Hội thảo khoa học Xây dựng mô hình thành phố thông minh tại Hải Phòng

Thứ bảy, 25 Tháng 2 2017 17:05
In

Sáng 25/2, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Học viên hành chính quốc gia và Đại học Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học "Xây dựng mô hình thành phố thông minh đạt chuẩn các chỉ số thế giới, mục tiêu an ninh, an sinh, an toàn (thích ứng với điều kiện Việt Nam)"

Tham dự Hội thảo có Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Xuân Bình – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam; PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; cùng nhiều chuyên gia đến từ các Bộ, ban, ngành trong thành phố và trong cả nước.  


Quang cảnh Hội thảo
(Ảnh: Ashui.com) 

Mục đích của Hội thảo nhằm tạo lập một diễn đàn khoa học, một kênh chia sẻ thông tin và các tri thức học thuật, từ đó thúc đẩy, tăng cường sự trao đổi, hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp để có thể đề xuất các chính sách, giải pháp xây dựng và phát triển mô hình thành phố thế giới phù hợp, thích ứng với điều kiện Việt Nam. Hội thảo lần này cũng sẽ là cơ hội để thành phố Hải Phòng gửi thông điệp đầy khát vọng về một thành phố năng động, giàu tiềm năng, nhiều cơ hội và đặc biệt coi trọng cơ chế, chính sách đột phá về xây dựng thành phố thông minh đảm bảo mục tiêu an ninh – an sinh – an toàn. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Triệu Văn Cường – Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia đã khẳng định: Hội thảo khoa học hôm nay là một sự kiện lớn, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Thể hiện sự quyết tâm, tâm huyết và đồng thuận của lãnh đạo Trung ương, các thế hệ lãnh đạo thành phố Hải Phòng với tư duy, tầm nhìn và hành động nhất quán, không ngừng đổi mới về việc xây dựng mô hình phát triển thành phố Hải Phòng theo hướng “thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại”. Qua đó khơi dậy niềm đam mê và tinh thần cống hiến của các nhà quản lý, các doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu định hướng đến sự phồn thịnh, tiến bộ và phát triển bền vững của đất nước và thành phố Hải Phòng.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, trong đó có nội dung định nghĩa về thành phố thông minh thích ứng với các điều kiện của Việt Nam; nghiên cứu, xây dựng mô hình thành phố thông minh đạt chuẩn các chỉ số thành phố thế giới, mục tiêu an ninh, an sinh, an toàn; nghiên cứu xu thế phát triển của các thành phố trong thời gian tới; đóng góp nghiên cứu với Tổ chức Dữ liệu các thành phố thế giới và Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế để xây dựng Bộ tiêu chuẩn ISO cho thành phố thông minh… Đây là những vấn đề vừa có tính thực tiễn, vừa có tính chất lý luận khoa học có liên quan đến việc xây dựng và phát triển mô hình thành phố không những ở Hải Phòng mà còn đối với nhiều thành phố khác trong cả nước. 

Hội thảo khoa học “Xây dựng mô hình thành phố thông minh (Smart Cities) đạt chuẩn các chỉ số thành phố thế giới, mục tiêu an ninh, an sinh, an toàn (thích ứng với điều kiện Việt Nam)” có tổng số gần 10 ý kiến tham luận trực tiếp và hơn 20 tham luận bằng văn bản được chuẩn bị công phu. Đây là cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp người tham dự hiểu rõ khái niệm về thành phố thông minh cũng như các đề xuất xây dựng thành phố thông minh sát với điều kiện cụ thể của Việt Nam và thành phố Hải Phòng. Tóm lược một số ý kiến tiêu biểu tại hội thảo: 

PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng-Thứ trưởng Bộ Công an:
Ưu tiên đầu tư vào giáo dục, hạ tầng, kết nối thông minh

Thành phố thông minh là thành phố sử dụng công cụ điều khiển hệ thống tích hợp kết nối giữa hệ thống thế giới thực và thế giới ảo, tư duy hệ thống giữ vai trò chủ đạo, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông làm phương tiện. Mục tiêu là nhằm xây dựng thành phố có giá trị, có sức sống, có khả năng phục hồi và cạnh tranh, thước đo là sự hài lòng của cộng đồng dân cư; tiêu chí đạt chuẩn các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn về kinh tế, xã hội và môi trường.

Thành phố Hải Phòng sẽ trở thành thành phố thông minh, khi tập trung ưu tiên đầu tư vào giáo dục thông minh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, công dân thông minh; đầu tư vào hạ tầng thông minh tạo sự di chuyển thông minh; đầu tư vào kết nối thông minh tạo nền tảng cho điều khiển hệ thống thông minh thực-ảo. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư tạo động lực tăng trưởng kinh tế bền vững, chất lượng cuộc sống cao; quản lý việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:
Đổi mới mô hình quản trị theo hướng mở

Quá trình đô thị hóa trong thời gian qua ở Việt Nam diễn ra nhanh chóng song cũng bộc lộ nhiều hạn chế và các điểm nghẽn phát triển. Hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ công ở một số thành phố bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải. Ô nhiễm môi trường gia tăng cùng với nhiều vấn đề xã hội bức xúc khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị. Tình trạng đó khiến nhiều chính quyền địa phương coi việc xây dựng các mô hình thành phố mới là một trog những mục tiêu phát triển hàng đầu. Tính đến nay, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 10 đô thị thông minh gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lâm Đồng, Thừa Thiên-Huế, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Phú Quốc.

Để xây dựng các thành phố thông minh, Việt Nam và các địa phương cần bắt đầu từ việc đổi mới mô hình quản trị theo hướng gợi mở sau: nâng cấp nền tảng công nghệ quốc gia, tận dụng cơ hội trước những đột phá nhanh chóng về công nghệ trên thế giới; xây dựng chính phủ điện tử tạo nền móng cho quản trị thông minh. Đồng thời, tăng cường tính kết nối trong hoạt động quản trị đô thị thông minh; xây dựng nền tảng lấy người dân làm trung tâm và lấy lợi ích của người dân làm mục tiêu phấn đấu. Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện, thế mạnh của mình, chính quyền các địa phương cần xác định lĩnh vực ưu tiên triển khai trước khi bắt tay vào xây dựng mô hình thành phố thông minh. 

PGS.TS Lưu Kiếm Thanh, Phó giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia:
Chính quyền thông minh-nền tảng xây dựng đô thị thông minh

Phát triển đô thị thông minh không đơn thuần là đầu tư cho công nghệ thông tin. Một trong những yếu tố quan trọng khi xây dựng đô thị thông minh là phải xây dựng được chính quyền thông minh- tức là chính quyền kết nối được với doanh nghiệp thông minh, công dân thông minh.

Chính quyền thông minh là nền tảng xây dựng đô thị thông minh, cốt lõi là phát huy trí tuệ quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức thông minh. Muốn vậy, người cán bộ, công chức phải bảo đảm những yêu cầu về tính chuyên nghiệp như: tinh thông nghiệp vụ, có các kỹ năng thuần thục để thực thi các nghiệp vụ đó; hiểu rõ và biết vận dụng những nguyên tắc quản lý điều hành khoa học và nghệ thuật; hiểu rõ và thực thi đúng quy chế công vụ. Bên cạnh trình độ chuyên môn, người cán bộ, công chức phải có đủ phẩm chất, có nhận thức, tư duy và năng lực trong việc tham mưu với Đảng, Nhà nước và thành phố hoạch định và thực thi các chính sách đáp ứng ở mức độ cao những yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước, thành phố. 

TS Trần Đình Lân, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển:
Lồng ghép vấn đề môi trường, sức khỏe vào quy hoạch, quản lý giao thông

Hiện nay, có thể chia hệ thống giao thông ở Hải Phòng ở hai mức: vĩ mô và vi mô. Ở mức vĩ mô, hệ thống giao thông kết nối trung tâm thành phố với các quận, huyện ngoại thành và các tỉnh, thành phố khác thông qua hệ thống đường sắt, đường thủy, đường cao tốc và đường hàng không. Mức vi mô bao gồm toàn bộ mạng lưới giao thông nội đô phục vụ sự đi lại của hàng trăm nghìn người cùng số lượng phương tiện đang tăng lên từng ngày. Điều này thường xuyên gây ra sự quá tải cho hệ thống giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm.

Để có được hệ thống giao thông thông minh tại Hải Phòng những năm tới đây, các vấn đề môi trường và sức khỏe cần được lồng ghép trong quy hoạch, quản lý giao thông của thành phố, bao gồm: nâng cấp cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phát triển các hình thức giao thông mới, thiết lập trung tâm điều hành giao thông, cải thiện và nâng cấp quản lý ở cấp vĩ mô, mở rộng quy hoạch và quản lý ở cấp vĩ mô.

Hoàng Duy Đỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng:
Tạo mô hình kết nối công dân thông minh hiện đại, dễ sử dụng

Theo số liệu của Bộ Thông tin - Truyền thông, tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động trên toàn quốc hiện có 148,5 triệu, gấp 1,5 lần dân số, trong đó thuê bao di động chiếm 93,3%. Theo nghiên cứu của Viện Gallup tại Mỹ, 43% số người Việt có internet tại nhà, 94% có điện thoại di động, trong đó có 37% người sử dụng điện thoại thông minh. Tỷ lệ sử dụng điện thoại để truy cập internet khoảng 31%. Có thể khẳng định, điện thoại thông minh và internet là công cụ chính để hỗ trợ công dân thông minh. 

Theo nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khi đánh giá về các chỉ số phát triển của Hải Phòng so với 7 tỉnh, thành phố lớn và cả nước năm 2015 cho thấy, về tổng thể, chúng ta đang ở vị trí giữa của nhóm tỉnh, thành phố lớn và tốp 10 cả nước. Đây là căn cứ quan trọng để lựa chọn phương án đề xuất xây dựng thành phố thông minh kết nối công dân thông minh. Tuy nhiên, muốn nâng cao hiệu quả giao dịch của công dân, các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin tiếp tục nghiên cứu, đổi mới sáng chế, cung cấp cho thị trường các sản phẩm công nghệ thông tin hội tụ nhiều tính năng, hiện đại, dễ sử dụng, tạo những tương tác kết nối nhiều chiều từ nhiều phương tiện, lĩnh vực. 

Việt Hoàng / Báo Hải Phòng lược ghi 

(haiphong.gov.vn) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: