Tour chiếu phim về Kiến trúc Nhật Bản

Thứ hai, 05 Tháng 6 2017 07:45
In

Ngày nay, toàn cầu hóa gây ra những vấn đề như sự đồng nhất văn hóa, dẫn đến hủy hoại nền văn hóa của các dân tộc. Giữ gìn bản sắc văn hóa trở thành chủ đề được bàn luận trên nhiều diễn đàn thế giới. Từ năm 2001, UNESCO xác định vai trò và ý nghĩa của đa dạng văn hóa là rất cần thiết cho sự phát triển nhìn từ góc độ toàn cầu. Tháng 4 năm 2010, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh các đô thị và chính quyền địa phương (UCLG) họp tại Chicago đã đưa ra tuyên bố: “Văn hóa là cột trụ thứ tư của Phát triển bền vững” (cùng với Kinh tế, Xã hội và Môi trường). 

Năm nay 2017, để có được những nhìn nhận đa dạng cho chủ đề “Kiến trúc và Phát triển bền vững”, ngoài những bộ phim chính thức đã được lên kế hoạch và công bố từ đầu năm, CLB Điện ảnh Kiến trúc còn muốn giới thiệu tới các bạn một chương trình Tour chiếu phim Kiến trúc Nhật Bản nữa, với sự tài trợ của INAX. Khi nói đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa, chúng ta không thể không nhắc tới nhận thức của những nhà sáng tạo tại đất nước Phù tang này.  

Cuốn phim thứ nhất “KOCHUU, Kiến trúc Nhật Bản – Tác động và nguồn gốc” (KOCHUU, Japanese architecture - influence and origin) của đạo diễn Jesper Wachtmeister thực sự là một cuốn phim nói về văn hóa Nhật Bản thông qua kiến trúc. Nó không chỉ kể về bản sắc kiến trúc của Nhật Bản, mà còn cho chúng ta thấy được việc duy trì và phát triển bản sắc đó qua những thời đại khác nhau. Xem phim, chúng ta sẽ khám phá những đặc tính của không gian, ý nghĩa bí ẩn của những khu vườn. Ví dụ như “Kochuu” là một không gian nhỏ, đóng kín, nhưng là nơi kết nối tinh thần của con người và cũng là nơi kết nối con người với vũ trụ. Nhiều kiến trúc sư đương đại trong phim như Tadao Ando, Kazuo Shinohara, Kisho Kurokawa và Toyo Ito sẽ giải thích cách tiếp cận văn hóa truyền thống khi thiết kế. Mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau, mang đến sự đa dạng trong kiến trúc Nhật Bản. Ngoài ra, cuốn phim còn cho chúng ta tới những nước vùng Scandinavia (Bắc Âu), nơi mà kiến trúc Nhật Bản đã ảnh hưởng sâu sắc tới một thế hệ kiến trúc sư từ Alvar Aalto, Arne Korsmo tới Juhani Pallasmaa, Kristian Gullichsen và Sverre Fehn. 

Cuốn phim thứ hai “Thư viện và không gian trưng bày Sendai” (Sendai Mediatheque) của đạo diễn Richard Copans phân tích chi tiết hơn về một công trình. Sendai Mediatheque được thiết kế bởi kiến trúc sư Toyo Ito đã trở thành một trong những công trình biểu tượng của kiến trúc cuối thế kỷ 20. Cuốn phim sẽ phân tích cho chúng ta những điểm lý thú về công trình, cũng như đưa ra những lời giải thích về cách tiếp cận của Toyo Ito giữa truyền thống và hiện đại. Nhân đây chúng ta cũng biết được những triết lý sáng tác của ông, như tạo ra sự xuyên suốt khi biến hệ kết cấu trở thành không gian và ánh sáng, về kiến trúc phi vật liệu, về mối liên hệ trong – ngoài, hay về kiến trúc “tạm thời” (ephemeral). 

Cả hai cuốn phim đều được đánh giá cao và giành nhiều giải thưởng quốc tế. 

Thực hiện: Ashui Academy, Xưởng VUUV  
Nhà tài trợ: INAX (Part of Lixil) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: