Lời cảnh tỉnh cho dự án ODA hạ tầng

Thứ tư, 30 Tháng 1 2013 00:57 Báo Đầu tư
In

Tokyu sẽ không phải là nhà thầu nước ngoài cuối cùng đòi chủ đầu tư bổ sung chi phí ngoài hợp đồng, nếu công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại các dự án cơ sở hạ tầng vẫn được thực hiện theo cung cách như hiện nay.  

“Chết” gói thầu nghìn tỷ đồng vì một đường điện 110 kV 

“Chúng tôi đang đợi ý kiến chỉ đạo chính thức từ các cấp có thẩm quyền, nhưng nếu chiểu theo các điều khoản tham chiếu, việc phải bổ sung chi phí ngoài hợp đồng cho nhà thầu Tokyu thi công Gói thầu số 3 là điều chắc chắn”, ông Nguyễn Thanh Vân, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 85 (PMU85), đại diện chủ đầu tư Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu cho biết. 

Là một trong 3 gói thầu xây lắp chính của Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 13.626 tỷ đồng, Gói thầu 3 (xây dựng đường dẫn phía Bắc dài 4,6 km) được khởi công từ tháng 3/2009. Theo bản hợp đồng có giá trị 1.838 tỷ đồng này, Tokyu sẽ phải hoàn thành công trình sau 34 tháng kể từ ngày khởi công. Về phần mình, PMU85 có trách nhiệm bàn giao mặt bằng theo đúng kế hoạch thi công. 

Tuy nhiên, đến tháng cuối 8/2011, sau hơn 2 năm thi công, với 5 lần bàn giao, UBND TP. Hà Nội mới bàn giao được 60% công địa. Đặc biệt, đường điện cao thế 110 kV trong phạm vi nút giao Vĩnh Ngọc đến tận tháng 3/2012 mới được cắt điện, trong khi thời hạn hợp đồng gốc của Gói thầu 3 đã kết thúc trước đó 1 tháng.

“Trong suốt thời gian qua, UBND TP. Hà Nội chưa bao giờ bàn giao mặt bằng đúng hẹn, nên cả chủ đầu tư và nhà thầu đều hết sức bị động”, ông Vân cho biết.

Do khối lượng thi công còn nhiều, nên Chính phủ đã chấp thuận đề nghị của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho Gói thầu 3 được lùi thời hạn hoàn thành vào 5/2014, tức là cộng thêm 27 tháng nữa.

Cần phải nói thêm rằng, ngay từ đầu năm 2012, trước nguy cơ tiến độ Gói thầu số 3 bị “vỡ”, Tokyu đã gửi các thư yêu cầu hỗ trợ lên tư vấn và chủ đầu tư đề nghị bổ sung thêm khoảng 200 tỷ đồng phát sinh thêm ngoài hợp đồng gốc. Cụ thể, nhà thầu đã liệt kê những chi phí phát sinh do kéo dài hợp đồng thêm 27 tháng vì lý do chờ đợi mặt bằng, gồm: tiền thuê văn phòng, phương tiện, chi phí kéo dài thời gian tập kết trạm biến thế, trạm trộn, tiền lương của kỹ sư…

“Nhà thầu mong muốn được hỗ trợ, vì đây là chi phí thực tế phát sinh do kéo dài thời gian thực hiện dự án đã được quy định tại hợp đồng. Hai bên đang xem xét, tính toán lại để đưa ra mức hỗ trợ hợp lý, chứ không phải họ đưa ra con số bao nhiêu, thì mình phải chấp nhận bấy nhiêu. Tinh thần là thỏa thuận, chứ chưa đến mức là phải đưa tòa”, ông Vân khẳng định. 

Không may mắn như PMU85, cách đây chưa lâu, với lý do Dự án Thoát nước vệ sinh môi trường TP. Bắc Giang bị chậm tiến độ 1 năm do mặt bằng không được bàn giao đúng cam kết, UBND tỉnh Bắc Giang bị nhà thầu MT Hojgaard A/S (MTH) của Đan Mạch kiện ra Tòa án Trọng tài quốc tế tại Paris. Số tiền mà MTH đòi UNBD tỉnh Bắc Giang thanh toán thêm là 3,645 triệu euro. Mất rất nhiều thời gian, công sức đàm phán, MTH mới chấp nhận hạ mức phạt xuống còn 1,15 triệu euro. 

Sẽ có hiệu ứng đô-mi-nô đòi bồi thường?

Không phải ngẫu nhiên mà sau suốt một năm cố gắng “gói” vụ việc, lãnh đạo Bộ GTVT vừa buộc phải công khai thông tin, nhằm tạo thêm sức ép cho công tác GPMB tại các dự án giao thông lớn trên địa bàn Hà Nội vốn có độ ỳ cực lớn. 

Mặc dầu vậy, theo một chuyên gia, giải pháp này thực sự là con dao hai lưỡi, có thể làm bùng lên nguy cơ một đợt đô-mi-nô lớn các vụ nhà thầu ngoại phạt tiền chậm GPMB. 

Theo thông tin của Báo Đầu tư, không chỉ Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu, hàng loạt dự án lớn sử dụng nhà thầu nước ngoài, như đường nối cầu Nhật Tân – Sân bay Nội Bài, đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai… đang nằm trong danh sách có nguy cơ bị kiện cao.

Khác với những nhà thầu nội thường ngại “va chạm”, các nhà thầu nước ngoài làm ăn bài bản, rất mạnh về pháp lý và sẵn sàng đưa ra yêu cầu bồi thường đối với những thiệt hại tài chính mà không do lỗi của họ.

Với lỗi chậm GPMB, các chủ đầu tư thường phải “âm thầm” hỗ trợ nhà thầu thông qua điều chỉnh tỷ lệ trượt giá, bổ sung phát sinh. Đây cũng chính là lý do khiến các chủ đầu tư thường không dám mạnh tay xử lý nhà thầu yếu kém, vì ngại bị “bật” chuyện bàn giao mặt bằng chậm.

Điều đáng lo ngại là, do những bất cập về cơ chế chính sách và cách làm, việc lượng hóa chính xác thời gian GPMB đang nằm ngoài tầm kiểm soát của các chủ đầu tư và địa phương.

Theo Văn bản 1665/TTg-CN, ngày 17/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ, đối với các dự án hạ tầng giao thông, công tác GPMB được tách thành các tiểu dự án độc lập và giao UBND tỉnh, thành phố có dự án đi qua tổ chức thực hiện, sau đó bàn giao cho chủ đầu tư mặt bằng sạch để triển khai xây dựng công trình.

Vấn đề ở chỗ, dù trách nhiệm GPMB đã được phân định rõ, nhưng việc xử lý các trường hợp chậm trễ hoàn thành tiểu dự án GPMB chưa bao giờ được đặt ra đối với lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, dù yêu cầu hình thành sẵn quỹ đất tái định cư phục vụ di dời các hộ dân bị ảnh hưởng được quy định trong Nghị định số 69/2009/NĐ-CP, nhưng trên thực tế, chỉ khi nào dự án được duyệt, các địa phương mới bắt đầu triển khai thực hiện công tác tái định cư. Đây là lý do khiến mặt bằng thường chạy sau các gói thầu xây lắp, biến tiến độ mà chủ đầu tư đề ra thành các kế hoạch ảo.

Lại chuyện quýt làm cam chịu 

Trước tình trạng có thể xảy ra một hiệu ứng đô-mi-nô như đã cảnh báo ở trên, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho biết, nếu không thay đổi cách làm đối với công tác GPMB, việc ngân sách phải trả cho các khoản phạt hợp đồng sẽ còn tiếp diễn. 

Tuy vậy, muốn chấm dứt tình trạng đó, biện pháp trước tiên phải là xác định được trách nhiệm của ai đó trong việc gây ra chậm trễ và từ kết quả xác định đó, các chế tài sẽ được áp dụng để khắc phục hậu quả đã xảy ra sẽ là liều thuốc hữu hiệu ngăn chặn những ách tắc trong công tác GPMB. Trong trường hợp cụ thể tại dự án này, phía đại diện chủ đầu tư đã thực hiện theo đúng tinh thần của Văn bản 1665/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ, đó là giao trách nhiệm và chuyển tiền đền bù cho địa phương (Hà Nội) thực hiện trách nhiệm được quy định tại Văn bản 1665/TTg-CN. Việc thực hiện đúng nghĩa vụ và không chậm trễ trong chuyển tiền đền bù, có nghĩa là, phía chủ đầu tư đã hoàn thành trách nhiệm. Vậy nhưng, không có văn bản nào quy định rằng, nếu địa phương không hoàn thành thì phải chịu trách nhiệm ra sao, nếu có phát sinh “kinh phí hỗ trợ” như trong trường hợp này, thì ai là người phải chịu trách nhiệm. Vì thế, thay vì bên làm chậm phải chịu trách nhiệm, thì bên làm đúng lại phải đứng ra giải quyết hậu quả của sự chậm trễ. 

Có lẽ, những nhùng nhằng trong chuyện GPMB kéo dài từ nhiều năm qua và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt có nguyên nhân sâu xa nhất chính là, cho đến nay, vẫn chưa có được một quy chế được luật hóa để phân định trách nhiệm. 

Anh Minh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: