xuống lòng, lề đường). Thực trạng này vừa ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, vừa không thuận lợi cho việc đón trả khách và đặc biệt khó khăn cho công tác hoàn thiện, phát triển hệ thống mạng lưới tuyến xe buýt, đảm bảo phủ khắp, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận phương tiện đi lại bằng xe buýt. Thiếu bãi đậu xe, đặc biệt là bãi đậu xe chuyên dụng, các chủ xe không thực hiện được chế độ sửa chữa bảo dưỡng, bảo trì, bàn giao ca… ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống xe buýt.

Tình trạng thiếu bến bãi đậu xe, cộng với số lượng phương tiện cá nhân ngày càng tăng cao mà hạ tầng giao thông TPHCM không đáp ứng kịp, các phương tiện không có chỗ lưu đậu phải chiếm dụng mặt đường, đã dẫn đến tình trạng kẹt xe ở khu vực trung tâm TP ngày càng nghiêm trọng, lượng khí thải phát ra môi trường từ các phương tiện giao thông đã đến mức báo động.

Sở Giao thông Vận tải cũng cho biết, đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra, rà soát việc bố trí quỹ đất xây dựng các bến bãi đậu xe trên địa bàn các quận, huyện. Đến nay, đoàn đã thống nhất được với 15/24 quận, huyện về việc bố trí quỹ đất làm bến bãi đậu xe với tổng diện tích xác định được là 676,22ha. Tuy chưa được đủ 1.141,03ha so với quy hoạch nhưng cũng đã đạt tỷ lệ 59,26% và đây sẽ là tiền đề tạo nên sự chuyển biến mạnh cho hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN vận tải đảm bảo thực hiện tốt các quy định hiện hành về điều kiện kinh doanh, giải quyết trước mắt việc phục vụ nhu cầu đậu đỗ cho các loại hình phương tiện vận tải và các xe cá nhân, đặc biệt là xe buýt trong giai đoạn 2011-2015.

Tuy nhiên, Sở Giao thông Vận tải cũng nhận định, đây mới là thành công bước đầu. Từ việc xác định được địa điểm đến việc hình thành bãi đậu xe, còn cả một con đường rất dài. Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp thành phố xác định được điểm xây dựng, chỉ cho DN đến đầu tư, song thất bại vì không thể đền bù, giải phóng mặt bằng và DN vướng thủ tục đầu tư như đã phản ánh trong bài “Gian nan làm dự án”.

SƠN LAM 

 

“Hãy cho tôi 100m²” 

Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc  Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, đã nói như vậy khi đề cập đến tình trạng khu trung tâm TPHCM luôn thiếu bãi đậu xe cho các loại ô tô.

Ở khu vực trung tâm TPHCM, tìm được một bãi đậu ô tô không dễ nếu không muốn phải gửi xe xuống hầm ngầm đậu xe của các khách sạn gần đó và phải trả 50.000 - 100.000 đồng/xe cho một lần gửi. Và không chỉ người đi ô tô mới khổ trước tình trạng này mà những người sử dụng các phương tiện giao thông khác cũng rất khó khăn. Thiếu bãi đậu xe, ô tô phải đậu dưới lòng, lề đường, chiếm hết diện tích đường của các phương tiện giao thông khác và gây ùn ứ giao thông.

Theo bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Tập đoàn Đông Dương chỉ cần khoảng 100m² là có thể đầu tư xây dựng một bãi đậu xe ngầm với sức chứa khoảng 80 ô tô với thời gian xây dựng chỉ khoảng 6 tháng. Trên thực tế đơn vị đã đầu tư xây dựng “mẫu” một bãi đậu xe ngầm như thế ở quận 2 để khẳng định khả năng của mình. Thế nhưng, khi Tập đoàn Đông Dương trình bày dự án này với các sở, ngành chức năng thì đã không nhận được sự quan tâm của đơn vị nào.

Trong một cuộc họp về đầu tư xây dựng bến bãi đậu xe được tổ chức ở UBND TPHCM trung tuần tháng 7-2011 vừa qua, lãnh đạo một quận trung tâm đã “than” dù cố gắng hết sức nhưng không thể cân đối đủ đất mặt dành cho bãi đậu xe theo quy định. Lúc ấy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã nhận định, trong bối cảnh đất chật người đông ở TPHCM không thể giải bài toán thiếu đất làm bãi đậu xe chỉ bằng cách cân đối quỹ đất mặt. Sở Giao thông Vận tải và các sở ngành chức năng phải tính đến việc xây dựng bãi đậu xe trên cao hoặc ngầm xuống dưới đất như là một giải pháp quan trọng nhất trong việc đảm bảo đủ nhu cầu đậu xe.

Thực ra, đây là chủ trương đã có từ lâu bởi trên thực tế TPHCM bước đầu đã xác định được gần 10 địa điểm có thể xây dựng bãi đậu xe ngầm như bãi đậu xe dưới Công viên Lê Văn Tám, dưới sân khấu Trống Đồng, Sân vận động Hoa Lư, Tao Đàn… Nhưng không hiểu tại sao chúng không nhận được sự đồng tình ủng hộ bằng hành động cụ thể của các sở, ngành chức năng?

MINH NHIÊN


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: