Ashui.com

Wednesday
Apr 17th
Home Tương tác Góc nhìn Quy hoạch đô thị: Những khái niệm bị lật nhào

Quy hoạch đô thị: Những khái niệm bị lật nhào

Viết email In

Có thể nói, đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là một đồ án trẻ trung và thoải mái nhất mà chúng tôi được xem; Chẳng cần luận cứ gì nhiều, đồ án cũng đã cho người xem những ý tưởng táo bạo mà những bậc thầy về quy hoạch thế giới cũng sẽ ngả mũ chào về những kỷ lục mà đồ án đã xô đổ, những khái niệm đã bị lật nhào.

Xin giới thiệu góc nhìn riêng KTS Khắc Kỷ Nam.

ƯU ĐIỂM (hay kỷ lục) 1: Đã thực hiện một trong các đồ án quy hoạch với quy mô lớn nhất, trong một thời gian ngắn nhất!

Cũng vào thời gian này - hãy nhìn sang Pháp - Một quốc gia đã từng có đóng góp thực tế vào diện mạo Hà Nội trong lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc. Họ không thiếu các chuyên gia giỏi nhưng với một công việc tương tự "Le Grand Pari - Đại Pari" họ lại mời 10 ê kíp hàng đầu tham gia (Những tên tuổi lừng danh thế giới về quy hoạch trong đó có hơn 3 nhóm tác giả đã đoạt giải Pritzker - Giải Nobel trong lĩnh vực kiến trúc).

Chúng tôi cho rằng, người Pháp đã quá thận trọng (và khiêm tốn quá) khi mà cho đến nay (bắt đầu từ năm 2008) họ vẫn chưa xong đầu bài để bắt tay vào thực hiện đồ án. So với ở ta, họ thiếu năng động, thiếu dũng cảm, dám nghĩ, dám làm (có vẻ như già cả, trì trệ nữa).

May mà, chúng ta đã không mời các ê kíp này làm quy hoạch Hà Nội, nếu không họ đưa vào hệ thống lý thuyết lằng nhằng không biết đâu mà lần. Đã thế, mỗi e kíp lại có cách nghĩ, cách làm khác nhau thì biết thế nào là tốt? Làm sao chọn được, lại còn chậm trễ nữa!

Chúng ta đã có sáng kiến mời những người kinh nghiệm, hiểu biết vừa phải (tất nhiên là ít tên tuổi), họ sẽ biết tôn trọng chủ nhà, dễ nghe, dễ bảo, lại nhiệt tình, lãng mạn như sinh viên. Chỉ có họ mới dễ có tiếng nói chung, đề xuất được các mô hình không tưởng, phù hợp với mong mỏi của những ai yêu thích phiên lưu, coi thủ đô như là một phòng thí nghiệm khổng lồ, chốc lát đạt tới nền kinh tế tri thức, bỏ qua các giai đoạn không cần thiết.

Các nước phát triển (Âu, Mỹ), họ ỷ thế có nhiều tiền, nhiều kinh nghiệm nên cứ đủng đỉnh nghiên cứu kỹ lưỡng rồi mới thực hiện (nhanh chóng) ấy là vì họ không hiểu điều kiện đặc thù của Việt Nam; Việt Nam có cách làm riêng; Ở Việt Nam coi trọng bản sắc (của phương pháp), chỉ nghiên cứu những cái cơ bản thông thường, kinh viện, bỏ qua luận cứ thực tiễn, vì luận cứ cũng do con người làm ra, dài dòng quá, đã thế, thực tiễn lại phức tạp, muôn hình muôn vẻ, dễ gây rối; Dính vào, cái gì cũng đòi luận cứ sẽ làm cho khó nghĩ, khó làm.

Phải chọn cách làm đại cương, khái lược, nghiên cứu cho xong, làm cho mau, xin ý kiến cho có; và quyết phải thật nhanh; Cái gì cũng tương đối thôi, còn sau đó, khi thực hiện vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đời còn dài; có gì sai lệch với thực tế thì là chuyện thường "ai mà lường hết được"; Vả lại, "làm đúng luật rồi - yên tâm đi".

Sau khi Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, chúng ta sẽ có một hình mẫu về cách nghĩ, cách làm với tốc độ kỷ lục, sẽ làm cho thế giới phải triền miên ngưỡng mộ; Theo tinh thần lãng mạn Pháp, ê kíp thực hiện Quy hoạch chung Hà Nội có thể tiếp tục phát huy, sang giúp cho Kinh đô ánh sáng làm "Đại Pari"; Phải làm cho thế giới hiểu rằng cẩn trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng không phải là cách duy nhất để làm việc lớn.



ƯU ĐIỂM (hay kỷ lục) 2: Đồ án đã thể hiện những khát vọng, những mong muốn về thủ đô "to là đẹp" của thế hệ mới;

Khát vọng thật lớn lao, những trái tim thật dũng cảm bởi lần đầu tiên trong lịch sử loài người có một trục lớn mà thẳng (dài 30 ~ 40 km); Mang một sứ mệnh không có trong từ điển ngôn ngữ quy hoạch thế giới: "Trục Tâm Linh"; Cũng lần đầu tiên, tâm linh được phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật, vừa dài vừa rộng - đúng là cách nghĩ của thế hệ mới.

So sánh với mấy cái trục của các nước (Pháp, Mỹ, Trung Quốc) thường tự hào là cường quốc thế giới mà chẳng thấm vào đâu, mới thấy tầm vóc của ý tưởng này:

Người Mỹ, (ở Washinton, D.C) và người Pháp, (Champs - Elysées ở Paris) khi làm những "trục" ở thủ đô (ngắn thôi 4,5 ~ 6km) đã phải dùng quá nhiều vườn cây, trảng trống, mặt nước, các đường chéo, đường lượn, rồi đủ các loại công trình làm gián đoạn, làm mất, thì giờ của gió; Điện Louvre, Khải Hoàn Môn, La Défence trục cứ  nghẹo sang bên không ra sao cả; Tòa Bạch Ốc lùi quá sâu lại còn quay về hướng Nam (không chịu nhìn ra biển); Người Trung Quốc, chắc quá tin vào phong thủy nên Trục Trường An chỉ đi qua, phùng bụng phía trước Thiên An Môn, không dám chọc thẳng vào trung lộ, đã thế, cứ một đoạn lại phải cong cong, dích dắc có chưa đến 40 km mà hơn 10 đoạn gẫy, uốn lượn (có thể vào Google Earth xem); Chắc họ sợ khi thủ đô lâm nguy, trộm vía, nếu làm đường thẳng tắp thỉ chỉ cần 1 - 2 quả hỏa tiễn là kết thúc cuộc chiến (có lợi cho địch); Đấy là chỗ kém của họ!

Những người làm Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội quả có tính khái quát cao, không chấp vào tiểu tiết lặt vặt như vậy - Gần thẳng phải coi như "thẳng tắp", nếu cứ câu nệ vào mê tín dị đoan, phong thủy nọ kia thì làm sao còn lãng mạn; Hiểu vừa thôi, chứ hiểu sâu quá, khó làm, làm sao có được ý tưởng "Hy vọng táo bạo".

Với đề xuất của đồ án, vào năm 2030 cùng lúc sẽ có 03 Trung tâm Hành chính - Chính trị quốc gia cùng hoạt động; Cũng là một ý tưởng đặc biệt (lần đầu tiên trên thế giới); Giao thông sẽ rất nhộn nhịp và sôi động; để giải quyết một thủ tục hay tham dự cuộc họp toàn thể nào, những người tham gia (nhất là cán bộ, nhân dân các tỉnh khác) cũng sẽ có dịp viễn du tối thiểu 60 km (tính gọn cả đi cả về - bỏ qua những khúc quanh); quá trình viễn du (tối thiểu 02 giờ) sẽ tha hồ ngắm thành phố thủ đô hoành tráng, đi lại nhiều, thay đổi không khí tốt cho sức khỏe cán bộ, đi lại nhiều, nhãn quan sẽ rộng mở, cũng là dịp tốt để giao lưu; Công nghệ phát triển, vào lúc đó chắc sẽ gắn các thiết bị làm việc, văn phòng vào phương tiện giao thông, tiết kiệm thời gian cách khác, cũng sẽ là một ý tưởng không tồi.

Trở lại với Trục Kỷ lục (xin phép chúng tôi phải gọi chệch đi), với trục dài như vậy (với tầm nhìn xa trên 10 km) thì mắt người không trực quan mà thấy được, muốn thấy thì phải tưởng tượng (nhắm mắt lại) nên gọi là "Trục Tâm Linh" thì cũng hoàn toàn không sai.

Đã không nhìn thấy thì thẳng hay cong cũng có nghĩa gì đâu, mọi người không nên quá khắt khe, vặn vẹo (lại mất đi cái tình); Nhưng quả thật, dù muốn ủng hộ ý tưởng lập kỷ thế giới về Cái trục nói trên chúng tôi vẫn thấy hơi lo lo: lái xe khi đi trên đường thẳng băng như vậy chắc phải có chuông rung (tự động) liên tục để tránh cơn buồn ngủ thực vật kẻo lại đâm vào đâu đó làm hỏng mỹ quan đô thị; Mới lại, đi lại trên "Trục Tâm Linh" mà có ý nghĩ xằng bậy thì cũng chẳng có điều kiện nhìn ngắm thế giới này được lâu; Liệu có ai dám ngày nào cũng đi không?



ƯU ĐIỂM (hay kỷ lục) 3:  Đồ án đã có những đề xuất "Hy vọng táo bạo" về mô hình đô thị mang tính lý tưởng cao;

Có lẽ Ebenezer Howard (người Anh) không bao giờ tưởng tượng "Thành phố vườn" của ông lại được một quốc gia đang còn rất nghèo ở Châu Á xa xôi biến thành hiện thực, một hiện thực to lớn, còn hơn cả giấc mơ, bởi ông cũng chỉ dám đề xuất các thành phố này trong một bán kính cho 5 phút đi bộ (R=550m); Trong khi, hậu sinh dám làm các "thành phố vườn" với các bán kính phải tính bằng km với trên dưới 10 đơn vị.

Được đưa ra lần đầu tiên từ năm 1898, ông cũng không ngờ rằng những khát vọng không tưởng - thành phố dành cho người giàu bây giờ đã thành hiện thực sau hơn 120 năm vật vã ở Anh và Mỹ; Ở các nước này, giầu thì giầu thật, làm thì dám làm, song, không dám nghĩ, không dám mơ mộng như ở ta; Nông dân thì nhiều tiền nhưng không chịu mua biệt thự thành phố để ở (chê đắt), nhà nước lại đánh thuế nhà đất quá cao, thu hồi đất bằng cách mua lại của tư nhân bằng thương lượng, giá thì lại không hợp lý (không đền bù giá rẻ như ở ta); Thế, cho nên, đến nay, ý tưởng này vẫn chủ yếu nằm trên giấy, sách vở và đồ án của sinh viên là chính.

Chắc rằng những người quy hoạch có những bí quyết không tiết lộ, việc làm cách nào để những người nông dân, lao động bình thường lại có thể vào ở được trong các thành phố xanh, to lớn với môi trường trong lành thế; và, với nghề nghiệp gì thì họ có thu nhập đủ để sống được lâu dài ở nơi này? Làm cách nào để mô hình này (xanh Nằm) thay thế mô hình đô thị nén (xanh Đứng) vốn được coi là giải pháp tiết kiệm đất đai, giảm thiểu không gian đô thị? Hy vọng, họ có át chủ bài (có thật) để hiện thực hóa ý tưởng (này) ở ta và nhân rộng ra cho toàn thế giới.

Mô hình xanh (xanh Nằm - không phải xanh Đứng) thì đương nhiên tốn đất; chỉ 40 năm tới, Hà Nội đã sử dụng hết 30% quỹ đất cho phố phường rồi, với tốc độ sử dụng đất như kế hoạch này cũng nên coi như một thành tích đô thị hóa cấp tốc; Nông dân, mà không còn đất, thì dù muốn hay không cũng trở thành người thành thị - Đương nhiên, không lẽ còn cách khác? Còn con cháu ư? Đời cua, cua máy, đời cáy, cáy đào; Lo xa, bàn kỹ ra ngoài, cũng không phải điều hay; Hết đất, thì lại mở rộng địa giới hành chính, hoặc lên rừng hoặc xuống biển, lo gì!



ƯU ĐIỂM (hay kỷ lục) 4: Giải quyết được một số mục tiêu bảo tồn văn hóa, di sản đô thị; Khai thác tốt cảnh quan, mặt nước; Chỉ quên vài đặc trưng cốt lõi của Hà Nội;

Rất nhiều ý tưởng về bảo tồn văn hóa, di sản đô thị, nghe rất thích, đọc rất hay, ngẫm sâu sắc, bao quát được rất nhiều vấn đề: phố cũ, phố cổ, kiến trúc truyền thống, đình đền, miếu mạo, mặt nước, cây xanh và nhiều vấn đề khác nữa.

Như đã nói, với ba (03) Trung tâm Hành chính - Chính trị quốc gia cùng với một trục "Tâm linh" thẳng tắp, đồ án đã góp phần bảo tồn (mãi mãi cho muôn đời sau) hiện tượng giao thông con lắc của thời đại chúng ta khi giải quyết các thủ tục hành chính; Đây cũng là một di sản đô thị chứ! Đúng là một công đôi việc.

Đồ án chỉ quên khôi phục sông Tô Lịch (giống như Hàn Quốc khôi phục con suối gì đó ở Seoul); Hoặc giả đây là thâm ý để lại cho đời sau hiểu: Nếu như con sông thơ mộng nhất này của Hà Nội không được khơi thông thì ý tưởng về một thành phố xanh sẽ trở thành nửa vời như thế nào?

Đồ án cũng chỉ quên bảo tồn Vùng đất có Núi Nùng lịch sử với tư cách một Di sản chức năng; cũng chỉ quên việc quy hoạch chung Hà Nội lần này là cơ hội lớn để hoàn thiện, củng cố vị thế Trung tâm Chính trị Ba Đình mãi là "thượng đô kinh sư mãi muôn đời"; Thay vào đó, lại mải miết ngóng về: nay Thạch Thất, Phú Diễn, mai Mỹ Đình, Hòa Lạc kia Chân núi Ba Vì.

ƯU ĐIỂM (hay kỷ lục) 5: Giải quyết, hợp lý được phần lớn các dự án đô thị đã và đang triển khai trên địa bàn Hà Nội và Hà Tây (cũ);

Với việc đưa trọng tâm của quy hoạch chủ yếu vào các Đô thị quần cư, đồ án đã giải quyết được phần lớn các dự án đô thị đã được tía lia thực hiện và phê duyệt gấp gáp trước ngày sát nhập Hà Nội vào Hà Tây; Một kỳ tích về giải quyết hậu quả của "tùy tiện cơ hội"!

Đã giữ được tình người theo truyền thống "thương người như thể thương thân", đã giữ chữ tín với các bạn (nước ngoài) theo truyền thống của người Việt "lá rách đùm lá lành", "nhường áo, sẻ cơm"; Thủ đô bây giờ rộng rồi, chúng ta "để" cho bạn chỗ tốt (gần Hồ Tây, Núi Nùng) mới đúng đạo lý; Chính phủ, các cơ quan Trung ương nếu không còn chỗ thì lên núi có sao, hẻm núi có hẹp (dễ phòng thủ), càng cao, càng tốt, ngày trước (giống thời kháng chiến - chịu khổ quen rồi) vẫn thế kia mà!



ƯU ĐIỂM (hay kỷ lục) 6: Đồ án đi trước một bước, xác định các vấn đề cho quy hoạch chiến lược phát triển của thủ đô Hà Nội theo hướng phỏng đoán; Đã tập trung giải quyết được các vấn đề về hệ thống giao thông đô thị theo các giải pháp có sẵn và đơn giản;

Không chờ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội; Không cần mô hình đô thị tối ưu; Không phụ thuộc vào giải pháp đô thị hóa bằng cách nào, với dân cư hiện nay đa phần làm nông nghiêp; Bảo vệ thành phố xanh, không nhập cư lao động chất lượng cao, không đón khách du lịch, chỉ làm dịch vụ trong nội bộ (tự cung, tự cấp) để giảm bớt tăng dân số đô thị, chật đường; Đúng là làm việc gì (dù quy hoạch) cũng phải kế hoạch hóa cao độ như thế chứ! Nếu cứ đưa vào các tham số cho đô thị hóa, mở cửa cho khách du lịch vào thoải mái 3 - 9 lần dân số sở tại như Tokyo, Pari hay London có thu được tiền thì (hay phải chen chúc nhau) cũng chẳng bõ.

Mà làm sao phải nhập cư, người dân Hà Nội "mới và cũ" vừa chăm làm, vừa chăm học; người chăm làm sẽ là lao động phổ thông, người chăm học sẽ làm lao động trí óc; dịch vụ thì cung cấp chủ yếu bằng bán hàng tự động hay tự chọn; Với lại, sau 20 - 40 năm nữa sẽ dùng người máy là chính; Khách du lịch muốn thăm Hà Nội sẽ sử dung công nghệ 3G - nG; Không nên đến, chật đường, mà có đến, cũng chẳng có người tiếp; Việc giãn 400 ngàn chứ 800 ngàn dân nội thành chẳng có gì khó, bởi lúc đó, nội thành sẽ "buồn như trấu cắn", ai thèm ở.

Để đạt được GDP bình quân trên đầu người (12.000 - 22.000 USD), thiếu gì cách mà phải cần tới tăng trưởng thực tế với lại chất lượng tăng trưởng; Cứ vay cho nhiều vào, đầu tư vào hạ tầng cho nhiều vào; Hà Nội bây giờ rộng rồi, 40 năm nữa cũng chưa hết việc; Tính GDP bằng vốn vay, vốn đầu tư, vừa dễ tính, vừa chính xác, lại, không mất thì giờ.

London, Tokyo, New Yord tuy là trung tâm tài chính thế giới thật đấy, nhưng cái kém của họ là cứ để mãi các trung tâm tài chính vào khu vực đô thị cũ; Ta, ta có sáng kiến đưa ra ngoài, vừa thoáng, mát, ít người ghé thăm, mới có cơ hội vượt họ; Để đô thị thủ đô Hà Nội có tính cạnh tranh trong khu vực Thái Bình Dương; Tiền ư, không phải là tất cả!

Cách tính đầy đủ về quy mô dân số (có thể Hà Nội phải chịu đựng một sức chứa lên tới 27 triệu người vào ngày cao điểm) sẽ rất khó nghe; các cách tính đủ, phức tạp quá, nghe đã thấy đau đầu; Tính vừa phải, ít thôi, dễ nghe, dễ lọt, sau này sai, tính tiếp.

Quy hoạch giao thông, đơn giản, cứ làm đường to, nhiều loại đường, cao thấp đủ cả, phương tiện hiện đại, đa dạng; Kèm theo các giải pháp (có sẵn) chống nhập cư, giãn dân khỏi đô thị; giáo dục, quy định cho người dân, ở đâu, cứ ở đấy, ngăn cho họ không được đi lại thăm nhau; chắc chắn là một gói các giải pháp hoàn hảo để không tái diễn cảnh xảy ra tắc đường như bây giờ nữa.

ƯU ĐIỂM (hay kỷ lục) 7: Đây là một đồ án có dư sáng kiến, bớt đi những bước nghiên cứu của thế giới mà theo cách làm của Việt Nam là không cần thiết;

Với tên gọi Quy hoạch chung nhưng đồ án đã thực hiện như một đồ án gộp (Cùng lúc thực hiện các công việc, bao gồm: Quy hoạch Vùng; Quy hoạch chung; Quy hoạch phân khu; và một số điểm đã thực hiện như một Quy hoạch chi tiết, thậm chí, làm thay cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội); Có thể nói là một khối lượng công việc khổng lồ, đồ sộ, tốn rất nhiều công sức và tiền của; Nếu cứ làm trình tự, bài bản theo quốc tế, biết bao giờ xong?

Các nước tiên tiến họ không hiểu cách làm tắt "đi trước đón đầu" của Việt Nam, bỏ qua các giai đoạn nghiên cứu cơ bản, giải quyết trực diện (ngay lập tức) mọi yêu cầu, không cần phân tách lớp lang để dễ tư duy, không cần sự mạch lạc, trình tự của hệ thống.

Ngược lại, phải tạo ra một mê hồn trận, dồn một cục; Mờ mờ nhân ảnh, không nhất thiết phải rõ điều gì; Khen hay chê đều phải phỏng đoán; Thế mới là sáng kiến, không ai có thể nói sai, nói đúng được (nhất là với thời gian gấp lắm rồi - phải phê duyệt cho kịp Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội), thế là xong!



ƯU ĐIỂM (hay kỷ lục) 8: Các nhà tổ chức quá thông minh trong việc lấy ý kiến nhân dân và các nhà khoa học;

Theo kinh nghiệm, phàm, đã làm việc lớn, đừng bàn nhiều, hỏi, nghĩ nhiều, sẽ không quyết định được; Còn, nếu không hoàn chỉnh thì cũng coi như một giải pháp kích cầu để thế hệ sau có việc làm, âu, cũng là việc hữu ích; Chúng ta đã có (cùng cách nghĩ, riêng cách làm thì khác đôi chút, với quy hoạch chung Hà Nội) quy hoạch nhanh chóng Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó, rút kinh nghiệm lâu dài và bền vững; Thời gian, 5, 10, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, thì có sao, tắc đường, ngập lụt, hết đất thì tại ý thức (người dân bao giờ chả thế) kém, chứ các ý đồ, tính toán đều theo đúng quy chuẩn, quy phạm Bộ Xây dựng ban hành; Việc thực hiện, lại đúng luật (đều có hội đồng thẩm định quốc gia, xin ý kiến nhân dân cẩn thận), làm sao có chuyện sai sót được.

Những người phê phán, về cơ bản là không thiện chí, thiếu tinh thần xây dựng; Điều chỉnh quy hoạch thì phải liên tục, thường xuyên, phải tỏ rõ thái độ cầu thị, sai đâu thì sửa đấy; Dân mình, đã có tính nhẫn nại, lại có đức khoan dung, độ lượng "chín bỏ làm mười", không chấp chi nhặt nhạnh; Biết lỗi rồi, làm gì thì làm, họ không để ý đâu, mà có để ý cũng không biết được, vì quy hoạch là một chuyên môn sâu, thời gian lại ngắn, nội dung lại phức tạp, biết đâu mà góp ý; Còn, nếu có góp ý, làm sao mà trúng được, thì nghe hay không là quyền ở mình chứ!

Với việc soạn "Phiếu lấy ý kiến góp ý nhanh" gồm 6 mục, người dân (đa phần) và các nhà khoa học (thiểu phần) chỉ cần đánh dấu (x), khỏi phải nghĩ; Gọn gàng, hết giấy; Không chê (viết) vào đâu được! Cứ đánh dấu (x) vào khoảng giữa giữa, sang trái chút; Thế, là tốt rồi; Quá an toàn; và; Quá thông minh!
__________________________________

  • Các ê kíp tham gia đề xuất ý tưởng cho « Le Grand Pari - Đại Pari »
  • Để biết thêm chi tiết xin vào Website: http://www.legrandparis.culture.gouv.fr/;
  • Hình ảnh minh họa : Dự án « Le Grand Pari - Đại Pari » - So sánh hai sự kiện tương đồng về tính chất; dễ dàng nhận thấy sự khác biệt về phương pháp, chất lượng và sự cầu thị.

Khắc Kỷ Nam 

>> "Đại Paris" và tầm nhìn quy hoạch đến 2030 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo