Dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây: Tiềm lực của chủ đầu tư Hàn Quốc

Thứ ba, 27 Tháng 3 2012 07:16 Báo Đầu tư
In

Theo định hướng quy hoạch mạng lưới công trình văn hóa và dịch vụ thương mại do Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2011, khu vực Tây Hồ Tây sẽ được xây dựng trở thành trung tâm văn hóa mới của TP. Hà Nội. 

Nỗ lực của chủ đầu tư 

Theo định hướng quy hoạch mạng lưới công trình văn hóa và dịch vụ thương mại trong “Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” do Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2011, khu vực Tây Hồ Tây sẽ được xây dựng trở thành trung tâm văn hóa mới của TP. Hà Nội, cùng với một loạt các trung tâm giao thương, tài chính - thương mại quốc tế.  

Do đó, việc phát triển dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây (diện tích 207,6 ha) có một ý nghĩa to lớn đối với diện mạo quy hoạch kiến trúc của Thủ đô Hà Nội. 


Phối cảnh khu đô thị Tây Hồ Tây

Tại Hội nghị giao ban công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng trên địa bàn TP. Hà Nội mới đây, Phó chủ tịch TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh đã yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư không giải phóng mặt bằng kiểu “dàn hàng ngang”, mà phải xác định trọng điểm, trọng tâm theo danh mục thứ tự dự án ưu tiên đã được thành phố quy định. 

Thực hiện đúng chủ trương đó của lãnh đạo TP. Hà Nội, Công ty TNHH Phát triển THT - chủ đầu tư Dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây cho biết đang nỗ lực hoàn thành giải phóng mặt bằng Giai đoạn I (diện tích 117,3 ha) thuộc địa bàn huyện Từ Liêm, để có thể đáp ứng tiến độ cùng triển khai đồng bộ với các dự án trọng điểm Quốc gia và của thành phố như đường nối cầu Nhật Tân - Sân bay Nội Bài, dự án Nhà ga T2, các dự án đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, cầu Nhật Tân... 

Xuất phát điểm của dự án có lẽ phải tính từ năm 1996, khi đó lãnh đạo cấp cao Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Công ty Daewoo E&C (Hàn Quốc) tham gia đầu tư xây dựng một Khu đô thị mới tại Hà Nội. Năm 2002, Bộ trưởng Bộ xây dựng Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Hàn Quốc đã ký Biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác xây dựng, và sau đó cùng với sự cam kết hỗ trợ của các cấp chính phủ hai nước, năm 2006, Dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây đã được cấp Giấy phép đầu tư. Từ đó, Dự án mang trên mình trọng trách và ý nghĩa biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc. Bước sang năm 2012, năm kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Dự án đang hối hả với những bước tiến khẩn trương để chuẩn bị kế hoạch khởi công. 

Nỗ lực nói trên của chủ đầu tư Dự án Tây Hồ Tây là một trong những điểm nhấn đáng chú ý trên thị trường bất động sản hiện nay. Trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, các ngân hàng thắt chặt tín dụng, hàng loạt dự án bất động sản đã phải ngừng thi công, thì việc chủ đầu tư Dự án Tây Hồ Tây vẫn đang xúc tiến công tác giải phóng mặt bằng, tiến tới xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Dự án cho thấy bước đi nghiêm túc và năng lực tài chính của công ty này. 

Kỳ vọng tạo điểm sáng cho cửa ngõ phía Tây thủ đô 

Khu đô thị Tây của Hồ Tây thuộc địa giới hành chính các phường Xuân La (quận Tây Hồ), phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), xã Xuân Đỉnh và xã Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm). Phía bắc Khu đô thị là đường quy hoạch tiếp giáp với khu ngoại giao đoàn; phía nam có mặt cắt ngang 40 m, ra đường Hoàng Quốc Việt; phía đông là đường vành đai 2, đường Lạc Long Quân; phía tây là đường có mặt cắt ngang 40 m, ra đường Phạm Văn Đồng. 

Dự án là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam và Hàn Quốc, được xây dựng và triển khai theo thỏa thuận giữa hai Bộ Xây dựng của hai quốc gia và thuộc Quy hoạch chung của TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. 

Theo phê duyệt của cơ quan chức năng và đánh giá của các chuyên gia, việc thực hiện Dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây sẽ có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội. 

Dự án hoàn thành sẽ kiến tạo cho TP. Hà Nội một khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ và phát triển. Trong tổng diện tích 207,6 ha của Dự án, có tới 114,67 ha sẽ được bàn giao để triển khai các khu công cộng có đủ hạ tầng kỹ thuật, bao gồm 89,65 ha đường giao thông, đường dạo, công viên, cây xanh, hồ điều hòa, mương nước, hành lang cách ly và hơn 25 ha không gian mở, phục vụ hoạt động công ích của TP. Hà Nội. 

Với quy hoạch như vậy, TP. Hà Nội sẽ tiết kiệm được một khoản ngân sách rất lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng và phát triển hạ tầng đối với diện tích 114,67 ha dùng triển khai các khu công cộng nói trên. 

Trong khi đó, hơn 5.000 chỗ ở hiện đại, tiện nghi của Dự án sẽ góp phần giải quyết sự thiếu hụt nhà ở tại Hà Nội, đồng thời nâng cao chất lượng và môi trường sống trong phạm vi Dự án và các khu vực lân cận nhờ một hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Ở góc độ kinh tế, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Dự án sẽ là đóng góp quan trọng vào quá trình thu hút vốn FDI của TP. Hà Nội. Không chỉ là khoản vốn lớn mà với tư cách như một khoản “vốn mồi”, Dự án có thể thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, thương mại, các tòa nhà chức năng khác trong cả một quần thể đô thị phía Tây Hà Nội. Đồng thời, Dự án sẽ góp phần tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Với quy mô lớn, sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm được tạo ra trong suốt quá trình thực hiện Dự án. 

Mặt khác, việc thiết lập cơ sở hạ tầng một cách bài bản, hệ thống, có tính đến các nhu cầu cho tương lai như giao thông vận tải, truyền thông, quản lý đô thị, Dự án Tây Hồ Tây được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kỹ thuật phát triển đô thị mới tại Việt Nam thông qua việc tiếp cận, vận hành những công nghệ thiết kế, xây dựng công trình tiên tiến nhất của Hàn Quốc và thế giới. 

Bá Thư 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: