Siêu dự án: càng lo!

Thứ ba, 01 Tháng 5 2012 07:36 TBKTSG
In

Vốn đầu tư của dự án khu liên hợp gang thép của tập đoàn Formosa ở Hà Tĩnh giờ đã tăng từ gần 16 tỉ đô la Mỹ lên 22 tỉ đô la Mỹ. Chưa rõ sự tăng vốn này sẽ làm thay đổi quy mô công suất của dự án như thế nào. Nhưng đằng sau số vốn đầu tư khổng lồ này là mối lo rất lớn về môi trường.

Trước khi tăng vốn lên 22 tỉ đô la Mỹ, mục tiêu của dự án là sản xuất 15 triệu tấn gang, thép mỗi năm và để có sản lượng lớn như vậy, một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than công suất 1.600 MW cũng được xây dựng đồng thời với các lò luyện và các dây chuyền cán thép.

Đây không chỉ là siêu dự án về vốn đầu tư mà còn chiếm kỷ lục về quy mô sử dụng đất ở Việt Nam với 3.300 héc ta đất và mặt nước. Hiện nay nhà thầu của nước ngoài đang bơm hút 86 triệu mét khối cát để san lấp 2.100 héc ta mặt bằng để chuẩn bị khởi công và đưa nhà máy vào hoạt động trong năm 2014.

Một vài con số kể trên đã phần nào cho thấy tầm vóc của dự án này nhưng vấn đề đặt ra ở đây là liệu đóng góp của dự án cho nền kinh tế Việt Nam có tương xứng với cái giá phải trả về môi trường?

 

Lợi ích mang lại là gì ?

Lợi ích rõ nhất là số lượng việc làm mà dự án này sẽ tạo ra cho một địa phương nghèo như Hà Tĩnh. Dự kiến, khu liên hợp này sẽ sử dụng trực tiếp 30.000 nhân công và có thể gián tiếp tạo việc làm cho thêm hàng ngàn người khác. Một số dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động của dự án, bao gồm nhu cầu sinh hoạt và giải trí cho lực lượng lao động địa phương và người nước ngoài sẽ phát triển.

Về phía Nhà nước, sẽ thu được tiền cho thuê đất nhưng có thu được thuế hay không, nhiều hay ít, vẫn còn là ẩn số. Trên thực tế đã có công ty thép của nước ngoài hoạt động mười mấy năm ở tỉnh Bình Dương, nhưng tỉnh này hầu như không thu được thuế vì chưa bao giờ công ty này báo có lãi.

Sản xuất gang thép không phải là ngành có sức lan tỏa cao như một số ngành công nghiệp, nên không có hy vọng dự án này sẽ thúc đẩy những ngành công nghiệp khác ở địa phương phát triển. Hơn nữa, Việt Nam không có quặng sắt, than mỡ để làm nguyên liệu đầu vào cho ngành luyện gang thép, nên phải nhập khẩu. Nguồn nguyên liệu duy nhất mà ta có là đá vôi, nhưng khai thác đá vôi cũng đồng nghĩa với phá hủy cảnh quan môi trường.

Hậu quả để lại thì sao?

Theo tài liệu của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), để sản xuất được một tấn thép thô sẽ phải thải ra hơn 585 ki lô gam chất thải rắn, trong đó có 455 ki lô gam xỉ. Như vậy, với sản lượng 15 triệu tấn gang thép, dự án của Formosa mỗi năm sẽ thải ra ít nhất 8,8 triệu tấn chất thải rắn. Con số này sẽ còn cao hơn nếu sử dụng loại quặng có hàm lượng sắt thấp để sản xuất.

Về nguyên tắc, xỉ thải của ngành luyện thép có thể được tận dụng để sản xuất xi măng, gạch không nung. Nhưng ở Việt Nam, ít nhất là cho tới nay, đây vẫn là loại rác thải chưa có cách xử lý. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có ba nhà máy sản xuất phôi thép từ thép phế liệu, lượng xỉ thải ra mỗi năm chỉ hơn 400.000 tấn, nhưng chính quyền địa phương vẫn đang đau đầu với nó. Ngoài giải pháp chôn lấp ra, hiện tỉnh vẫn chưa tìm được biện pháp giải quyết nào khác để xử lý hết số chất thải này.

Đồng thời, mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3 mét khối nước thải chứa chất rắn lơ lửng, dầu mỡ, amoni, phenol, cyanid. Nếu nhân với sản lượng 15 triệu tấn gang thép, mỗi năm khu liên hợp gang thép này sẽ thải ra tới 45 triệu mét khối nước thải.

Cuối cùng là khí thải. Lượng khí thải ra từ việc sản xuất một tấn thép thô có 2,3 tấn CO2 (tương đương 34,5 triệu tấn/năm với dự án của Formosa ở Hà Tĩnh), cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại. Nếu các loại khí thải này không được xử lý tốt, các hóa chất chứa trong đó sẽ gây ra mưa axít và cùng với bụi kim loại sẽ gây nguy hại cho sức khỏe của người dân trong khu vực.

Không chỉ có thế, trong quặng sắt còn chứa nhiều hóa chất rất độc hại khác cho cả sức khỏe của người, động vật và môi trường như chì, arsen (thạch tín), lưu huỳnh, phốt pho. 

Tất nhiên, tác động của dự án tới môi trường còn phụ thuộc vào việc các giải pháp khắc phục được nêu ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được tuân thủ nghiêm ngặt đến mức nào.

Chưa hết, hàng triệu tấn xỉ than và các chất thải khác từ nhà máy điện 1.600 MW mà Formosa sẽ xây dựng để cung cấp năng lượng cho các nhà máy luyện cán thép hoạt động liệu có được xử lý rốt ráo. Rồi, vấn đề xung đột về nguồn nước đã được tính đến chưa?

Sản xuất gang thép cần nguồn nước rất lớn. Theo UNEP, lượng nước cần dùng để sản xuất một tấn thép thô lên đến 5 mét khối. Từ đó có thể tính ra, lượng nước tối thiểu cần thiết để phục vụ cho khu liên hợp gang thép của Formosa lên tới 75 triệu mét khối mỗi năm.

Hai hồ chứa nước hiện có của Hà Tĩnh là hồ Sông Trí và hồ Kim Sơn không đủ để đáp ứng nhu cầu này. Vì thế, tỉnh Hà Tĩnh đang gấp rút xây dựng thêm hồ chứa Rào Trổ. Mới đây, trong buổi làm việc với đại diện Formosa về vấn đề nguồn nước, lãnh đạo Hà Tĩnh đã khẳng định “quan điểm của Hà Tĩnh là tất cả hồ chứa sẽ ưu tiên hàng đầu cung cấp nước cho Formosa”.

Điều đáng quan tâm là khu vực miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh, không phải là nơi có dư thừa nước, nếu không nói là khan hiếm. Việc bảo đảm nguồn nước tưới cho nông nghiệp, đặc biệt là trong mùa khô, luôn là bài toán nan giải của các địa phương. Không rõ việc “ưu tiên hàng đầu” cung cấp nước cho Formosa có làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước cho nông nghiệp vào mùa khô ở các vùng lân cận của dự án hay không?

Tấn Đức


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: