Nhà đầu tư: Nhiều rủi ro khi tham gia PPP

Thứ năm, 25 Tháng 4 2013 21:37 TBKTSG
In

Các nhà đầu tư cho rằng Việt Nam là nơi có nhiều rủi ro đầu tư cho hình thức hợp tác công - tư (PPP) hơn một số nước trong khu vực, theo ông Bill Magennis, luật sư tại công ty Allens Pte Ltd. 

Tại hội thảo về hợp tác theo hình thức công tư (PPP) tại TPHCM hôm nay (25/4), ông Magennis nói, nhà đầu tư cho rằng Việt Nam là nơi có nhiều rủi ro cho đầu tư theo hình thức PPP hơn một số nước xung quanh, như Thái Lan. Ông Magennis nói, điều này có thể không đúng trong thực tế, nhưng quan trọng là nhà đầu tư lại nghĩ như thế. Do đó, Việt Nam cần kiểm soát chặt các rủi ro cho nhà đầu tư thông qua việc sửa đổi luật để họ yên tâm hơn.  

Vị luật sư có 25 năm làm việc tại Việt Nam và tham gia nhiều dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) tại Việt Nam này đã nêu ra một số yếu tố được xem là gây rủi ro cho nhà đầu tư theo hình thức PPP tại Việt Nam. 

Cụ thể, đất đai là một rủi ro nếu nhà đầu tư ký hợp đồng PPP mà không đảm bảo khu đất đó là “đất sạch”, tức đã được giải toả và bồi thường, và có thể thực hiện dự án ngay lập tức. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại có nhiều khu đất không sạch, nên có không ít dự án đã bị tắc lại. Trong khi ở nhiều nước, như Úc, Chính phủ cung cấp nguồn “đất sạch” cho nhà đầu tư. 

Ngoài ra, việc thực hiện một dự án tại Việt Nam lại có sự tham gia của liên bộ, như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước,… Việc này khiến có nhiều thảo luận rộng rãi, có thể bị rối vì nhiều bộ tham gia. Trong khi đó các nhà đầu tư quốc tế chỉ muốn có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm.

Cũng theo ông Magennis, để có một dự án PPP thành công, Chính phủ cần quan tâm đến tiến độ thực hiện dự án, vì trên thực tế có nhiều dự án ở Việt Nam đã bị chậm tiến độ, khiến phát sinh chi phí và gây rủi ro. Việc thu xếp tài chính trước khi ký kết hợp đồng PPP cũng quan trọng, vì có những hợp đồng đầu tư tại Việt Nam được ký kết trước với hy vọng thu hút được nguồn tiền sau đó. 

Còn ông Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế thuộc Chương trình về Việt Nam của trường Harvard Kennedy (Mỹ) tại TPHCM, kể rằng một đồng nghiệp của ông đã xem xét chi phí xây dựng hạ tầng tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, chi phí để xây dựng một đường cao tốc tại Việt Nam, như đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, tăng lên theo cấp số nhân so với chi phí xây dựng cao tốc ở Trung Quốc và Mỹ (cao gấp 5 lần so với Mỹ). 

Nguyên nhân nằm ở chi phí đền bù giải toả, chi phí xây dựng cầu, và một số chi phí khác không thể giải thích được. Việc này gây khó khăn cho hợp tác PPP, vì như thế vốn để xây dựng đường cao tốc rất cao, khiến nhà đầu tư khó có được lợi nhuận từ các dự án như vậy, ông Pincus nói. 

Theo hai diễn giả tại hội thảo trên, để có một dự án PPP thành công thì những rủi ro trên, cùng nhiều rủi ro khác, như liên quan đến tỷ giá, doanh thu tương lai (chẳng hạn như khả năng không có doanh thu từ dự án cầu đường do người dân đi vòng để né phí), cần được các bên tham gia đoán trước. Sau đó, các rủi ro này phải được nhà đầu tư và Chính phủ đưa lên bàn đàm phán, và được cụ thể hoá trong hợp đồng. 

Hội thảo diễn ra bên lề cuộc họp Nhóm công tác hạ nguồn Mekong - Mỹ lần thứ 4 (vào ngày 25 và 26/4, với sự tham gia của đại diện của Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, và Mỹ). Cơ chế hợp tác hạ nguồn Mekong - Mỹ (LMI) được hình thành từ năm 2009 theo sáng kiến của Mỹ. Hình thức PPP được các nước xem là hướng đi triển vọng để phát triển hạ tầng cũng như tăng cường gắn kết giữa 6 quốc gia này. 

Thu Nguyệt - Văn Nam 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: