Đồng bằng sông Cửu Long: 178 dự án trọng điểm chờ nhà đầu tư

Chủ nhật, 29 Tháng 4 2012 03:11 VGP
In

Đây là thông điệp từ Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra chiều 27/4. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Mục tiêu lớn nhất của Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này là nhằm tăng cường thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng ÐBSCL. Ðây còn là một diễn đàn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận về chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai, đồng thời đề ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn nữa các nguồn vốn cho phát triển cả vùng trong thời gian tới.

Tiềm năng rất lớn

Có nhiều tiềm năng và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước với nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, cùng với nỗ lực của chính quyền và nhân dân khu vực, ÐBSCL đã từng bước thay đổi về diện mạo trong những năm qua.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân toàn khu vực ÐBSCL giai đoạn 2001-2010 đạt 11,7%/năm, chiếm khoảng 18 đến 19% GDP của cả nước. Đặc biệt, đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất cả nước khi hàng năm sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, 90% lượng gạo xuất khẩu, chiếm khoảng 20% thị phần xuất khẩu gạo toàn cầu; cung cấp 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.

Tuy nhiên, các tỉnh ÐBSCL vẫn còn nhiều mặt hạn chế cần khắc phục, thành tựu và kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của vùng. Cụ thể, kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp, yếu tố rủi ro còn cao. Nền kinh tế nông nghiệp bị đe dọa bởi nguy cơ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Kết cấu hạ tầng trong khu vực và hệ thống giao thông phát triển chưa đồng bộ, chưa tạo được sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Lực lượng lao động có chuyên môn và tay nghề cao còn ít.

Để phát huy hiệu quả tiềm năng kinh tế của vùng và hiệu quả từng dự án đầu tư, việc liên kết các địa phương trong vùng và liên vùng là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc xúc tiến đầu tư của ĐBSCL trong thời gian qua chưa xứng tầm.

Trước thực trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định sẽ tiếp tục có sự quan tâm đặc biệt cho ÐBSCL, trong đó sẽ có những chính sách thuận lợi, ưu đãi đặc biệt để khu vực này chuyển mình nhanh chóng. 

Mời gọi đầu tư

Mục tiêu, định hướng phát triển của khu vực trong thời gian tới là tiếp tục xây dựng vùng ÐBSCL trở thành vùng kinh tế, vùng sản xuất lương thực, thủy - hải sản trọng điểm của cả nước. Vùng ÐBSCL phấn đấu trong giai đoạn 2011-2020, GDP tăng bình quân 12%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm.

Tại hội nghị này, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, các tỉnh, thành phố trong vùng chọn lựa 178 dự án đầu tư trọng điểm với tổng vốn đầu tư hơn 171 nghìn tỷ đồng và hơn 1,5 tỷ USD.

Một số chủ trương về định hướng phát triển khu vực ÐBSCL cũng đã được công bố, bao gồm đầu tư phát triển ÐBSCL tiếp tục là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, có đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước; phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của vùng theo hướng đa cực và tập trung kết hợp với hành lang kinh tế đô thị; khai thác có hiệu quả tiềm năng khí ở vùng biển Tây Nam, sớm đưa vào sử dụng các nhà máy nhiệt điện, điện gió và các công trình trọng điểm của vùng; thực hiện kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi và các lĩnh vực hạ tầng.

Phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, ngài Hideo Suzuki - Tham tán công sứ Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - đại diện các nhà ngoại giao quốc tế cho biết sau Hội nghị này, chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA lớn để thực hiện các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục. Mặt khác, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng sẽ tiến hành khảo sát một cách nghiêm túc để hiện thực hóa những cơ hội đầu tư.

Quan điểm trên về kêu gọi đầu tư nước ngoài cũng nhận được sự đồng tình của đại diện nhiều cơ quan ngoại giao có mặt tại Hội nghị.

Về phía các nhà đầu tư trong nước, đại diện một số doanh nghiệp đang và có ý định đầu tư vào vùng ĐBSCL bày tỏ nhất trí với định hướng phát triển cũng như những trọng tâm mời gọi đầu tư trong thời gian tới, đồng thời các nhà đầu tư cũng đã nêu một số kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành.

Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã khẳng định chủ trương của Chính phủ kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư vào vùng ĐBSCL, nhằm khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của toàn vùng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, môi trường đầu tư vào vùng ĐBSCL ngày càng thuận lợi, hấp dẫn hơn. Các tỉnh trong khu vực đều có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh từ mức độ khá trở lên, không có địa phương nào ở mức trung bình, dù toàn vùng vẫn chưa khai thác hết những tiềm năng, lợi thế riêng có.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các Bộ, ngành cùng với các địa phương tiếp tục nghiên cứu, xây dựng những cơ chế đặc thù cho toàn vùng, tập trung phát triển những ngành, lĩnh vực, sản phẩm có nhiều lợi thế như lúa gạo, trái cây, thủy hải sản, dầu khí, du lịch.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương và toàn vùng cần nhanh chóng hoàn thành xây dựng quy hoạch phát triển, trong đó tập trung vào quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, giáo dục, quy hoạch dân cư, quy hoạch sản xuất.

Kêu gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm, xem xét một cách cụ thể những dự án và sớm có quyết định đầu tư, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp luật, đảm bảo sự thông thoáng, bình đẳng, theo thông lệ quốc tế, thực hiện nghiêm túc những cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ huy động nguồn lực trong và ngoài nước, đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước để đầu tư “mồi”, tạo ra cú hích, từ đó huy động nguồn lực để đầu tư một cách hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng hiện đại.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng nhấn mạnh yêu cầu liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong toàn vùng, liên kết với cả nước.

Cũng tại Hội nghị, các địa phương đã trao 11 giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngân hàng BIDV cũng đã ký các hợp đồng tín dụng cho các nhà đầu tư trong khu vực với tổng giá trị gần 2.500 tỷ đồng.

Xuân Tuyến


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: