Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc - văn hóa lịch sử Hồ Hoàn Kiếm: Tạo dựng thương hiệu đô thị của Thủ đô Hà Nội"

Thứ tư, 08 Tháng 10 2014 12:38
In

Nhân dịp kỷ niệm 60 Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-2014), Ủy ban nhân dân Quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Việt Nam-Tạp chí Kiến trúc tổ chức hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc - văn hóa lịch sử Hồ Hoàn Kiếm: Tạo dựng thương hiệu đô thị của Thủ đô Hà Nội".  

Chương trình:

08:00: Tiếp đón đại biểu / tham quan triển lãm. 
08:30: Khai mạc hội thảo
10:00: (Thảo luận) Phần 1: Các giải pháp quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm - Điều hành: KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam. 
11:00: (Thảo luận) Phần 2: Phát huy giá trị không gian kiến trúc, văn hóa lịch sử Hồ Hoàn Kiếm - Điều hành: GS.TS.KTS Nguyễn Việt Châu – Tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc
12:00: Nghỉ trưa / tiệc
13:30: Thảo luận (tiếp)
Phần 3: Vai trò của Nhà quản lý và cộng đồng - Điều hành: TS.KTS Dương Đức Tuấn – Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm
14:30: Tổng kết hội thảo / Tuyên bố
15:00: Triển lãm các đồ án Ý tưởng quy hoạch thiết kế chỉnh trang Hồ Hoàn Kiếm và khu vực phụ cận. 

Thông cáo chung Hội thảo 

Nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014), ngày 8/10/2014, UBND quận Hoàn Kiếm, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam và Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử Hồ Hoàn Kiếm – Tạo dựng thương hiệu đô thị" cho Thủ đô Hà Nội". 

Đây là dịp nhìn lại những thành tựu, nỗ lực trong công tác chỉnh trang diện mạo, và cảnh quan khu vực xung quanh Hồ Gươm; đồng thời, phân tích thực trạng và tồn tại trong công tác quản lý, quy hoạch, xây dựng khu vực Hồ Gươm – Quận Hoàn Kiếm, đề xuất giải pháp phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc... để mang lại sức sống cho các không gian công cộng, các khoảng trống quý giá tại đây – Từ đó, nhằm tạo dựng nên “thương hiệu đô thị” của Thủ đô về một Thành phố Xanh, TP sống tốt, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và thân thiện với môi trường.

Hội thảo đã vinh dự đón tiếp Lãnh đạo UBND TP Hà Nội, lãnh đạo Bộ Xây dựng, lãnh đạo các Hội chuyên ngành, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm và các quận nội thành, các kiến trúc sư, các nhà khoa học, trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, văn hóa, lịch sử và những người yêu mến Hà Nội. Sau bài phát biểu khai mạc của Ông Hoàng Công Khôi, Bí thư Quận ủy quận Hoàn Kiếm và tham luận đề dẫn của TS.KTS Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm, các đại biểu đã tập trung thảo luận với ba nội dung chính:
- Các giải pháp quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm.
- Phát huy giá trị không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử Hồ Hoàn Kiếm – Tạo dựng thương hiệu đô thị của Thủ đô Hà Nội.
- Vai trò của nhà quản lý và cộng đồng.

Trên cơ sở đánh giá hiện trạng khu vực Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, khẳng định các giá trị của Hồ Hoàn Kiếm trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Thủ đô cũng như nhân dân cả nước, các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng thảo luận, đóng góp ý kiến và thống nhất một số nội dung sau:

1. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, những tác động của đời sống xã hội, dù có nhiều biến đổi, cả tích cực và tiêu cực, khu vực Hồ Hoàn Kiếm vẫn là một trong 3 nơi “Lắng hồn núi sông ngàn năm...” của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nhân dân Thủ đô nói chung, quận Hoàn Kiếm nói riêng đã có nhiều đóng góp, làm sáng lên những giá trị của “viên ngọc” quý - Hồ Gươm, biến khu vực này trở thành một “nơi chốn” hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

2. Hồ Gươm đã, đang và sẽ trở thành “thương hiệu” nhận diện của Thủ đô Hà Nội nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, những gì đã làm được đều chưa xứng tầm với giá trị của Hồ Gươm: Các công trình văn hóa, lịch sử chưa được bảo tồn và phát huy giá trị, không gian công cộng chưa được cải tạo chỉnh trang đúng tầm, giao thông trong khu vực chưa hợp lý, tổ chức thương mại – dịch vụ chưa khai thác hết tiềm năng... Mặc dù UBND quận Hoàn Kiếm và UBND TP Hà Nội đã hết sức quan tâm, sát sao chỉ đạo , tổ chức nhiều hội thảo, nhiều cuộc thi ý tưởng quy hoạch kiến trúc, ban hành những điều lệ, quy chế quản lý... nhưng khi triển khai thì còn nhiều hạn chế. Khoảng cách giữa các văn bản pháp quy cũng như các đồ án thiết kế với thực tiễn triển khai vẫn còn khá xa. Việc xây dựng quy hoach tốt, ý tưởng chỉnh trang thiết kế đô thị khả thi, khớp nối các không gian văn hóa, lịch sử cũ – mới, truyền thống – hiện đại, phát huy giá trị của viên ngọc quý Hồ Gươm... đã trở thành một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và đầy thách thức đối với những người làm công tác quản lý đô thị, quy hoạch kiến trúc và với cả người dân Thủ đô.

3. Trước thực trạng đó, các nhà khoa học và nhà quản lý cùng thống nhất định hướng, giải pháp, phục vụ cho việc xây dựng và phát triển các không gian xanh, không gian công cộng của Hồ Hoàn Kiếm trong thời gian tới, đảm bảo sự phát triển bền vững của khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận. Trong đó, chú trọng những giải pháp sau:
- Hình thành các tuyến phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận;
- Cấu trúc hóa không gian ngầm, đồng bộ hệ thống giao thông, giảm tải cho khu vực phố cổ, phố cũ;
- Tạo lập không gian Hồ Hoàn Kiếm theo hướng công viên hồ gắn với truyền thuyết lịch sử...
- Phát huy cụm di tích văn hóa lịch sử kết hợp cảnh quan thông qua thiết kế đô thị, xác định điểm nhấn của khu vực là Quảng trường Đông kinh nghĩa thục với chức năng quan trọng: Kết nối khu phố cổ, khu phố cũ và không gian cảnh quan xanh ven hồ.
- Hoàn chỉnh việc chỉnh trang các không gian công cộng, trong đó có các quảng trường, đường đi bộ...
- Xác định sự tham gia của cộng đồng cùng chính quyền địa phương. Kiến nghị lấy Tháp Rùa làm biểu tượng quận Hoàn Kiếm.

4. Công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị không gian kiến trúc – văn hóa, lịch sử Hồ Hoàn Kiếm là công việc cấp bách, hệ trọng. Những thách thức của áp lực đô thị hóa không cho phép chúng ta do dự, chần chừ mà phải bắt tay ngay vào hành động. Trách nhiệm to lớn này đòi hỏi sự chung tay góp sức của các cấp, ngành quản lý từ Trung ương tới TP – quận – phường, của các nhà khoa học trong giới kiến trúc văn hóa, lịch sử, xã hội và quan trọng hơn cả là của cộng đồng cư dân quận Hoàn Kiếm nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung. 

Hy vọng rằng với sự quyết tâm to lớn ấy, những công việc của ngày hôm nay sẽ góp phần bảo vệ, giữ gìn được Hồ Gươm – viên ngọc quý của Hà Nội cho muôn đời các thế hệ mai sau... 

Hà Nội, ngày 8 tháng 10 năm 2014 

Liên hệ thường trực Ban Tổ chức: Ms Liên / 0936368155 

Một số hình ảnh Hồ Gươm và khu vực phụ cận từ dự án Hanoi Fly / Ashui.com triển lãm tại hội thảo: 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: