Chỉ mục bài viết |
---|
Kỳ tích đê sông Hồng |
Kỳ 2: Những trận vỡ đê lịch sử |
Kỳ 3: Vụ án đê Yên Phụ |
Kỳ 4: Những tranh luận trên đê sông Hồng |
Kỳ cuối: Hành trình của con đê lịch sử |
Tất cả các trang |
Kỳ 3: Vụ án đê Yên Phụ
Đê càng vững thì dân dồn về đê càng nhiều, vi phạm hành lang đê càng tăng. Đê không vỡ, lũ không tràn nhưng đã có những lãnh đạo “trôi mất ghế”, tiêu biểu là “vụ án đê Yên Phụ” năm 1995.
Thách thức ngoài đê
Đê Yên Phụ là đoạn đê sông Hồng chạy từ chân cầu Thăng Long đến Nhà máy nước Yên Phụ, ngang qua một vùng “bờ xôi ruộng mật” của Hà Nội - Nghi Tàm - Quảng Bá - Hồ Tây.
Đê Yên Phụ trong trận lũ lịch sử năm 1971 - Ảnh: TTXVN
Và đê Yên Phụ ngày nay - Ảnh. V.Dũng
Người dân thủ đô cũng như cán bộ, chuyên gia làm công tác đê điều, thủy lợi khi nói về các vụ vi phạm đê điều không ai không nhắc đến “vụ án đê Yên Phụ” năm 1995. Khi đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo quyết liệt phá bỏ hơn 200 ngôi nhà xây dựng trái phép trên đê Yên Phụ, Tứ Liên. Vụ án này còn khiến ông thứ trưởng thường trực Bộ Thủy lợi bị kỷ luật, không được cất nhắc, cán bộ dưới quyền là cục trưởng đê điều và ông giám đốc Sở Thủy lợi Hà Nội đều mất chức và bị bắt giam hơn 70 ngày...
15 năm không phải là dài, nhiều người liên quan và nhiều cán bộ, kỹ sư cùng thời đến giờ nhiều người còn nhớ vụ bê bối ầm ĩ này.
Ngồi bán nước ngay đầu ngõ nhà mình (nhà 13, ngách 17, ngõ 292 Nghi Tàm), ông Đỗ Như Luân, tổ trưởng tổ dân phố 29, cụm 5A, phường Yên Phụ từ năm 1994 đến nay, kể: “Hồi đó, những năm đầu 1990, cả một đoạn đê dài chỉ khoảng hơn kilômet qua địa phận phường Yên Phụ hai bên thân đê người ta đua nhau làm nhà, xây bậc lên xuống, lối ngõ vào nhà ngay lên thân đê.
Thời đó cũng chủ yếu những nhà có tiền, có lực mới đủ sức xây nhà kiên cố, bấu bám vào đê. Thậm chí họ còn thuê xe chạy ngày đêm đổ đất cạp đê để xây dựng nhà cửa, hàng quán. Những gia đình không có điều kiện cũng chớp cơ hội bạt mái đê cuốc, xới trồng rau. Chỉ một thời gian ngắn trên đoạn đê này đã có cả vài trăm nhà lấn đê, vi phạm hành lang đê”.
Chẳng cần nói xa xôi, thời đấy ngay bản thân ông tổ trưởng Luân cũng leo lên mặt đê dựng lều bán quán nước. Đến em trai ông là đảng viên nhưng cũng xây nhà ngay sát chân đê... Ông Luân lý giải: “Khi đó đã có mốc giới gì đâu, đã được tuyên truyền thế nào là hành lang bảo vệ đê đâu, cứ thấy người khác xây được, ở được thì mình cũng bon chen!”.
Ngày 13/7/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo UBND TP Hà Nội kiểm tra tại chỗ và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm hành lang bảo vệ đê từ Yên Phụ đến Nhật Tân. Ngày 29/3/1995, đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm việc với Bộ Thủy lợi và Hà Nội về việc di chuyển các hộ dân, các công trình trong phạm vi cần giải tỏa.
Suốt ba tháng, sau những giằng co, 202 nhà nằm trong chỉ giới đã tự nguyện tháo dỡ hoàn toàn hoặc một phần. Thành phố lúc ấy tạm ứng 6,5 tỉ đồng cho UBND quận Ba Đình và 6,5 tỉ đồng cho UBND huyện Từ Liêm để chi cho việc hỗ trợ dân di dời...
“Gia cố kỷ cương”
Ông Luân bảo nhiều lúc các đoàn trung ương đi kiểm tra là dân lại xúm đông xúm đỏ để bày tỏ bức xúc, thắc mắc này nọ, kỳ kèo mức hỗ trợ, đền bù. “Tôi nhớ những lần ông Phan Văn Khải khi đó là phó thủ tướng xuống kiểm tra là dân xúm vào, rất nhiều người cố chen vào để đưa đơn thư kiện cáo”.
Thậm chí nhiều nhà chẳng biết quen biết cỡ nào, nhưng mỗi khi ông Luân đến vận động thì họ “cười khẩy như thách đố”, đến khi cưỡng chế thì năm lần bảy lượt cứ động vào lại phải dừng mà chẳng biết lý do.
Theo ông Luân, sau khi dẹp loạn đê xong, Nhà nước cắm mốc, vạch rõ các chỉ giới, làm đường rộng 5m lưu thông ngay sát chân đê thì chẳng còn mấy ai vi phạm cái mốc đó nữa. Những nhà xây sau chỉ giới 5m tính từ chân đê đến 25m thì được giữ nguyên hiện trạng, nhưng bị phạt rất nặng. Với sự kiên quyết của Chính phủ khi đó, sau mấy tháng “vụ án” cũng khép lại, toàn bộ nhà cửa lấn chiếm đã bị dỡ bỏ...
Chứng kiến vụ “dẹp loạn” đê Yên Phụ, một nhà báo lão thành từng 40 năm theo dõi ngành nông nghiệp quả quyết: Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi đó làm mạnh tay không chỉ để giải phóng thân đê, gia cố lại đê cho vững chắc mà sâu xa hơn, Thủ tướng muốn “gia cố lại kỷ cương phép nước”.
Nhiều người dân Yên Phụ còn nhớ thời đó, mỗi lần cưỡng chế là trên lại huy động biết bao công an, bộ đội, dân phòng rồi các loại xe máy xúc, máy ủi rầm rầm tiến lên đê Yên Phụ, đường Nghi Tàm. Lúc đầu thì chặn đường, tìm những hố xủi, tổ mối đào bới lên, cho quay phim, chụp ảnh để tuyên truyền cho dân biết sự nguy hại của làm nhà lấn đê. Các vết nứt, tổ mối, mạch xủi đó nếu gặp lũ thì nguy cơ vỡ đê là rất lớn.
Nguy hại trước hết là chính người dân sống gần đê, trong đó có bản thân những người lấn đê. Tuyên truyền là thế, thậm chí cán bộ phường, tổ dân phố thay nhau đi vận động, nhưng nhiều nhà cũng chống đối, dây dưa.
“Nếu là dân thường, tuyên truyền vận động rồi đền bù hỗ trợ thỏa đáng là dân nghe ngay. Tuy nhiên hồi đó không hiểu sao nhiều nhà thuộc diện “con cháu” vẫn ngang bướng, chống đối, chây ì khiến công tác giải tỏa dây dưa. Rồi dân thường cũng nhìn vào đó mà so bì” - ông Luân nhớ lại cái thuở đi vận động giải tỏa năm 1994 đầu 1995. May thay, cuối cùng ý chí lập lại kỷ cương đã chiến thắng!
- Hồn đô thị...
- Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Quảng Ngãi đến năm 2030
- Cơ hội tái cấu trúc đô thị
- Biến đổi khí hậu và bài toán quy hoạch đô thị - Bài 2
- Sức sống mới phía Đông (TPHCM)
- Nhà cao tầng ở trung tâm và bài toán kẹt xe
- Biến đổi khí hậu và bài toán quy hoạch đô thị - Bài 1
- Tính chuyện “thay áo” cho Đà Lạt
- Bảo tồn phố cổ bằng những công trình trùng tu mẫu mực
- Quản lý phát triển đô thị bền vững - Một số bài học kinh nghiệm